Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
131869

Lịch sử xã Thọ Lộc

Ngày 23/08/2017 10:16:17

Quá trình hình thành xã Thọ Lộc; công cuộc bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, Đế quốc Mỹ và xây dựng quê hương đất nước trong giai đoạn hiện nay

ĐẢNG ỦY – HĐND – UBND – UBMTTQ

Xà THỌ LỘC – HUYỆN THỌ XUÂN

 

 

 

 

LỊCH SỬ

XÃ THỌ LỘC

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN THANH HÓA - 2015
BAN CHỈ ĐẠO, SƯU TẦM, BIÊN SOẠN:

1. Lê Tất Thiệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã - Trưởng ban chỉ đạo

2. Phạm Xuân Minh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy - Phó ban

3. Lê Tất Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Phó Ban

4. Nguyễn Ngọc Thức - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy, nguyên PBT, CT UBND xã

5. Lê Văn Phúc - UVTV, CT MTTQ xã

6. Hà Ngọc Sơn - UVĐU, Trưởng ban Văn hóa xã

7. Lê Hữu Vinh - UVĐU, Cán bộ văn phòng

8. Lê Minh Thái - Nguyên UVTV, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Thọ Xuân, nguyên Bí Thư, Chủ Tịch UBND xã

9. Lê Ngọc Long - Nguyên Trung tá Phó Tổng biên tập báo bồ đội Hóa Học, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thọ Lộc

10. Lê Thị Tấn - Nguyên Bí thư ĐU, Chủ tịch HĐND xã

11. Lê Hữu Dậy - Nguyên Phó Bí thư, chủ tịch UBND xã

12. Lê Minh Thực - Nguyên Giám đốc trung tâm chính trị huyện, nguyên UVTV ĐU xã

13. Lê Xuân Lục - Nguyên giáo viên sử học trường THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân).

 

CHỦ BIÊN

- Lê Ngọc Long 

- Lê Xuân Lục

THAM GIA BIÊN TẬP

- Lê Minh Thái:  Nguyên UVTV, Chủ nhiệm UBKT HU Thọ Xuân, Nguyên CT UBND, Bí thư Đảng ủy xã

                  

- Lê Hải Nam:

 

 

 

 

 

 

 

 

 


LỜI NÓI ĐẦU

Xã Thọ Lộc gồm 4 làng cổ (Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ) là nơi đất thiêng với nhiều điển tích, nhiều giai thoại mang đậm tính truyền thống nhân văn.

Đất đai trù phú, phì nhiêu. Con người cần cù sáng tạo đoàn kết, hiếu học, giàu nhuệ khí.

Từ khi lập trại, dựng làng, thành xã cho đến nay có biết bao biến cố thăng trầm nhưng nhân dân Thọ Lộc rất tự hào bởi đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Đảng ủy xã khóa XVI đã có chủ trương biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử xã nhà.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ xã (03/02/1930 - 03/02/2004) thực hiện nghị quyết Đảng ủy xã khóa XXI. Được Ban Tuyên giáo HU và phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân chỉ đạo giúp đỡ. Cuốn lịch sử xã Thọ Lộc (sơ thảo) đã ra đời và được đảng viên, nhân dân trong xã, các xã bạn, con em xã Thọ Lộc đang sinh sống ở khắp miền đất nước phấn khởi đón đọc.

Đảng ủy - UBND xã luôn tiếp nhận nhiều ý kiến tham gia góp ý cả về nội dung, hình thức và cung cấp nhiều tư liệu quý.

Thiết thực chào mừng 80 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2015). Ngày quốc khánh lần thứ 70 (02/9/1945 - 02/9/2015) và chào mừng Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV (2015 - 2020). Đảng ủy xã đã có nghị quyết biên soạn và xuất bản cuốn: "lịch sử xã Thọ Lộc"

Tuy đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến từ các chi bộ, các tổ chức chính trị xã hội trong xã, các vị bô lão, lão thành cách mạng đảng viên, nhân dân trong và ngoài xã xong vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Nhân dịp xuất bản cuốn: "lịch sử xã Thọ Lộc" Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ xã xin chân thành cảm ơn:

- Ban Tuyên giáo huyện ủy Thọ Xuân.

- Ban Nguyên cứu sưu tầm lịch sử của Đảng bộ các khóa từ  XVI đến XXIII.

- Các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể của xã qua các thời kỳ.

- Ban quản lý các làng văn hóa: Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ.

- Các bậc lão thành cách mạng, các bậc cao niên, đảng viên nhân dân trong xã, con em xã Thọ Lộc đang công tác và sinh sống ở khắp miền đất nước.

- Nhà xuất bản Thanh Hóa

Đã cung cấp tư liệu, sử liệu, giúp đỡ cả tinh thần,  vật chất và biên tập in ấn để cuốn "lịch sử xã Thọ Lộc" được ra đời.

Xin trân trọng giời thiệu cuốn "lịch sử xã Thọ Lộc" với bạn đọc.

 

                      Thọ Lộc, ngày       tháng     năm 2015

 

                                    BÍ THƯ ĐẢNG ỦY

                                 CHỦ TỊCH HĐND XÃ

                               TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

 

 

 

 

                                            Lê Tất Thiệp
 Phần thứ nhất

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

XÃ THỌ LỘC

1. Những làng cổ, nhiều điển tích, vị trí địa lý.

Thọ Lộc là một trong 41 xã, thị trấn của huyện Thọ Xuân, nằm cách thị trấn Thọ Xuân 6 km về phía đông. Vị trí địa lý khoảng 19,5 độ vĩ bắc, 105 độ kinh đông. Phía Đông giáp xã Xuân Lộc và xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn). Phía Tây giáp xã Nam Giang và xã Xuân Sơn. Phía Nam giáp xã Thọ Ngọc (Triệu Sơn) và phía Bắc giáp xã Xuân Phong.

Diện tích tự nhiên là 472,39 ha (trong đó 26,3 ha đang thuộc quyền quản lý của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá), diện tích canh tác 338 ha, bình quân 450 m2/ khẩu, diện tích đất thổ cư là 61,92 ha, còn lại là ao hồ 9,64 ha.

Dân số của xã hơn 6.000 người với hơn 1.500 hộ (số liệu năm 2014), được phân bố tương đối đều ở 12 thôn. Đảng bộ có 310 đảng viên, sinh hoạt ở 15 chi bộ (12 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học).

