Tập quán sinh hoạt của các làng văn hóa
Hoạt động của các làng văn hóa xưa và nay
Cách đây gần 1.000 năm, xã Thọ Lộc có tên gọi là làng Quả, sau gọi là làng Quả Nhuệ (có di bản gọi là Cảo Nhuệ), thuộc Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá).
Những di chỉ, ngọc phả, thần phả, gia phả còn lưu lại đã khẳng định các làng trong xã: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng, làng Quả Hạ là những làng cổ. Mỗi tên làng, mỗi gốc cây cổ thụ, những sân đình, những mái chùa và từng dòng họ luôn gắn với những điển tích mang đậm tính dân gian.
Điển tích về cây Trôi làng Quả Hạ và Thành Hoàng Làng Quả Thượng đã minh chứng cho những ngày đầu lập làng.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có hai ông tên là Lý Ứng và Lý Lam quê tận xứ Đông (tỉnh Hải Dương), là tướng giỏi thời Lý rồi làm quan thời Trần, do thất sủng với triều đình đành chạy vào miền trong lánh nạn. Sau nhiều ngày đi bộ cho đến một chiều cuối thu, bụng đói, miệng khát, chân mỏi, hai ông dừng chân dưới một gốc cây Trôi to, họ ứa nước mắt nhìn nhau và ngửa mặt lên trời than: "Âu cũng là số trời định, chắc hai anh em mình không qua khỏi đêm nay".
Bỗng một cơn gió mạnh thổi qua, những quả Trôi vàng mọng rơi lộp bộp quanh gốc, hai ông nhặt đưa vào miệng nhai. Có ai ngờ vị chát, chua của trời và vị ngọt bùi của đất tụ vào trong quả đã mang lại sinh lực cho ông Ứng, ông Lam.
Sáng dậy hai ông trèo lên cây nhìn ra xung quanh, cảm nhận được đây là vùng đất quý, cây cối xanh tươi, chim thú từng bầy nên đã quyết định dựng lều lập trại.
"Đất lành chim đậu", dân tứ xứ cũng tìm về, cuộc sống lúc đầu khó khăn, thức ăn là hái lượm quả cây, bẫy bắt thú rừng, sau hai ông hướng dẫn cho mọi người trỉa lúa, trồng bông.
Đất không phụ lòng người, lúa mẩy hạt, bông trắng cành, đời sống ngày thêm no đủ, ai cũng mừng, cũng vui và quyết định đặt tên cho vùng đất này là Trại Quả (Quả có nghĩa là điểm dừng, là thành quả và cũng hàm ý nhắc đến những quả Trôi đã cứu sống ông Ứng, ông Lam).
Trải qua năm tháng chống chọi với hiểm họa của thiên nhiên và đấu tranh bảo vệ Trại, người dân Trại Quả luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, giàu nhuệ khí nên đã đặt thêm chữ Nhuệ thành Trại Quả Nhuệ và sau này là làng Quả Nhuệ.
Dân mỗi ngày một đông, làng mỗi ngày một rộng, ông Ứng ông Lam chia làng ra làm hai, nửa Làng phía trên gọi là Quả Nhuệ Thượng, nửa làng phía dưới gọi là Quả Nhuệ Hạ, về sau gọi tắt là làng Quả Thượng và làng Quả Hạ.
Những năm cuối đời, ông Ứng, ông Lam xuất gia nhập Phật, chuyên làm việc thiện. Đến đêm mùng 9, rạng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (không rõ năm nào), bỗng dưng sấm chớp ầm ầm, mưa rào sầm sập, hai ông bỏ làng, bỏ Am ra đi. Dân làng nháo nhác đi tìm, lần theo dấu vết đến một bãi rậm của làng Neo Trung (nay thuộc xã Bắc Lương) thì thấy một đống mối đùn to thành một cái gò. Biết hai ông đã quy tiên, ai ai cũng tiếc thương và tôn ông là Thành Hoàng Làng. Hiện ở Neo Trung nơi hai ông mất vẫn còn đền thờ và đình Quả Thượng vẫn còn lưu đôi câu đối:
"Tưởng Lý Phù Trần Chiêu Vĩ Liệt,
Xuất Thần Nhập Phật Diệu Huyền Cơ".
Làng Quả Hạ có hai đình liền kề nhau thờ Đức Thánh Cả và Đức Thánh Hai, được vua sắc phong là "Thượng Đẳng Thần" và "Phúc Long Tự". Trong đình có đôi câu đối:
"Hữu Xã, Hữu Dân, Nhất Phương Chúa Tể
Chí Công, Chí Chính Nhuệ Khí Lương Năng".
Thọ Lộc có gần 200 xứ đồng và mỗi xứ đồng đều có tên riêng, ví như đồng Nẫn (lúc đầu gọi là đồng Nân) là vùng đất lòng chảo rộng 40 ha. Gọi là đồng Nân vì dân làng ví nước đồng như một nồi nước nân (nước đồ xôi, đồ bánh) do nước ở đây rất độc bởi Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đã cho người chặt cây Lim về ngâm lấy gỗ xây điện Càn Long, lăng Cảnh Tỵ (nay thuộc làng Kim Bảng, xã Nam Giang) và chùa Cẩm Long. Do phạm huý hoặc Thổ ngữ vùng nên đổi chữ Nân thành chữ Nẫn. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng chạp làng lại trổ đồng, lấy cá ăn tết, những ngày trổ đồng trời rét căm căm. Thời Pháp thuộc đã xây cống tiêu ra sông Hoàng. Quá trình sử dụng cống bị hư, gần đây tỉnh đã cho xây lại cống mới.
Cồn Cá Gáy (cá Chép) giống hình một con cá Gáy, đuôi quẫy về làng Mỹ Hạt (xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn), đầu quay về làng Quả Hạ. Giai thoại kể rằng vào một mùa lụt lớn có một con cá Gáy bơi theo sông Hoàng bị mắc cạn chết ở đây, xác cá hoá thành cồn đất cao, dân hai làng Quả Thượng và Quả Hạ thường tập trung về đây vào những ngày nước cạn để đánh cá. Họ dùng những chiếc rập (một loại dụng cụ đan bằng nhợ, có quang bằng hai thanh tre chắc) dàn thành hai, ba hàng để vây bắt cá, trước khi xuống sông họ đều thắp hương khấn cầu may và khi đánh xong, những người đi bắt cá thường chọn những con cá gáy to nhất đốt rơm nướng để cúng thần linh.