Thọ Lộc là vùng đồng bằng đất đai màu mỡ phì nhiêu, thời tiết hội đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, nhiệt độ trung bình 23,50C. Lượng mưa khoảng 1.950 mm, tập trung vào cuối hạ đầu thu.

Con Sông nhà Lê (nay gọi sông Hoàng) ở phía nam. Sông nhà Lê bắt nguồn từ vùng núi đồi thuộc xã Xuân Phú (Thọ Xuân), chảy qua địa phận các xã của huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn và nhập vào sông Yên ở ngã ba Yên Sở. Phần chảy qua Thọ Xuân dài 29km, còn gọi là sông Chủa. Gọi là sông Nhà Lê vì theo truyền thuyết thì vào đời vua Lê Thái Tổ đã cho đào sông để phát triển nông nghiệp và giao lưu kinh tế. Xưa kia, thuyền từ dưới xuôi vẫn lên được tới làng Đồng Bến của xã Xuân Thắng để mua bán và trao đổi hàng hóa, và là doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn.

Kênh Nam thuộc hệ thống thuỷ nông Bái Thượng ở phía Bắc và vệt ao hồ (dấu tích của vụ vỡ đê sông Chu từ xa xưa để lại) chạy giữa xã từ Tây xuống Đông rất thuận lợi cho việc tưới tiêu để gieo trồng hai vụ lúa, một vụ màu và nuôi thả thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngoài 17 km đường liên xã liên thôn đã được bê tông hoá, Thọ Lộc còn có đường 506 (trước đây gọi là đường 47) từ thành phố Thanh Hoá lên đường Hồ Chí Minh chạy qua nên giao thông rất thuận tiện.

Cách đây gần 1.000 năm, xã Thọ Lộc có tên gọi là làng Quả, sau gọi là làng Quả Nhuệ (có di bản gọi là Cảo Nhuệ), thuộc Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá).

Những di chỉ, ngọc phả, thần phả, gia phả còn lưu lại đã khẳng định các làng trong xã: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng, làng Quả Hạ là những làng cổ. Mỗi tên làng, mỗi gốc cây cổ thụ, những sân đình, những mái chùa và từng dòng họ luôn gắn với những điển tích mang đậm tính dân gian.

Điển tích về cây Trôi làng Quả Hạ và Thành Hoàng Làng Quả Thượng đã minh chứng cho những ngày đầu lập làng.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có hai ông tên là Lý Ứng và Lý Lam quê tận xứ Đông (tỉnh Hải Dương), là tướng giỏi thời Lý rồi làm quan thời Trần, do thất sủng với triều đình đành chạy vào miền trong lánh nạn. Sau nhiều ngày đi bộ cho đến một chiều cuối thu, bụng đói, miệng khát, chân mỏi, hai ông dừng chân dưới một gốc cây Trôi to, họ ứa nước mắt nhìn nhau và ngửa mặt lên trời than: "Âu cũng là số trời định, chắc hai anh em mình không qua khỏi đêm nay".

Bỗng một cơn gió mạnh thổi qua, những quả Trôi vàng mọng rơi lộp bộp quanh gốc, hai ông nhặt đưa vào miệng nhai. Có ai ngờ vị chát, chua của trời và vị ngọt bùi của đất tụ vào trong quả đã mang lại sinh lực cho ông Ứng, ông Lam.

Sáng dậy hai ông trèo lên cây nhìn ra xung quanh, cảm nhận được đây là vùng đất quý, cây cối xanh tươi, chim thú từng bầy nên đã quyết định dựng lều lập trại.

"Đất lành chim đậu", dân tứ xứ cũng tìm về, cuộc sống lúc đầu khó khăn, thức ăn là hái lượm quả cây, bẫy bắt thú rừng, sau hai ông hướng dẫn cho mọi người trỉa lúa, trồng bông.

Đất không phụ lòng người, lúa mẩy hạt, bông trắng cành, đời sống ngày thêm no đủ, ai cũng mừng, cũng vui và quyết định đặt tên cho vùng đất này là Trại Quả (Quả có nghĩa là điểm dừng, là thành quả và cũng hàm ý nhắc đến những quả Trôi đã cứu sống ông Ứng, ông Lam).

Trải qua năm tháng chống chọi với hiểm họa của thiên nhiên và đấu tranh bảo vệ Trại, người dân Trại Quả luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, giàu nhuệ khí nên đã đặt thêm chữ Nhuệ thành Trại Quả Nhuệ và sau này là làng Quả Nhuệ.

Dân mỗi ngày một đông, làng mỗi ngày một rộng, ông Ứng ông Lam chia làng ra làm hai, nửa Làng phía trên gọi là Quả Nhuệ Thượng, nửa làng phía dưới  gọi là Quả Nhuệ Hạ, về sau gọi tắt là làng Quả Thượng và làng Quả Hạ.

Những năm cuối đời, ông Ứng, ông Lam xuất gia nhập Phật, chuyên làm việc thiện. Đến đêm mùng 9, rạng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (không rõ năm nào), bỗng dưng sấm chớp ầm ầm, mưa rào sầm sập, hai ông bỏ làng, bỏ Am ra đi. Dân làng nháo nhác đi tìm, lần theo dấu vết đến một bãi rậm của làng Neo Trung (nay thuộc xã Bắc Lương) thì thấy một đống mối đùn to thành một cái gò. Biết hai ông đã quy tiên, ai ai cũng tiếc thương và tôn ông là Thành Hoàng Làng. Hiện ở Neo Trung nơi hai ông mất vẫn còn đền thờ và đình Quả Thượng vẫn còn lưu đôi câu đối:

"Tưởng Lý Phù Trần Chiêu Vĩ Liệt,

Xuất Thần Nhập Phật Diệu Huyền Cơ".

Làng Quả Hạ có hai đình liền kề nhau thờ Đức Thánh Cả và Đức Thánh Hai, được vua sắc phong là "Thượng Đẳng Thần" và "Phúc Long Tự". Trong đình có đôi câu đối:

"Hữu Xã, Hữu Dân, Nhất Phương Chúa Tể

Chí Công, Chí Chính Nhuệ Khí Lương Năng".