Xã Thọ Lộc có ba cây cổ thụ, một cây Trôi và hai cây Đa, mỗi cây đều có những điển tích khác nhau.
Cây Trôi và cây đa làng Quả Hạ xưa còn có tên là cây "Trấn Bắc" và cây "Bình Nam", ý nói không cho đạo tặc ở phía bắc và tà yêu ở phía nam vào làng.
"Cây Trấn Bắc, cây Bình Nam
Đã giúp Lý Ứng Lý Lam giữ làng".
Cây "Bình Nam" sau này dân làng quen gọi là cây Đa Quán Trống, bởi nơi đây trống vắng lại nằm trên trục đường chính từ Sim - Đà qua quán Cẩm lên Phủ huyện, khách đi qua thường bị cướp giật, quan Phủ phải lập trạm và cắt người canh, dùng trống đánh báo cho trạm trên trạm dưới biết để đón mỗi khi có khách qua.
Cây Trấn Bắc tức là cây Trôi được xem là nơi thiên địa giao hoà, nơi đã cải tổ hoàn sinh cho Lý Lam, Lý Ứng. Gốc cây to mấy người ôm mới xuể, cành lá xum xuê, thân cành cao vút, ở đoạn phân cành có một bọng nước trong vắt được gọi là giếng Tiên. Nhiều người còn quả quyết rằng vào những đêm trăng thanh vẫn thấy thấp thoáng các nàng tiên tắm trên đó. Quanh gốc cây Trôi thoáng sạch, tiện cho khách qua đường dừng chân và đây còn là nơi hò hẹn của nhiều cặp trai thanh gái lịch vào những đêm trăng đẹp trời.
Khi đào kênh Nam, không hiểu vì sự linh thiêng hay để bảo tồn một cây cổ thụ quý hiếm mà những người thiết kế đã phải nắn dòng để cây Trôi vẫn sừng sững án ngữ bên bờ Nam Kênh.
Còn cây đa Quán Cẩm và chùa làng Cẩm Long lại gắn với lịch sử thời Hậu Lê.
Chuyện kể rằng, ông Phạm Đình Kiên người vùng tổng Cốc, Phủ Lôi Dương, trấn Thanh Hoa và bà Chu Thị Loan người làng Văn Nghĩa, phủ Văn Giang, trấn Bắc Ninh kết duyên chồng vợ, sinh được hai người con gái sắc đẹp tựa tiên sa. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu. Không may gặp thời loạn lạc, bố mẹ mất sớm, chị em phải dắt díu nhau ra gốc Đa đầu làng dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai (có thuyết nói cha mất sớm, ba mẹ con dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai).
Vào một buổi chiều mùa hạ có một lữ khách đi qua, nhận ra vùng đất thiêng có dấu Ngọc Tỷ, ông khách đã dừng lại vào hàng uống nước. Khi thấy cô Hiền, cô Hậu, ông rất đỗi ngạc nhiên bởi vượng sắc hai cô rạng rỡ hiện lên khuôn mặt, ông bèn thử tài:
- Trời sắp tối rồi mà tôi thì lại đói, trong bị chỉ còn một bơ gạo chớp (một loại gạo đỏ cấy ở đồng sâu), nhờ hai cô nấu cho một bát cơm, một bát cháo và quạt cho một chiếc bánh đa, hết bao nhiêu bạc tôi cũng xin trả đủ.
Hai cô nhìn nhau cười và nhận lời. Mới khoảng nửa canh giờ, cô Hiền cô Hậu đã bưng mâm lên có đủ cơm, cháo, bánh đa lại thêm cút rượu, đĩa cá rô đồng kho tương thơm phức (cháo là nước chắt ra khi nồi cơm gần cạn, bánh đa là cháy nồi cơm khi đun thêm lửa).
Người khách gật đầu thán phục và không nề hà, xơi hết mâm cơm. Cơm nước xong xuôi thì trăng mười sáu đã trải vàng khắp vùng, người khách lấy từ chiếc bị cói ra một cuốn sách đã úa vàng, lần giở nhẩm đọc và bỗng dừng quay lại nói với hai cô:
- Bạc thì tôi không có nhưng tôi sẽ cho hai cô một thứ còn quý hơn vàng bạc nhiều. Khách dừng lời và đưa tay chỉ:
- Nơi đây có một con Rồng hoa đang nằm, miệng ngậm, đuôi cuộn ngọc tỷ (ý nói nơi đây là đất phát vương - Ngọc Tỷ là ấn vua), bây giờ tôi sẽ đưa hai cô tới nơi cải táng ông bà cụ, tuỳ hai cô lựa chọn:
hoặc "Nhất Đại Đế Vương"
hoặc "Bách Đại Công Khanh"
(Có bản chép "Nhất Giá Công Hầu, Nhất Giá Vương" nghĩa là một người lấy quan, một người lấy vua).
Sau một hồi lâu bàn định mà hai cô vẫn không thống nhất được với nhau, chị Hiền thích "Bách Đại Công Khanh", em Hậu muốn "Nhất Đại Bá Vương", khiến khách phân vân đành phải dàn hoà:
- Thôi thì cô Hiền hưởng đức mẹ "Bách Đại Công Khanh", còn cô Hậu hưởng lộc cha "Nhất Đại Bá Vương", và khách dắt hai cô đến nơi cải táng. Chỉ xong ông khách xách bị cói thong thả đi về phía bắc. Có người nói vị khách ấy chính là Thầy địa lý Cao Biền, chẳng biết có đúng hay không nhưng những lời phán của ông sau này đã trở thành linh nghiệm, người chị Phạm Thị Ngọc Hiền lấy Lê Hiệu (Sinh năm 1617), quê thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đậu Hoàng Giáp Đồng Tiến Sỹ khoa thi Quý Mùi (1643), làm tới chức Công Hầu Huỳnh Bộ Thượng Thư, tước "Phương Quế Hầu". Khi chết được vua sắc phong "Nghiêm Minh Hùng đoán - Thông Đạt Đại Vương" (Lê Hiệu là con trai Lê Kính sinh năm Đinh Hợi (1587), Đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến Sỹ, khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ XX. Lê Kính làm đến chức Công Bộ Thượng Thư, khi chết được phong hàm Thái Bảo, tước Thạc Quân Công), vợ chồng tể tướng Lê Hiệu sinh được 12 người con, người nào cũng học cao, con đường công danh thành đạt.