Thọ Lộc có gần 200 xứ đồng và mỗi xứ đồng đều có tên riêng, ví như đồng Nẫn (lúc đầu gọi là đồng Nân) là vùng đất lòng chảo rộng 40 ha. Gọi là đồng Nân vì dân làng ví nước đồng như một nồi nước nân (nước đồ xôi, đồ bánh) do nước ở đây rất độc bởi Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đã cho người chặt cây Lim về ngâm lấy gỗ xây điện Càn Long, lăng Cảnh Tỵ (nay thuộc làng Kim Bảng, xã Nam Giang) và chùa Cẩm Long. Do phạm huý hoặc Thổ ngữ vùng nên đổi chữ Nân thành chữ Nẫn. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng chạp làng lại trổ đồng, lấy cá ăn tết, những ngày trổ đồng trời rét căm căm. Thời Pháp thuộc đã xây cống tiêu ra sông Hoàng. Quá trình sử dụng cống bị hư, gần đây tỉnh đã cho xây lại cống mới.

Cồn Cá Gáy (cá Chép) giống hình một con cá Gáy, đuôi quẫy về làng Mỹ Hạt (xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn), đầu quay về làng Quả Hạ. Giai thoại kể rằng vào một mùa lụt lớn có một con cá Gáy bơi theo sông Hoàng bị mắc cạn chết ở đây, xác cá hoá thành cồn đất cao, dân hai làng Quả Thượng và Quả Hạ thường tập trung về đây vào những ngày nước cạn để đánh cá. Họ dùng những chiếc rập (một loại dụng cụ đan bằng nhợ, có quang bằng hai thanh tre chắc) dàn thành hai, ba hàng để vây bắt cá, trước khi xuống sông họ đều thắp hương khấn cầu may và khi đánh xong, những người đi bắt cá thường chọn những con cá gáy to nhất  đốt rơm nướng để cúng thần linh.

Xã Thọ Lộc có ba cây cổ thụ, một cây Trôi và hai cây Đa, mỗi cây đều có những điển tích khác nhau.

Cây Trôi và cây đa làng Quả Hạ xưa còn có tên là cây "Trấn Bắc" và cây "Bình Nam", ý nói không cho đạo tặc ở phía bắc và tà yêu ở phía nam vào làng.

"Cây Trấn Bắc, cây Bình Nam

Đã giúp Lý Ứng Lý Lam giữ làng".

Cây "Bình Nam" sau này dân làng quen gọi là cây Đa Quán Trống, bởi nơi đây trống vắng lại nằm trên trục đường chính từ Sim - Đà qua quán Cẩm lên Phủ huyện, khách đi qua thường bị cướp giật, quan Phủ phải lập trạm và cắt người canh, dùng trống đánh báo cho trạm trên trạm dưới biết để đón mỗi khi có khách qua.

Cây “Trấn Bắc” tức là cây Trôi được xem là nơi thiên địa giao hoà, nơi đã cải tổ hoàn sinh cho Lý Lam, Lý Ứng. Gốc cây to mấy người ôm mới xuể, cành lá xum xuê, thân cành cao vút, ở đoạn phân cành có một bọng nước trong vắt được gọi là giếng Tiên. Nhiều người còn quả quyết rằng vào những đêm trăng thanh vẫn thấy thấp thoáng các nàng tiên tắm trên đó. Quanh gốc cây Trôi thoáng sạch, tiện cho khách qua đường dừng chân và đây còn là nơi hò hẹn của nhiều cặp trai thanh gái lịch vào những đêm trăng đẹp trời.

Khi đào kênh Nam, không hiểu vì sự linh thiêng hay để bảo tồn một cây cổ thụ quý hiếm mà những người thiết kế đã phải nắn dòng để cây Trôi vẫn sừng sững án ngữ bên bờ Nam Kênh.

Còn cây đa Quán Cẩm và chùa làng Cẩm Long lại gắn với lịch sử thời Hậu Lê.

Chuyện kể rằng, ông Phạm Đình Kiên người vùng tổng Cốc, Phủ Lôi Dương, trấn Thanh Hoa và bà Chu Thị Loan người làng Văn Nghĩa, phủ Văn Giang, trấn Bắc Ninh kết duyên chồng vợ, sinh được hai người con gái sắc đẹp tựa tiên sa. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu. Không may gặp thời loạn lạc, bố mẹ mất sớm, chị em phải dắt díu nhau ra gốc Đa đầu làng dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai (có thuyết nói cha mất sớm, ba mẹ con dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai).

Vào một buổi chiều mùa hạ có một lữ khách đi qua, nhận ra vùng đất thiêng có dấu Ngọc Tỷ, ông khách đã dừng lại vào hàng uống nước. Khi thấy cô Hiền, cô Hậu, ông rất đỗi ngạc nhiên bởi vượng sắc hai cô rạng rỡ hiện lên khuôn mặt, ông bèn thử tài:

- Trời sắp tối rồi mà tôi thì lại đói, trong bị chỉ còn một bơ gạo chớp (một loại gạo đỏ cấy ở đồng sâu), nhờ hai cô nấu cho một bát cơm, một bát cháo và quạt cho một chiếc bánh đa, hết bao nhiêu bạc tôi cũng xin trả đủ.

Hai cô nhìn nhau cười và nhận lời. Mới khoảng nửa canh giờ, cô Hiền cô Hậu đã bưng mâm lên có đủ cơm, cháo, bánh đa lại thêm cút rượu, đĩa cá rô đồng kho tương thơm phức (cháo là nước chắt ra khi nồi cơm gần cạn, bánh đa là cháy nồi cơm khi đun thêm lửa).

Người khách gật đầu thán phục và không nề hà, xơi hết mâm cơm. Cơm nước xong xuôi thì trăng mười sáu đã trải vàng khắp vùng, người khách lấy từ chiếc bị cói ra một cuốn sách đã úa vàng, lần giở nhẩm đọc và bỗng dừng quay lại nói với hai cô:

- Bạc thì tôi không có nhưng tôi sẽ cho hai cô một thứ còn quý hơn vàng bạc nhiều. Khách dừng lời và đưa tay chỉ:

- Nơi đây có một con Rồng hoa đang nằm, miệng ngậm, đuôi cuộn ngọc tỷ (ý nói nơi đây là đất phát vương - Ngọc Tỷ là ấn vua), bây giờ tôi sẽ đưa hai cô tới nơi cải táng ông bà cụ, tuỳ hai cô lựa chọn:

hoặc "Nhất Đại Đế Vương"

hoặc "Bách Đại Công Khanh"

(Có bản chép "Nhất Giá Công Hầu, Nhất Giá Vương" nghĩa là một người lấy quan, một người lấy vua).