Người em Phạm Thị Ngọc Hậu sinh vào giờ Mão (25/ 4 năm Ất Hợi), được vua Lê Thần Tông tuyển vào cung làm phi và chỉ một năm sau sinh được Thái tử Lê Duy Vũ. Lê Thần Tông mất, thái tử Vũ mới lên 7 tuổi, được kế vị vua cha, phong cho mẹ là Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu có công lớn bởi giúp vua con nhiếp chính. Bia công đức Trường Lưu ở Lăng Cảnh Tỵ ghi: "Nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu, Huyền Tông Hoàng Đế trở thành vị vua hiền tài, trị Quốc bình yên, chu toàn lễ nhạc".
Lê Huyền Tông trị vì được 9 năm thì băng hà, chưa kịp lập Hoàng Hậu. Văn tế ở nhà thờ tổ họ Lê (bản khắc gỗ) ghi: "vì ông ngoại họ Phạm không có người thừa tự nên Hoàng Thái Hậu đã bàn với chị gái (bà Hiền) cho người con thứ của tể tướng, đổi họ thành Phạm Đình, tức Phạm Đình Công về quê ngoại là làng Quả, Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa lo việc hương hoả".
Lăng Cảnh Tỵ nằm ở phía bắc làng Quả Thượng chừng 500 m. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: "Tháng 11 ngày 13 năm 1671, linh cữu Hoàng đế được rước về chôn cất ở quê mẹ ở phía bắc làng Cảo Nhuệ (Quả Nhuệ ). Gần đây khi đào mương xây tường rào khu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá đã phát hiện được mộ táng. Hiện phòng văn hoá Huyện Thọ Xuân đã cho vây bao thành Quách để bảo vệ.
Điện Càn Long cách chùa Cẩm Long chừng 600m về phía Tây. Điện đã bị phá chỉ còn nền móng. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh đã có quyết định tôn tạo lại. Trong khuôn viên của điện còn một tấm bia đá bốn mặt có tên "Công đức Trường Lưu" (công đức được lưu truyền đời đời). Bia do nhóm danh sĩ thời Hậu Lê chế tác, dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1768).
Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long (tên làng được cô Hiền, cô Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ, Cẩm Long có nghĩa là con Rồng Hoa).
Chùa là một kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Chùa có hai tầng, tám mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài. Mỗi góc mái đắp một con Nghê, chính điện đắp mặt Hổ Phù.
Chùa do bà Hiền, bà Hậu đứng ra xây dựng, toạ lạc chính đầu con Rồng Hoa. Trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước (miệng Rồng), quanh năm không bao giờ cạn nước. Các cụ truyền lại ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai tổng Bát Nạo và Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.
Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc)... Sau khi bà Hiền, bà Hậu mất, dân làng đúc tượng hai bà đặt ở Hậu cung để lễ cúng, hàng năm cứ vào rằm tháng 5 âm lịch làng tổ chức lễ Khánh Tán (lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hương hoa cầu phúc lộc chen chân nhau suốt mấy ngày liền.
Thọ Lộc còn nhiều Đình, Chùa, Miếu khác như Đình Chung, Chùa Thủ và các Văn Chỉ, Võ Chỉ.
Đình Chung là đình của hai làng Cẩm Long và Phúc Thọ, thờ một vị danh y người Hoa tên là Cao Sơn (Cao Hiển), có công chữa bệnh cứu sống nhiều người, vì là đình Chung nên khi xây dựng cũng chia mỗi làng một nửa thành ra cột kèo, gạch ngói...to nhỏ xấu tốt khác nhau. Hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng Giêng để cúng lễ. Năm nay Cẩm Long cúng sáng, Phúc Thọ cúng chiều thì sang năm ngược lại. Sau này dân Cẩm Long chủ yếu lên Chùa, ít xuống Đình, dần dà không ai gọi là đình Chung nữa. Đình Chung trở thành đình làng Phúc Thọ.
Chùa Thủ thuộc làng Quả Thượng, còn có tên là nhà Thánh Chùa Thủ, là Chùa đầu làng, khu nhà Thánh có thuyết nói rằng, thời đầu Pháp thuộc có người truyền Đạo Thiên Chúa tới định xây nhà Thánh nhưng dân trong làng không cho, cuối cùng việc xây Chùa và nhà Thánh không thành.
Thọ Lộc cũng có nhiều Văn chỉ, Võ chỉ ở các làng khác nhau. Võ chỉ xá làng Cẩm Long (có dị bản chép Quả Nhuệ Thượng) có một tấm bia đá 5 mặt do các ông Lê Sỹ Tuấn, Lê Văn Luận, Lê Đình Xích khởi xướng, tú tài Lê Xuân Quý soạn, thư lại Lê Sỹ Giới viết chữ, dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bia chữ Hán khắc chân, không có hoa văn, gồm 39 dòng 850 chữ. Mặt 1 và mặt 2 khổ 41cm x 69 cm, các mặt 3, 4, 5 khổ 15cm x 71cm. Mặt 1 ghi: "Cùng các bậc trên dưới làng Quả, tổng Thượng Cốc, phủ Lôi Dương, dựng bia ghi việc ấp ta từ xa xưa, đã có những người theo nghiệp võ lập công cũng nhiều nhưng nơi thờ phụng và ghi công chưa có, nay lập võ chỉ là điều tất nhiên". Mặt 2,3,4 ghi tên tuổi những người đỗ cao trong các kỳ thi võ. Mặt 5 ghi tên tuổi những người góp công, của xây dựng bia.
Văn chỉ (Tu Tạo bi chí) cũng thuộc làng Cẩm Long do tú tài Lê Xuân Quý soạn. Nho sinh Lê Sỹ Đặng viết chữ, thợ đá Lôi Xuân Đài khắc chữ, dựng vào năm Tự Đức (1872). Bia có 3 mặt cùng khổ 47cm x 80cm, xung quanh diềm lượn sóng xoắn. Toàn văn chữ Hán khắc chân gồm 55 dòng 1.400 chữ. Nội dung nói lý do khắc bia tên tuổi những người trong làng (vùng Quả Nhuệ) đỗ đạt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và danh sách những người cung tiến dựng bia.
Trại Quả trở thành khu quần cư đông đúc sau khi Lê Lợi đại thắng quân Minh. Theo Lịch sử và sự phát triển của các dòng họ vùng Quả Nhuệ, chủ yếu là họ Phạm, sau là họ Lê (gồm con cháu vua Lê và những người được vua cho mang họ mình "Tứ Quốc tính").
Họ Phạm cũng chia ra làm nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Ngọc, Phạm Xuân, Phạm Lê (kết hợp giữa họ cha và họ mẹ), cành Phạm Lê tôn hai bà Ngọc Hiền và Ngọc Hậu là Mẫu Hậu. Riêng họ Lý đến nay không còn vì cả hai ông Lý Ứng và Lý Lam tu đời thành Phật không vợ con. Do cuộc sống mưu sinh, quan hệ xã hội hôn nhân gia đình đến nay Thọ Lộc có tới 14 họ và mỗi họ lại chia ra làm nhiều chi, cành khác nhau. Riêng họ Lê có Lê Hữu, Lê Viết, Lê Duy, Lê Bá, Lê Trọng, Lê Đình, Lê Ngọc, Lê Tất, Lê Sỹ, Lê Minh, Lê Xuân ...
Là xã thuần nông sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, khoai, gia cầm, gia súc mang tính tự cung, tự cấp. Từ khi có Đảng lãnh đạo việc gieo cấy, nuôi trồng từng bước theo hướng hàng hóa, phát triển thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nghề phụ có chằm nón, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, giờ có thêm nghề mộc, nghề nề, chế biến thức ăn gia súc gia cầm. Nhiều hộ có máy cày, máy bừa, xe cơ giới chở hàng, chở khách.
Ngày xưa quán nước dưới gốc đa Cẩm Long, chợ Đón giáp sông nhà Lê là nơi trao đổi nông sản, hàng hóa, nay các ngã ba, ngã tư trong xã trở thành tụ điểm giao thương, nhiều hộ đã có những sạp hàng buôn bán nhỏ.
Thọ Lộc là vùng đồng bằng chỉ có dân tộc kinh, nay theo chồng, theo vợ về ở rể làm dâu nên trong xã đã có thêm người Mường, người Thái...
Đạo phật có từ thời ông Lam, ông Ứng. Chùa, miếu, đình làng nào cũng xây. Ngoài thờ thần Hoàng, tượng Phật theo điển tích, mỗi nhà đều dành nơi trang trọng để thờ Táo công, ông bếp, thờ Bác Hồ và thờ cha mẹ tổ tiên.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dân trong vùng chủ yếu học chữ nho, nho sinh Quả Nhuệ rất nhiều và cũng nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sỹ Lê Tấn Tương, Tiến sỹ Lê Tấn Thiện (có văn bia ở Quốc Tử giám), Trạng nguyên Lê Trạc Tú. Các ông cử Đôn, cử Cung, Tú Thừa, Tú Bánh, Tú Hai...
Khá đông nho sinh vì tuổi cao và cả hận đời đốt lều chõng chạy ngang theo nghề thầy đề, thầy phán. Nhiều người tâm huyết với đạo nho về nhà mở lò dạy học đào tạo con cháu nên người như các thầy Đồ Nghạnh, Đồ Kê, Đồ Vệ, Đồ Nái... Những người cao tuổi đến giờ vẫn nhắc đến đám tang thầy Đồ Nghạnh, môn sinh đến chịu tang có hàng trăm người, câu đối khăn tang trắng xóa cả vùng nghĩa địa. Một số nho sinh học nghề bắt mạch kê đơn cứu người. Thầy Tấn được phong là ngự y (vì có công chữa khỏi bệnh cho vua), thầy Lỳ là một danh y chữa đau mắt nổi tiếng khắp vùng và nhiều thầy khác như thấy Cầu, thầy Vệ, thầy Khuông, thầy Chánh, thầy Thiềng...
Truyền thống hiếu học vẫn giữ được đến tận bây giờ (năm 1960 chỉ có 6 người học Đại học, hiện có trên 400 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học). Nhiều gia đình trong xã đã phổ cập Đại học.
Ngoài những ngày lễ tết theo âm lịch như tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Vu Lan (15/7), tết Trung Thu (15/8), giỗ tổ Hùng Vương (8/3), theo dương lịch như (30/4) Giải phóng Miền Nam (1/5), Quốc tế lao động (2/9) Quốc khánh... các làng còn có ngày lễ riêng:
- Làng Phúc Thọ mùng 10 tháng Giêng
- Làng Quả Hạ mùng 10 tháng 2
- Làng Quả Thượng 10 tháng 3
- Làng Cẩm Long rằm tháng 5.
Thọ Lộc còn có tục bái vọng nhau giữa các làng, tục thi làm cỗ, đánh đu, đấu vật, chọi gà... Các tục này sau Cách mạng Tháng 8/1945 không còn nữa, riêng chọi gà vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Phong trào văn hóa văn nghệ thời nào cũng sẵn. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái các làng rủ nhau hát đối bằng các làn điệu cò lả, trống quân. Mỗi làng còn có phường Bội, chiếu chèo sau có cả gánh hát cải lương. Tiếng hát mộc mạc, chân quê dẫu lúc bổng lúc trầm nhưng thời nào cũng có.
Năm 2002 đội văn nghệ làng Cẩm Long giành giải nhất Hội diễn văn nghệ các làng văn hóa vùng hữu ngạn Thọ Xuân.
Tiết mục hoạt cảnh thơ "Sức mạnh, lửa Rồng" của Ngọc Long được tặng huy chương vàng trong hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân. Tác giả Lê Văn Mạnh được tặng giải Ba của Đài tiếng nói Việt Nam về thi sáng tác câu chuyện truyền thanh.
Hiện cả 4 làng và 2 cơ quan trong xã đã khai trương xây dựng và được công nhận là làng, cơ quan văn hóa. Riêng làng Cẩm Long nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Hiện nay Thọ Lộc có 12 thôn và mỗi thôn đều có hương ước làng và nhà văn hóa khu thể thao thôn thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt cộng đồng như tổ chức các hội nghị, lễ kỷ niệm, tham gia chơi thể thao.... Năm 2017 UBND huyện Thọ Xuân đã công nhận các thôn: Thôn 8, thôn 9, thôn 10, thôn 11, thôn 12 đạt danh hiệu thôn văn hóa 2 năm ( năm 2016 - 2017); Còn các thôn: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5, thôn 6, thôn 7 đạt danh hiệu thôn văn hóa 3 năm ( năm 2015 - 2017)
Vân Anh
Tập quán sinh hoạt của các làng văn hóa
Hoạt động của các làng văn hóa xưa và nay
Cách đây gần 1.000 năm, xã Thọ Lộc có tên gọi là làng Quả, sau gọi là làng Quả Nhuệ (có di bản gọi là Cảo Nhuệ), thuộc Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá).