Sau một hồi lâu bàn định mà hai cô vẫn không thống nhất được với nhau, chị Hiền thích "Bách Đại Công Khanh", em Hậu muốn "Nhất Đại Bá Vương", khiến khách phân vân đành phải dàn hoà:

- Thôi thì cô Hiền hưởng đức mẹ "Bách Đại Công Khanh", còn cô Hậu hưởng lộc cha "Nhất Đại Bá Vương", và khách dắt hai cô đến nơi cải táng. Chỉ xong ông khách xách bị cói thong thả đi về phía bắc. Có người nói vị khách ấy chính là Thầy địa lý Cao Biền, chẳng biết có đúng hay không nhưng những lời phán của ông sau này đã trở thành linh nghiệm, người chị Phạm Thị Ngọc Hiền lấy Lê Hiệu (Sinh năm 1617), quê thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đậu Hoàng Giáp Đồng Tiến Sỹ khoa thi Quý Mùi (1643), làm tới chức Công Hầu Huỳnh Bộ Thượng Thư, tước "Phương Quế Hầu". Khi chết được vua sắc phong "Nghiêm Minh Hùng đoán - Thông Đạt Đại Vương" (Lê Hiệu là con trai Lê Kính sinh năm Đinh Hợi (1587), Đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến Sỹ, khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ XX. Lê Kính làm đến chức Công Bộ Thượng Thư, khi chết được phong hàm Thái Bảo, tước Thạc Quân Công), vợ chồng tể tướng Lê Hiệu sinh được 12 người con, người nào cũng học cao, con đường công danh thành đạt.

Người em Phạm Thị Ngọc Hậu sinh vào giờ Mão (25/ 4 năm Ất Hợi), được vua Lê Thần Tông tuyển vào cung làm phi và chỉ một năm sau sinh được Thái tử Lê Duy Vũ. Lê Thần Tông mất, thái tử Vũ mới lên 7 tuổi, được kế vị vua cha, phong cho mẹ là Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu có công lớn bởi giúp vua con nhiếp chính. Bia công đức Trường Lưu ở Lăng Cảnh Tỵ ghi: "Nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu, Huyền Tông Hoàng Đế trở thành vị vua hiền tài, trị Quốc bình yên, chu toàn lễ nhạc".

Lê Huyền Tông trị vì được 9 năm thì băng hà, chưa kịp lập Hoàng Hậu. Văn tế ở nhà thờ tổ họ Lê (bản khắc gỗ) ghi: "vì ông ngoại họ Phạm không có người thừa tự nên Hoàng Thái Hậu đã bàn với chị gái (bà Hiền) cho người con thứ của tể tướng, đổi họ thành Phạm Đình, tức Phạm Đình Công về quê ngoại là làng Quả, Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa lo việc hương hoả".

Lăng Cảnh Tỵ nằm ở phía bắc làng Quả Thượng chừng 500 m. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: "Tháng 11 ngày 13 năm 1671, linh cữu Hoàng đế được rước về chôn cất ở quê mẹ ở phía bắc làng Cảo Nhuệ (Quả Nhuệ ). Gần đây khi đào mương xây tường rào khu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá đã phát hiện được mộ táng. Hiện phòng văn hoá Huyện Thọ Xuân đã cho vây bao thành Quách để bảo vệ.

Điện Càn Long cách chùa Cẩm Long chừng 600m về phía Tây. Điện đã bị phá chỉ còn nền móng. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh đã có quyết định tôn tạo lại. Trong khuôn viên của điện còn một tấm bia đá bốn mặt có tên "Công đức Trường Lưu" (công đức được lưu truyền đời đời). Bia do nhóm danh sĩ thời Hậu Lê chế tác, dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1768).

Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long (tên làng được cô Hiền, cô Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ, Cẩm Long có nghĩa là con Rồng Hoa).

Chùa là một kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Chùa có hai tầng, tám mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài. Mỗi góc mái đắp một con Nghê, chính điện đắp mặt Hổ Phù.

Chùa do bà Hiền, bà Hậu đứng ra xây dựng, toạ lạc chính đầu con Rồng Hoa. Trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước (miệng Rồng), quanh năm không bao giờ cạn nước. Các cụ truyền lại ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai tổng Bát Nạo và Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.

Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc)... Sau khi bà Hiền, bà Hậu mất, dân làng đúc tượng hai bà đặt ở Hậu cung để lễ cúng, hàng năm cứ vào rằm tháng 5 âm lịch làng tổ chức lễ Khánh Tán (lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hương hoa cầu phúc lộc chen chân nhau suốt mấy ngày liền.

Thọ Lộc còn nhiều Đình, Chùa, Miếu  khác như Đình Chung, Chùa Thủ và các Văn Chỉ, Võ Chỉ.

Đình Chung là đình của hai làng Cẩm Long và Phúc Thọ, thờ một vị danh y người Hoa tên là Cao Sơn (Cao Hiển), có công chữa bệnh cứu sống nhiều người, vì là đình Chung nên khi xây dựng cũng chia mỗi làng một nửa thành ra cột kèo, gạch ngói...to nhỏ xấu tốt khác nhau. Hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng Giêng để cúng lễ. Năm nay Cẩm Long cúng sáng, Phúc Thọ cúng chiều thì sang năm ngược lại. Sau này dân Cẩm Long chủ yếu lên Chùa, ít xuống Đình, dần dà không ai gọi là đình Chung nữa. Đình Chung trở thành đình làng Phúc Thọ.

Chùa Thủ thuộc làng Quả Thượng, còn có tên là nhà Thánh Chùa Thủ, là Chùa đầu làng, khu nhà Thánh có thuyết nói rằng, thời đầu Pháp thuộc có người truyền Đạo Thiên Chúa tới định xây nhà Thánh nhưng dân trong làng không cho, cuối cùng việc xây Chùa và nhà Thánh không thành.

Thọ Lộc cũng có nhiều Văn chỉ, Võ chỉ ở các làng khác nhau. Võ chỉ xá làng Cẩm Long (có dị bản chép Quả Nhuệ Thượng) có một tấm bia đá 5 mặt do các ông Lê Sỹ Tuấn, Lê Văn Luận, Lê Đình Xích khởi xướng, tú tài Lê Xuân Quý soạn, thư lại Lê Sỹ Giới viết chữ, dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bia chữ Hán khắc chân, không có hoa văn, gồm 39 dòng 850 chữ. Mặt 1 và mặt 2 khổ 41cm x 69 cm, các mặt 3, 4, 5 khổ 15cm x 71cm. Mặt 1 ghi: "Cùng các bậc trên dưới làng Quả, tổng Thượng Cốc, phủ Lôi Dương, dựng bia ghi việc ấp ta từ xa xưa, đã có những người theo nghiệp võ lập công cũng nhiều nhưng nơi thờ phụng và ghi công chưa có, nay lập võ chỉ là điều tất nhiên". Mặt 2,3,4 ghi tên tuổi những người đỗ cao trong các kỳ thi võ. Mặt 5 ghi tên tuổi những người góp công, của xây dựng bia.

Văn chỉ (Tu Tạo bi chí) cũng thuộc làng Cẩm Long do tú tài Lê Xuân Quý soạn. Nho sinh Lê Sỹ Đặng viết chữ, thợ đá Lôi Xuân Đài khắc chữ, dựng vào năm Tự Đức (1872). Bia có 3 mặt cùng khổ 47cm x 80cm, xung quanh diềm lượn sóng xoắn. Toàn văn chữ Hán khắc chân gồm 55 dòng 1.400 chữ. Nội dung nói lý do khắc bia tên tuổi những người trong làng (vùng Quả Nhuệ) đỗ đạt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và danh sách những người cung tiến dựng bia.

Trại Quả trở thành khu quần cư đông đúc sau khi Lê Lợi đại thắng quân Minh. Theo Lịch sử và sự phát triển của các dòng họ vùng Quả Nhuệ, chủ yếu là họ Phạm, sau là họ Lê (gồm con cháu vua Lê và những người được vua cho mang họ mình "Tứ Quốc tính").

Họ Phạm cũng chia ra làm nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Ngọc, Phạm Xuân, Phạm Lê (kết hợp giữa họ cha và họ mẹ), cành Phạm Lê tôn hai bà Ngọc Hiền và Ngọc Hậu là Mẫu Hậu. Riêng họ Lý đến nay không còn vì cả hai ông Lý Ứng và Lý Lam tu đời thành Phật không vợ con. Do cuộc sống mưu sinh, quan hệ xã hội hôn nhân gia đình đến nay Thọ Lộc có tới 14 họ và mỗi họ lại chia ra làm nhiều chi, cành khác nhau. Riêng họ Lê có Lê Hữu, Lê Viết, Lê Duy, Lê Bá, Lê Trọng, Lê Đình, Lê Ngọc, Lê Tất, Lê Sỹ, Lê Minh, Lê Xuân ...

Là xã thuần nông sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, khoai, gia cầm, gia súc mang tính tự cung, tự cấp. Từ khi có Đảng lãnh đạo việc gieo cấy, nuôi trồng từng bước theo hướng hàng hóa, phát triển thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Nghề phụ có chằm nón, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, giờ có thêm nghề mộc, nghề nề, chế biến thức ăn gia súc gia cầm. Nhiều hộ có máy cày, máy bừa, xe cơ giới chở hàng, chở khách.

Ngày xưa quán nước dưới gốc đa Cẩm Long, chợ Đón giáp sông nhà Lê là nơi trao đổi nông sản, hàng hóa, nay các ngã ba, ngã tư trong xã trở thành tụ điểm giao thương, nhiều hộ đã có những sạp hàng buôn bán nhỏ.

Thọ Lộc là vùng đồng bằng chỉ có dân tộc kinh, nay theo chồng, theo vợ về ở rể làm dâu nên trong xã đã có thêm người Mường, người Thái...

Đạo phật có từ thời ông Lam, ông Ứng. Chùa, miếu, đình làng nào cũng xây. Ngoài thờ thần Hoàng, tượng Phật theo điển tích, mỗi nhà đều dành nơi trang trọng để thờ Táo công, ông bếp, thờ Bác Hồ và thờ cha mẹ tổ tiên.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dân trong vùng chủ yếu học chữ nho, nho sinh Quả Nhuệ rất nhiều và cũng nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sỹ Lê Tấn Tương, Tiến sỹ Lê Tấn Thiện (có văn bia ở Quốc Tử giám), Trạng nguyên Lê Trạc Tú. Các ông cử Đôn, cử Cung, Tú Thừa, Tú Bánh, Tú Hai...

Khá đông nho sinh vì tuổi cao và cả hận đời đốt lều chõng chạy ngang theo nghề thầy đề, thầy phán. Nhiều người tâm huyết với đạo nho về nhà mở lò dạy học đào tạo con cháu nên người như các thầy Đồ Nghạnh, Đồ Kê, Đồ Vệ, Đồ Nái... Những người cao tuổi đến giờ vẫn nhắc đến đám tang thầy Đồ Nghạnh, môn sinh đến chịu tang có hàng trăm người, câu đối khăn tang trắng xóa cả vùng nghĩa địa. Một số nho sinh học nghề bắt mạch kê đơn cứu người. Thầy Tấn được phong là ngự y (vì có công chữa khỏi bệnh cho vua), thầy Lỳ là một danh y chữa đau mắt nổi tiếng khắp vùng và nhiều thầy khác như thấy Cầu, thầy Vệ, thầy Khuông, thầy Chánh, thầy Thiềng...

Truyền thống hiếu học vẫn giữ được đến tận bây giờ (năm 1960 chỉ có 6 người học Đại học, hiện có trên 400 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học). Nhiều gia đình trong xã đã phổ cập Đại học.

Ngoài những ngày lễ tết theo âm lịch như tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Vu Lan (15/7), tết Trung Thu (15/8), giỗ tổ Hùng Vương (8/3), theo dương lịch như (30/4) Giải phóng Miền Nam (1/5), Quốc tế lao động (2/9) Quốc khánh... các làng còn có ngày lễ riêng:

- Làng Phúc Thọ mùng 10 tháng Giêng

- Làng Quả Hạ mùng 10 tháng 2

- Làng Quả Thượng 10 tháng 3

- Làng Cẩm Long rằm tháng 5.