Những di chỉ, ngọc phả, thần phả, gia phả còn lưu lại đã khẳng định các làng trong xã: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng, làng Quả Hạ là những làng cổ. Mỗi tên làng, mỗi gốc cây cổ thụ, những sân đình, những mái chùa và từng dòng họ luôn gắn với những điển tích mang đậm tính dân gian.
Điển tích về cây Trôi làng Quả Hạ và Thành Hoàng Làng Quả Thượng đã minh chứng cho những ngày đầu lập làng.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có hai ông tên là Lý Ứng và Lý Lam quê tận xứ Đông (tỉnh Hải Dương), là tướng giỏi thời Lý rồi làm quan thời Trần, do thất sủng với triều đình đành chạy vào miền trong lánh nạn. Sau nhiều ngày đi bộ cho đến một chiều cuối thu, bụng đói, miệng khát, chân mỏi, hai ông dừng chân dưới một gốc cây Trôi to, họ ứa nước mắt nhìn nhau và ngửa mặt lên trời than: "Âu cũng là số trời định, chắc hai anh em mình không qua khỏi đêm nay".
Bỗng một cơn gió mạnh thổi qua, những quả Trôi vàng mọng rơi lộp bộp quanh gốc, hai ông nhặt đưa vào miệng nhai. Có ai ngờ vị chát, chua của trời và vị ngọt bùi của đất tụ vào trong quả đã mang lại sinh lực cho ông Ứng, ông Lam.
Sáng dậy hai ông trèo lên cây nhìn ra xung quanh, cảm nhận được đây là vùng đất quý, cây cối xanh tươi, chim thú từng bầy nên đã quyết định dựng lều lập trại.
"Đất lành chim đậu", dân tứ xứ cũng tìm về, cuộc sống lúc đầu khó khăn, thức ăn là hái lượm quả cây, bẫy bắt thú rừng, sau hai ông hướng dẫn cho mọi người trỉa lúa, trồng bông.
Đất không phụ lòng người, lúa mẩy hạt, bông trắng cành, đời sống ngày thêm no đủ, ai cũng mừng, cũng vui và quyết định đặt tên cho vùng đất này là Trại Quả (Quả có nghĩa là điểm dừng, là thành quả và cũng hàm ý nhắc đến những quả Trôi đã cứu sống ông Ứng, ông Lam).
Trải qua năm tháng chống chọi với hiểm họa của thiên nhiên và đấu tranh bảo vệ Trại, người dân Trại Quả luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, giàu nhuệ khí nên đã đặt thêm chữ Nhuệ thành Trại Quả Nhuệ và sau này là làng Quả Nhuệ.
Dân mỗi ngày một đông, làng mỗi ngày một rộng, ông Ứng ông Lam chia làng ra làm hai, nửa Làng phía trên gọi là Quả Nhuệ Thượng, nửa làng phía dưới gọi là Quả Nhuệ Hạ, về sau gọi tắt là làng Quả Thượng và làng Quả Hạ.
Những năm cuối đời, ông Ứng, ông Lam xuất gia nhập Phật, chuyên làm việc thiện. Đến đêm mùng 9, rạng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (không rõ năm nào), bỗng dưng sấm chớp ầm ầm, mưa rào sầm sập, hai ông bỏ làng, bỏ Am ra đi. Dân làng nháo nhác đi tìm, lần theo dấu vết đến một bãi rậm của làng Neo Trung (nay thuộc xã Bắc Lương) thì thấy một đống mối đùn to thành một cái gò. Biết hai ông đã quy tiên, ai ai cũng tiếc thương và tôn ông là Thành Hoàng Làng. Hiện ở Neo Trung nơi hai ông mất vẫn còn đền thờ và đình Quả Thượng vẫn còn lưu đôi câu đối:
"Tưởng Lý Phù Trần Chiêu Vĩ Liệt,
Xuất Thần Nhập Phật Diệu Huyền Cơ".
Làng Quả Hạ có hai đình liền kề nhau thờ Đức Thánh Cả và Đức Thánh Hai, được vua sắc phong là "Thượng Đẳng Thần" và "Phúc Long Tự". Trong đình có đôi câu đối:
"Hữu Xã, Hữu Dân, Nhất Phương Chúa Tể
Chí Công, Chí Chính Nhuệ Khí Lương Năng".
Thọ Lộc có gần 200 xứ đồng và mỗi xứ đồng đều có tên riêng, ví như đồng Nẫn (lúc đầu gọi là đồng Nân) là vùng đất lòng chảo rộng 40 ha. Gọi là đồng Nân vì dân làng ví nước đồng như một nồi nước nân (nước đồ xôi, đồ bánh) do nước ở đây rất độc bởi Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đã cho người chặt cây Lim về ngâm lấy gỗ xây điện Càn Long, lăng Cảnh Tỵ (nay thuộc làng Kim Bảng, xã Nam Giang) và chùa Cẩm Long. Do phạm huý hoặc Thổ ngữ vùng nên đổi chữ Nân thành chữ Nẫn. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng chạp làng lại trổ đồng, lấy cá ăn tết, những ngày trổ đồng trời rét căm căm. Thời Pháp thuộc đã xây cống tiêu ra sông Hoàng. Quá trình sử dụng cống bị hư, gần đây tỉnh đã cho xây lại cống mới.
Cồn Cá Gáy (cá Chép) giống hình một con cá Gáy, đuôi quẫy về làng Mỹ Hạt (xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn), đầu quay về làng Quả Hạ. Giai thoại kể rằng vào một mùa lụt lớn có một con cá Gáy bơi theo sông Hoàng bị mắc cạn chết ở đây, xác cá hoá thành cồn đất cao, dân hai làng Quả Thượng và Quả Hạ thường tập trung về đây vào những ngày nước cạn để đánh cá. Họ dùng những chiếc rập (một loại dụng cụ đan bằng nhợ, có quang bằng hai thanh tre chắc) dàn thành hai, ba hàng để vây bắt cá, trước khi xuống sông họ đều thắp hương khấn cầu may và khi đánh xong, những người đi bắt cá thường chọn những con cá gáy to nhất đốt rơm nướng để cúng thần linh.
Xã Thọ Lộc có ba cây cổ thụ, một cây Trôi và hai cây Đa, mỗi cây đều có những điển tích khác nhau.
Cây Trôi và cây đa làng Quả Hạ xưa còn có tên là cây "Trấn Bắc" và cây "Bình Nam", ý nói không cho đạo tặc ở phía bắc và tà yêu ở phía nam vào làng.
"Cây Trấn Bắc, cây Bình Nam
Đã giúp Lý Ứng Lý Lam giữ làng".
Cây "Bình Nam" sau này dân làng quen gọi là cây Đa Quán Trống, bởi nơi đây trống vắng lại nằm trên trục đường chính từ Sim - Đà qua quán Cẩm lên Phủ huyện, khách đi qua thường bị cướp giật, quan Phủ phải lập trạm và cắt người canh, dùng trống đánh báo cho trạm trên trạm dưới biết để đón mỗi khi có khách qua.
Cây Trấn Bắc tức là cây Trôi được xem là nơi thiên địa giao hoà, nơi đã cải tổ hoàn sinh cho Lý Lam, Lý Ứng. Gốc cây to mấy người ôm mới xuể, cành lá xum xuê, thân cành cao vút, ở đoạn phân cành có một bọng nước trong vắt được gọi là giếng Tiên. Nhiều người còn quả quyết rằng vào những đêm trăng thanh vẫn thấy thấp thoáng các nàng tiên tắm trên đó. Quanh gốc cây Trôi thoáng sạch, tiện cho khách qua đường dừng chân và đây còn là nơi hò hẹn của nhiều cặp trai thanh gái lịch vào những đêm trăng đẹp trời.
Khi đào kênh Nam, không hiểu vì sự linh thiêng hay để bảo tồn một cây cổ thụ quý hiếm mà những người thiết kế đã phải nắn dòng để cây Trôi vẫn sừng sững án ngữ bên bờ Nam Kênh.
Còn cây đa Quán Cẩm và chùa làng Cẩm Long lại gắn với lịch sử thời Hậu Lê.
Chuyện kể rằng, ông Phạm Đình Kiên người vùng tổng Cốc, Phủ Lôi Dương, trấn Thanh Hoa và bà Chu Thị Loan người làng Văn Nghĩa, phủ Văn Giang, trấn Bắc Ninh kết duyên chồng vợ, sinh được hai người con gái sắc đẹp tựa tiên sa. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu. Không may gặp thời loạn lạc, bố mẹ mất sớm, chị em phải dắt díu nhau ra gốc Đa đầu làng dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai (có thuyết nói cha mất sớm, ba mẹ con dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai).
Vào một buổi chiều mùa hạ có một lữ khách đi qua, nhận ra vùng đất thiêng có dấu Ngọc Tỷ, ông khách đã dừng lại vào hàng uống nước. Khi thấy cô Hiền, cô Hậu, ông rất đỗi ngạc nhiên bởi vượng sắc hai cô rạng rỡ hiện lên khuôn mặt, ông bèn thử tài:
- Trời sắp tối rồi mà tôi thì lại đói, trong bị chỉ còn một bơ gạo chớp (một loại gạo đỏ cấy ở đồng sâu), nhờ hai cô nấu cho một bát cơm, một bát cháo và quạt cho một chiếc bánh đa, hết bao nhiêu bạc tôi cũng xin trả đủ.
Hai cô nhìn nhau cười và nhận lời. Mới khoảng nửa canh giờ, cô Hiền cô Hậu đã bưng mâm lên có đủ cơm, cháo, bánh đa lại thêm cút rượu, đĩa cá rô đồng kho tương thơm phức (cháo là nước chắt ra khi nồi cơm gần cạn, bánh đa là cháy nồi cơm khi đun thêm lửa).
Người khách gật đầu thán phục và không nề hà, xơi hết mâm cơm. Cơm nước xong xuôi thì trăng mười sáu đã trải vàng khắp vùng, người khách lấy từ chiếc bị cói ra một cuốn sách đã úa vàng, lần giở nhẩm đọc và bỗng dừng quay lại nói với hai cô:
- Bạc thì tôi không có nhưng tôi sẽ cho hai cô một thứ còn quý hơn vàng bạc nhiều. Khách dừng lời và đưa tay chỉ:
- Nơi đây có một con Rồng hoa đang nằm, miệng ngậm, đuôi cuộn ngọc tỷ (ý nói nơi đây là đất phát vương - Ngọc Tỷ là ấn vua), bây giờ tôi sẽ đưa hai cô tới nơi cải táng ông bà cụ, tuỳ hai cô lựa chọn:
hoặc "Nhất Đại Đế Vương"
hoặc "Bách Đại Công Khanh"
(Có bản chép "Nhất Giá Công Hầu, Nhất Giá Vương" nghĩa là một người lấy quan, một người lấy vua).
Sau một hồi lâu bàn định mà hai cô vẫn không thống nhất được với nhau, chị Hiền thích "Bách Đại Công Khanh", em Hậu muốn "Nhất Đại Bá Vương", khiến khách phân vân đành phải dàn hoà:
- Thôi thì cô Hiền hưởng đức mẹ "Bách Đại Công Khanh", còn cô Hậu hưởng lộc cha "Nhất Đại Bá Vương", và khách dắt hai cô đến nơi cải táng. Chỉ xong ông khách xách bị cói thong thả đi về phía bắc. Có người nói vị khách ấy chính là Thầy địa lý Cao Biền, chẳng biết có đúng hay không nhưng những lời phán của ông sau này đã trở thành linh nghiệm, người chị Phạm Thị Ngọc Hiền lấy Lê Hiệu (Sinh năm 1617), quê thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đậu Hoàng Giáp Đồng Tiến Sỹ khoa thi Quý Mùi (1643), làm tới chức Công Hầu Huỳnh Bộ Thượng Thư, tước "Phương Quế Hầu". Khi chết được vua sắc phong "Nghiêm Minh Hùng đoán - Thông Đạt Đại Vương" (Lê Hiệu là con trai Lê Kính sinh năm Đinh Hợi (1587), Đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến Sỹ, khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ XX. Lê Kính làm đến chức Công Bộ Thượng Thư, khi chết được phong hàm Thái Bảo, tước Thạc Quân Công), vợ chồng tể tướng Lê Hiệu sinh được 12 người con, người nào cũng học cao, con đường công danh thành đạt.