Thọ Lộc còn có tục bái vọng nhau giữa các làng, tục thi làm cỗ, đánh đu, đấu vật, chọi gà... Các tục này sau Cách mạng Tháng 8/1945 không còn nữa, riêng chọi gà vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Phong trào văn hóa văn nghệ thời nào cũng sẵn. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái các làng rủ nhau hát đối bằng các làn điệu cò lả, trống quân. Mỗi làng còn có phường Bội, chiếu chèo sau có cả gánh hát cải lương. Tiếng hát mộc mạc, chân quê dẫu lúc bổng lúc trầm nhưng thời nào cũng có.

Năm 2002 đội văn nghệ làng Cẩm Long giành giải nhất Hội diễn văn nghệ các làng văn hóa vùng hữu ngạn Thọ Xuân.

Tiết mục hoạt cảnh thơ "Sức mạnh, lửa Rồng" của Ngọc Long được tặng huy chương vàng trong hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân. Tác giả Lê Văn Mạnh được tặng giải Ba của Đài tiếng nói Việt Nam về thi sáng tác câu chuyện truyền thanh.

Hiện cả 4 làng và 2 cơ quan trong xã đã khai trương xây dựng và được công nhận là làng, cơ quan văn hóa. Riêng làng Cẩm Long nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.

2. Quá trình hình thành và Thọ Lộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945-1954)

Những năm đầu của thế kỷ 20, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ hà khắc của giai cấp phong kiến, người dân Thọ Lộc cũng cùng chung cảnh khổ cực lầm than, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn tô tức, thuế khoá, phu phen tạp dịch. Nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình tự phát đã liên tiếp diễn ra ở các  làng. Tiêu biểu như việc phu làng Cẩm Long kiên trì mai phục, chém gãy chân quan Pháp gây chấn động cả vùng, hay vụ nông dân 2 làng Quả Thượng, làng Quả Hạ tổ chức cướp kho thóc làng Khổng (nay thuộc xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn) để chia cho dân nghèo, tri phủ Thọ Xuân phải đưa quân về đình Quả Hạ đàn áp.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tổng Thượng Cốc được chia ra làm nhiều xã như: xã Quả Nhuệ, xã Đồng Tâm, xã Trung Thành... Xã Quả Nhuệ có 5 làng là: Kim Bảng, Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ. Ông Lê Bá Mông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến, ông Phạm Lê Câu là chủ nhiệm Việt Minh xã.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nhân dân xã Quả Nhuệ đã hăng hái thực hiện các nhiệm vụ chung của Cách mạng như chống giặc đói, diệt giặc dốt, tham gia tổng tuyển cử củng cố xây dựng chính quyền và chuẩn bị đối phó với giặc ngoại xâm.

Từ trong phong trào đã xuất hiện những nhân tố tích cực được giác ngộ, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đầu năm 1946, đồng chí Phạm Lê Câu, làng Kim Bảng và cuối năm 1946, đồng chí Phạm Ngọc Thuý và đồng chí Phạm Đình Đức làng Phúc Thọ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là ba đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quả Nhuệ được phép sinh hoạt chung với tổ Đảng làng Phú Liễm (nay thuộc xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn).

Tháng 2 năm 1947, xã Thọ Lộc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quả Nhuệ, Trung Thành và một phần của xã Đồng Tâm.

Lúc này xã Thọ Lộc có 17 làng, từ làng Kim Bảng xuống làng Phú Liễm.

Ông Mạnh Hinh, chủ tịch Uỷ ban xã Trung Thành làm Chủ tịch, ông Lê Bá Mông, Chủ tịch xã Quả Nhuệ làm Phó Chủ tịch, đồng chí Giang Đài được cử làm Bí thư Chi bộ xã.

Sau khi thành lập chi bộ, Đảng đã tích cực bồi dưỡng và kết nạp thêm nhiều đảng viên, trong số đó có các đồng chí Lê Công Thuận làng Quả Thượng, Lê Duy Hảo làng Phúc Thọ... Chỉ trong hai năm (1948 - 1949), chi bộ đã kết nạp được 40 đảng viên.

Tháng 6 năm 1950, đồng chí Lê Sỹ Ngãi Làng Quả Hạ được bầu làm Bí thư Chi bộ xã đến tháng 7 năm 1952, đồng chí được điều đi làm cán bộ giảm tô, khi nghỉ hưu, đồng chí Ngãi là Trưởng ban vật giá Tỉnh Thanh Hoá.

Do yêu cầu chung của nhiệm vụ cách mạng và để phù hợp hơn với việc quản lý hành chính, tháng 01 năm 1954, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hoá quyết định chia xã Thọ Lộc ra làm 3 xã và cắt một số làng sang các xã khác.

Ba xã là Thọ Lộc, Xuân Lộc (nay thuộc huyện Triệu Sơn) và Xuân Thịnh (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Các làng về các xã bạn là Làng Cồn Chua (làng Đa) về xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn. Làng Phú Liễm về xã Thọ Thế (huyện Triệu Sơn), làng Bùn Rùn về xã Thọ Ngọc (huyện Triệu Sơn), làng Kim Bảng về xã Nam Giang.

Xã Thọ Lộc chỉ còn lại 4 làng: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng và làng Quả Hạ với 600 hộ, 2.326 khẩu.

Ngày 03/02/1954, Huyện uỷ Thọ Xuân quyết định thành lập Chi bộ xã Thọ Lộc với 48 Đảng viên, sinh hoạt ở 6 tổ đảng. Ban chấp hành chi uỷ gồm 5 người, đồng chí Lê Trọng Huỳnh làm Bí thư, đồng chí Lê Văn Tiền làm Phó bí thư, 3 chi uỷ viên là các đồng chí Lê Bá Chương, Lê Sỹ Hồng và Lê Tất Lân.

Về chính quyền, Uỷ ban hành chính kháng chiến có 7 uỷ viên, bà Lê Thị Tỵ làm Chủ tịch, 2 phó Chủ tịch là các ông Lê Khắc Minh và Đoàn Văn Chương, (ông Chương kiêm trưởng ban công an).

Uỷ viên Uỷ ban gồm các ông: Lê Văn Thân, Lê Sỹ Hồng, Lê Sỹ Đào, Lê Duy Phú. Các tổ chức chính trị trong xã cũng sớm được thành lập.

Mặt trận Liên Việt: Ông Lê Sỹ Hoà làm Chủ tịch, ông Phạm Ngọc Thiện Phó chủ tịch.