Người em Phạm Thị Ngọc Hậu sinh vào giờ Mão (25/ 4 năm Ất Hợi), được vua Lê Thần Tông tuyển vào cung làm phi và chỉ một năm sau sinh được Thái tử Lê Duy Vũ. Lê Thần Tông mất, thái tử Vũ mới lên 7 tuổi, được kế vị vua cha, phong cho mẹ là Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu có công lớn bởi giúp vua con nhiếp chính. Bia công đức Trường Lưu ở Lăng Cảnh Tỵ ghi: "Nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu, Huyền Tông Hoàng Đế trở thành vị vua hiền tài, trị Quốc bình yên, chu toàn lễ nhạc".
Lê Huyền Tông trị vì được 9 năm thì băng hà, chưa kịp lập Hoàng Hậu. Văn tế ở nhà thờ tổ họ Lê (bản khắc gỗ) ghi: "vì ông ngoại họ Phạm không có người thừa tự nên Hoàng Thái Hậu đã bàn với chị gái (bà Hiền) cho người con thứ của tể tướng, đổi họ thành Phạm Đình, tức Phạm Đình Công về quê ngoại là làng Quả, Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa lo việc hương hoả".
Lăng Cảnh Tỵ nằm ở phía bắc làng Quả Thượng chừng 500 m. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: "Tháng 11 ngày 13 năm 1671, linh cữu Hoàng đế được rước về chôn cất ở quê mẹ ở phía bắc làng Cảo Nhuệ (Quả Nhuệ ). Gần đây khi đào mương xây tường rào khu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá đã phát hiện được mộ táng. Hiện phòng văn hoá Huyện Thọ Xuân đã cho vây bao thành Quách để bảo vệ.
Điện Càn Long cách chùa Cẩm Long chừng 600m về phía Tây. Điện đã bị phá chỉ còn nền móng. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh đã có quyết định tôn tạo lại. Trong khuôn viên của điện còn một tấm bia đá bốn mặt có tên "Công đức Trường Lưu" (công đức được lưu truyền đời đời). Bia do nhóm danh sĩ thời Hậu Lê chế tác, dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1768).
Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long (tên làng được cô Hiền, cô Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ, Cẩm Long có nghĩa là con Rồng Hoa).
Chùa là một kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Chùa có hai tầng, tám mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài. Mỗi góc mái đắp một con Nghê, chính điện đắp mặt Hổ Phù.
Chùa do bà Hiền, bà Hậu đứng ra xây dựng, toạ lạc chính đầu con Rồng Hoa. Trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước (miệng Rồng), quanh năm không bao giờ cạn nước. Các cụ truyền lại ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai tổng Bát Nạo và Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.
Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc)... Sau khi bà Hiền, bà Hậu mất, dân làng đúc tượng hai bà đặt ở Hậu cung để lễ cúng, hàng năm cứ vào rằm tháng 5 âm lịch làng tổ chức lễ Khánh Tán (lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hương hoa cầu phúc lộc chen chân nhau suốt mấy ngày liền.
Thọ Lộc còn nhiều Đình, Chùa, Miếu khác như Đình Chung, Chùa Thủ và các Văn Chỉ, Võ Chỉ.
Đình Chung là đình của hai làng Cẩm Long và Phúc Thọ, thờ một vị danh y người Hoa tên là Cao Sơn (Cao Hiển), có công chữa bệnh cứu sống nhiều người, vì là đình Chung nên khi xây dựng cũng chia mỗi làng một nửa thành ra cột kèo, gạch ngói...to nhỏ xấu tốt khác nhau. Hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng Giêng để cúng lễ. Năm nay Cẩm Long cúng sáng, Phúc Thọ cúng chiều thì sang năm ngược lại. Sau này dân Cẩm Long chủ yếu lên Chùa, ít xuống Đình, dần dà không ai gọi là đình Chung nữa. Đình Chung trở thành đình làng Phúc Thọ.
Chùa Thủ thuộc làng Quả Thượng, còn có tên là nhà Thánh Chùa Thủ, là Chùa đầu làng, khu nhà Thánh có thuyết nói rằng, thời đầu Pháp thuộc có người truyền Đạo Thiên Chúa tới định xây nhà Thánh nhưng dân trong làng không cho, cuối cùng việc xây Chùa và nhà Thánh không thành.
Thọ Lộc cũng có nhiều Văn chỉ, Võ chỉ ở các làng khác nhau. Võ chỉ xá làng Cẩm Long (có dị bản chép Quả Nhuệ Thượng) có một tấm bia đá 5 mặt do các ông Lê Sỹ Tuấn, Lê Văn Luận, Lê Đình Xích khởi xướng, tú tài Lê Xuân Quý soạn, thư lại Lê Sỹ Giới viết chữ, dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bia chữ Hán khắc chân, không có hoa văn, gồm 39 dòng 850 chữ. Mặt 1 và mặt 2 khổ 41cm x 69 cm, các mặt 3, 4, 5 khổ 15cm x 71cm. Mặt 1 ghi: "Cùng các bậc trên dưới làng Quả, tổng Thượng Cốc, phủ Lôi Dương, dựng bia ghi việc ấp ta từ xa xưa, đã có những người theo nghiệp võ lập công cũng nhiều nhưng nơi thờ phụng và ghi công chưa có, nay lập võ chỉ là điều tất nhiên". Mặt 2,3,4 ghi tên tuổi những người đỗ cao trong các kỳ thi võ. Mặt 5 ghi tên tuổi những người góp công, của xây dựng bia.
Văn chỉ (Tu Tạo bi chí) cũng thuộc làng Cẩm Long do tú tài Lê Xuân Quý soạn. Nho sinh Lê Sỹ Đặng viết chữ, thợ đá Lôi Xuân Đài khắc chữ, dựng vào năm Tự Đức (1872). Bia có 3 mặt cùng khổ 47cm x 80cm, xung quanh diềm lượn sóng xoắn. Toàn văn chữ Hán khắc chân gồm 55 dòng 1.400 chữ. Nội dung nói lý do khắc bia tên tuổi những người trong làng (vùng Quả Nhuệ) đỗ đạt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và danh sách những người cung tiến dựng bia.
Trại Quả trở thành khu quần cư đông đúc sau khi Lê Lợi đại thắng quân Minh. Theo Lịch sử và sự phát triển của các dòng họ vùng Quả Nhuệ, chủ yếu là họ Phạm, sau là họ Lê (gồm con cháu vua Lê và những người được vua cho mang họ mình "Tứ Quốc tính").