Hội Nông dân: ông Lê Minh Yên làm bí thư, ông Lê Đình Châu làm Phó bí thư.

Hội Phụ nữ: bà Lê Thị Điếm làm bí thư, bà Lê Thị Quyết làm phó bí thư.

Đoàn Thanh niên: ông Lê Xuân Son làm bí thư, ông Lê Văn Tuất làm phó bí thư.

Xoá bỏ đơn vị hành chính làng, chia xã ra làm 13 xóm.

Làng Cẩm Long gọi là xóm Cẩm.

Làng Phúc Thọ gọi là xóm Phúc.

Làng Quả Thượng chia làm 5 xóm là: xóm Đình, xóm Ải, xóm Đoài, xóm Đông, xóm Nam.

Làng Quả Hạ chia làm 6 xóm là: xóm Thượng, xóm Trung, xóm Bình, xóm Thuận, xóm Hoà, xóm Hạ.

Lúc này cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn cuối nhưng ngay từ khi cách mạng tháng Tám thành công, người dân các làng của Thọ Lộc đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, và trên tất cả, các nhiệm vụ đều lập thành tích tốt được cấp trên khen ngợi như:

Chống giặc đói: đây được xem là nhiệm vụ trung tâm trước mắt. Chi bộ Đảng và Uỷ ban hành chính kháng chiến xã đã chỉ đạo cho từng làng, họp dân vận động trưng thu, trưng mua thóc gạo của nhà giàu chia cho người nghèo, thu hồi đất công, đất vắng chủ, tổ chức khai hoang trồng lúa, khoai, rau ngắn ngày và phát động phong trào tiết kiệm, tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nên cả xã đã vượt qua nạn đói năm 1945.

Diệt giặc dốt (phong trào bình dân học vụ): Đầu năm 1946, phong trào diệt dốt được tổ chức trong toàn xã với phương châm: "người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít". Các chùa đình và các gia đình có nhà rộng trở thành những lớp học chữ quốc ngữ. Ở các ngã ba, ngã tư và cổng làng đều có các chiến sĩ "diệt giặc dốt". Chỉ trong một thời gian ngắn, cả xã đã có gần 50% số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Ông Lê Duy Hợi được cử làm Trưởng ban bình dân học vụ. Đến năm 1953, ông Phạm Đình Chí được cử làm Trưởng ban.

Phong trào bình dân học vụ vẫn được duy trì cho đến những năm 1960. Nhiều chiến sỹ "diệt giặc dốt" sau trở thành những cán bộ giáo viên ngành giáo dục. Hiện trong xã có hơn 100 cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, nhiều thầy cô giáo nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương.

Hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng: cùng với nhân dân Thọ Xuân thực hiện sắc lệnh của Chính phủ về xây dựng quỹ độc lập, hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, nhân dân Thọ Lộc đã tình nguyện tháo khuyên tai, nhẫn vàng ủng hộ quốc gia. Danh sách những người góp nộp và số lượng chung đã bị thất lạc nhưng chỉ tính riêng làng Quả Thượng đã có 13 đôi khuyên tai vàng, xã nộp lên huyện 300 kg đồng. Ngoài ra nhân dân còn tích cực mua "công phiếu quốc gia", "trái phiếu Chính phủ". Riêng đợt ủng hộ thóc khao quân, Thọ Lộc đã góp 300 kg, được huyện, tỉnh biểu dương khen thưởng.

Phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu:

Tháng 12 năm 1946, một tiểu đội dân quân du kích do đồng chí Lê Ngọc Trạch chỉ huy đã góp phần bao vây tiêu diệt ấp Di Linh do Cả Bân cầm đầu. Trận này Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hoá đã huy động dân quân 3 huyện Thọ Xuân, Nông Cống và Thiệu Hoá đi phá ấp. Đây là căn cứ phản động của Nhật – Pháp. Tiểu đội dân quân Thọ Lộc ở mũi thứ hai do đồng chí Hoàng Duy Ngữ, đồng chí Lê Xuân Tại và ông Đột Huân phụ trách. Đồng chí Ngữ dùng kiếm chém què chân ngựa của Cả Bân. Cả Bân bị bắt, ấp Di Linh được giải phóng.

Sau chiến thắng này, trung đội dân quân du kích xã Quả Nhuệ được thành lập, do đồng chí Phạm Lê Tích - uỷ viên quân sự xã làm trung đội trưởng. Trung đội vừa cơ động làm nhiệm vụ chung của huyện, vừa tuần tra canh gác bảo vệ chính quyền và nhân dân trong xã.

Cuối năm 1946, đồng chí Phạm Ngọc Thuý (làng Phúc Thọ), được điều vào trung đội bộ đội chủ lực huyện. Cuối năm 1947, đầu năm 1948, nhiều thanh niên trong xã đã hăng hái tòng quân giết giặc.

Tháng 5 năm 1951, gần 100 dân công Thọ Lộc tham gia phục vụ chiến dịch Hoà Bình với thời gian 4 tháng. Ngoài ra còn nhiều đợt dân công ngắn ngày như vận chuyển muối ở Kim Tân (Thạch Thành), chuyển vũ khí qua sông Chu cho Đại đoàn 308.

Tháng 12 năm 1949, chỉ trong một đêm, gần 300 dân quân và dân công Thọ Lộc dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Cần, huyện đội trưởng Thọ Xuân đã di chuyển an toàn máy móc của xưởng Bình Tứ từ Xuân Hoà về Thọ Lộc.

Đầu năm 1954, một trung đội xe thồ 20 người do ông Phạm Xuân Thanh phụ trách tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, đồng chí Lê Sỹ Thân đã anh dũng hy sinh trên đường vận chuyển vũ khí, lương thực ra mặt trận.

Ngày 19/12/1953, Thọ Lộc có 20 người đi thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (huyện Thọ Xuân có 350 người chia làm 3 đại đội, trong số này có hơn 50% sau chuyển sang quân chủ lực).

Với luỹ tre ken dày bao quanh làng và tấm lòng đoàn kết thương yêu nhau, Thọ Lộc trở thành một hậu phương vững chắc, một hậu cứ an toàn. Đã từng nuôi dưỡng chở che nhiều cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong những ngày gian khó,  ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp.