Họ Phạm cũng chia ra làm nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Ngọc, Phạm Xuân, Phạm Lê (kết hợp giữa họ cha và họ mẹ), cành Phạm Lê tôn hai bà Ngọc Hiền và Ngọc Hậu là Mẫu Hậu. Riêng họ Lý đến nay không còn vì cả hai ông Lý Ứng và Lý Lam tu đời thành Phật không vợ con. Do cuộc sống mưu sinh, quan hệ xã hội hôn nhân gia đình đến nay Thọ Lộc có tới 14 họ và mỗi họ lại chia ra làm nhiều chi, cành khác nhau. Riêng họ Lê có Lê Hữu, Lê Viết, Lê Duy, Lê Bá, Lê Trọng, Lê Đình, Lê Ngọc, Lê Tất, Lê Sỹ, Lê Minh, Lê Xuân ...
Là xã thuần nông sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, khoai, gia cầm, gia súc mang tính tự cung, tự cấp. Từ khi có Đảng lãnh đạo việc gieo cấy, nuôi trồng từng bước theo hướng hàng hóa, phát triển thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nghề phụ có chằm nón, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, giờ có thêm nghề mộc, nghề nề, chế biến thức ăn gia súc gia cầm. Nhiều hộ có máy cày, máy bừa, xe cơ giới chở hàng, chở khách.
Ngày xưa quán nước dưới gốc đa Cẩm Long, chợ Đón giáp sông nhà Lê là nơi trao đổi nông sản, hàng hóa, nay các ngã ba, ngã tư trong xã trở thành tụ điểm giao thương, nhiều hộ đã có những sạp hàng buôn bán nhỏ.
Thọ Lộc là vùng đồng bằng chỉ có dân tộc kinh, nay theo chồng, theo vợ về ở rể làm dâu nên trong xã đã có thêm người Mường, người Thái...
Đạo phật có từ thời ông Lam, ông Ứng. Chùa, miếu, đình làng nào cũng xây. Ngoài thờ thần Hoàng, tượng Phật theo điển tích, mỗi nhà đều dành nơi trang trọng để thờ Táo công, ông bếp, thờ Bác Hồ và thờ cha mẹ tổ tiên.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dân trong vùng chủ yếu học chữ nho, nho sinh Quả Nhuệ rất nhiều và cũng nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sỹ Lê Tấn Tương, Tiến sỹ Lê Tấn Thiện (có văn bia ở Quốc Tử giám), Trạng nguyên Lê Trạc Tú. Các ông cử Đôn, cử Cung, Tú Thừa, Tú Bánh, Tú Hai...
Khá đông nho sinh vì tuổi cao và cả hận đời đốt lều chõng chạy ngang theo nghề thầy đề, thầy phán. Nhiều người tâm huyết với đạo nho về nhà mở lò dạy học đào tạo con cháu nên người như các thầy Đồ Nghạnh, Đồ Kê, Đồ Vệ, Đồ Nái... Những người cao tuổi đến giờ vẫn nhắc đến đám tang thầy Đồ Nghạnh, môn sinh đến chịu tang có hàng trăm người, câu đối khăn tang trắng xóa cả vùng nghĩa địa. Một số nho sinh học nghề bắt mạch kê đơn cứu người. Thầy Tấn được phong là ngự y (vì có công chữa khỏi bệnh cho vua), thầy Lỳ là một danh y chữa đau mắt nổi tiếng khắp vùng và nhiều thầy khác như thấy Cầu, thầy Vệ, thầy Khuông, thầy Chánh, thầy Thiềng...
Truyền thống hiếu học vẫn giữ được đến tận bây giờ (năm 1960 chỉ có 6 người học Đại học, hiện có trên 400 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học). Nhiều gia đình trong xã đã phổ cập Đại học.
Ngoài những ngày lễ tết theo âm lịch như tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Vu Lan (15/7), tết Trung Thu (15/8), giỗ tổ Hùng Vương (8/3), theo dương lịch như (30/4) Giải phóng Miền Nam (1/5), Quốc tế lao động (2/9) Quốc khánh... các làng còn có ngày lễ riêng:
- Làng Phúc Thọ mùng 10 tháng Giêng
- Làng Quả Hạ mùng 10 tháng 2
- Làng Quả Thượng 10 tháng 3
- Làng Cẩm Long rằm tháng 5.
Thọ Lộc còn có tục bái vọng nhau giữa các làng, tục thi làm cỗ, đánh đu, đấu vật, chọi gà... Các tục này sau Cách mạng Tháng 8/1945 không còn nữa, riêng chọi gà vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Phong trào văn hóa văn nghệ thời nào cũng sẵn. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái các làng rủ nhau hát đối bằng các làn điệu cò lả, trống quân. Mỗi làng còn có phường Bội, chiếu chèo sau có cả gánh hát cải lương. Tiếng hát mộc mạc, chân quê dẫu lúc bổng lúc trầm nhưng thời nào cũng có.
Năm 2002 đội văn nghệ làng Cẩm Long giành giải nhất Hội diễn văn nghệ các làng văn hóa vùng hữu ngạn Thọ Xuân.
Tiết mục hoạt cảnh thơ "Sức mạnh, lửa Rồng" của Ngọc Long được tặng huy chương vàng trong hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân. Tác giả Lê Văn Mạnh được tặng giải Ba của Đài tiếng nói Việt Nam về thi sáng tác câu chuyện truyền thanh.
Hiện cả 4 làng và 2 cơ quan trong xã đã khai trương xây dựng và được công nhận là làng, cơ quan văn hóa. Riêng làng Cẩm Long nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.
Hiện nay Thọ Lộc có 12 thôn và mỗi thôn đều có hương ước làng và nhà văn hóa khu thể thao thôn thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt cộng đồng như tổ chức các hội nghị, lễ kỷ niệm, tham gia chơi thể thao.... Năm 2017 UBND huyện Thọ Xuân đã công nhận các thôn: Thôn 8, thôn 9, thôn 10, thôn 11, thôn 12 đạt danh hiệu thôn văn hóa 2 năm ( năm 2016 - 2017); Còn các thôn: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5, thôn 6, thôn 7 đạt danh hiệu thôn văn hóa 3 năm ( năm 2015 - 2017)
Vân Anh
Tin khác
Tin nóng
Công khai giải quyết TTHC
SĐT: 02378930568
Email: hienthuc050586@gmail.com