 Những ngày đầu đánh Pháp, Thọ Lộc cùng với các xã bạn trong vùng là nơi ở của Khu uỷ và Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu 4. Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bí thư Quân khu uỷ đã nhiều lần diễn thuyết và uý lạo binh sỹ ở đình Quả Hạ và đình Quả Thượng.

Tháng 5 năm 1946, lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ tiểu đội, trung đội được tổ chức tại đình Quả Hạ. Lớp do ông Hoàng Văn Ngữ, uỷ viên quân sự huyện phụ trách, ông Đội Huân là giáo viên quân sự, ông Cao Xuân Dũng là giáo viên võ thuật. Đây là lớp cán bộ quân sự đầu tiên của huyện Thọ Xuân và các huyện bạn, nhiều học viên sau này đã trở thành cán bộ trung cao cấp trong quân đội.

Tháng 11 năm 1948, sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng, tư lệnh Liên khu 4 Nguyễn Sơn đã ở nhiều ngày tại gia đình ông Lê Duy Hợi (làng Phúc Thọ) và gia đình ông Lê Sỹ Hựu (làng Quả Hạ) để chỉ huy bộ đội.

Năm 1949  - 1950, Công an và Toà án Liên khu 4 đã đóng quân tại làng Quả Thượng.

Trong các năm 1952 - 1953 - 1954, trường Đào Duy Từ (trường cấp 2 - cấp 3 của Tỉnh) đã về ở tại Thọ Lộc (Đình Quả Hạ được dành cho học sinh lớp nhất). Nhiều học sinh học ở đây sau này đã trở thành uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng.

Năm 1949 -1950, xưởng cơ giới Bình Tứ đặt ở làng Quả Thượng. Nhiều vũ khí đạn được chế tạo ở đây đã góp phần tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Thọ Xuân 2 lần sơ tán về Thọ Lộc, lần đầu là năm 1949, lần 2 là năm 1953.

Năm 1952 Thọ Lộc tiếp nhận cô nhi viện (trẻ mồ côi ) đóng ở đình Quả Hạ.

Năm 1953 - 1954, xưởng quân được Liên khu 4 sơ tán về làng Cẩm Long.

Đặc biệt là từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 5 năm 1950, Đại hội huyện Đảng bộ Thọ Xuân lần thứ 3 được tổ chức tại đình Quả Hạ. Về dự đại hội có 129 đại biểu. Đồng chí Đinh Nho Liêm, phó bí thư tỉnh uỷ về chỉ đạo đại hội. Đại hội đã bầu  17 đồng chí vào ban chấp hành huyện uỷ. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được bầu làm bí thư, đồng chí Hà Trọng Hoà là phó bí thư huyện uỷ.

Tháng 10 năm 1953, Đại đoàn 308 (nay là sư đoàn quân tiên phong) đã về đóng tại xã Thọ Lộc để "rèn cán chỉnh quân" trước khi lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ năm 1947 đến năm 1954, Thọ Lộc còn là nơi tiếp nhận nhân dân tản cư từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình vào. Nhiều gia đình định cư cho đến tận bây giờ.

Tổng kết 9 năm chống Pháp, Thọ Lộc rất tự hào là một hậu phương vững chắc, nơi cất giấu chở che nhiều cơ quan đơn vị, đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, có 155 người tham gia bộ đội và thanh niên xung phong (trong đó có 14 liệt sỹ, 20 thương, bệnh binh), nhiều người sau này là cán bộ trung cao cấp trong quân đội, công an và các ngành khác như Đại tá Phạm Ngọc Thuý (Cục chính trị quân chủng hải quân), Đại tá Lê Sỹ Oánh (Hiệu trưởng Trường quân chính quân đoàn I), Đại tá Lê Ngọc Diêu (Phòng cơ yếu Bộ Nội vụ), Lê Bá Duyên (Phó chánh thanh tra Bộ Xây dựng), Phạm Xuân Chương (Giám đốc Ngân hàng tỉnh Sơn Tây), Lê Lân (huyện đội trưởng huyện Triệu Sơn), Lê Văn Lân (Chính trị viên huyện đội Cẩm Thuỷ)…

Nhiều đồng chí phục viên về địa phương tiếp tục hoạt động trở thành những cán bộ chủ chốt của xã như đồng chí Lê Đình Cổn (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã), Lê Tất Côi (Chủ tịch Hội Nông dân xã).

Thọ Lộc được Đảng, Nhà nước tặng hơn 200 huân, huy chương các loại và hàng ngàn bằng khen, giấy khen.

Tự hào với truyền thống lập trại, giữ làng, thành xã, người dân Quả Nhuệ trước kia và Thọ Lộc ngày nay đang phấn khởi vươn lên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.


Phần thứ hai:

THỌ LỘC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN

 CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

(1954 - 1975)

 

I. THỌ LỘC THỜI KỲ 1954 - 1964

1. Tình hình chung của xã sau năm 1954

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 buộc Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương, cách mạng nước ta đứng trước tình hình mới, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở Miền Nam đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp. Chúng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với mục đích biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ cách mạng nước ta trong thời kỳ mới có hai nhiệm vụ cơ bản là: Xây dựng Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và tiếp tục đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Nhân dân xã Thọ Lộc nói riêng cùng với nhân dân cả huyện và tỉnh Thanh Hoá phấn khởi trong không khí hoà bình, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.

Trước hết là các công trình đê đập bị hưng hỏng nặng trong thời kỳ kháng chiến. Năm 1952, Thực dân Pháp đánh phá đập Bái Thượng, diện tích gieo trồng bị giảm sút, nhiều nơi không sản xuất được bỏ hoang hoá. Lũ lụt vào đầu tháng 9 năm 1954 làm vỡ đê nhiều nơi ở hai bên bờ sông Chu gây khó khăn lớn cho đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhiều nơi lâm vào cảnh đói.

Về chính trị, trên Miền Bắc nói chung và trên quê hương Thanh Hoá nói riêng phải đối phó với tình hình chính trị phức tạp. Địch tìm mọi cách phá hoại bằng những thủ đoạn tuyên truyền nói xấu chế độ, dụ dỗ cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam, tiêu biểu là vùng Thiên chúa giáo ở Ba Làng Huyện Tĩnh Gia. Bọn địch tung tin đưa ra các luận điệu như Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống Miền Bắc, bên Lào hàng hoá dễ mua, Miền Bắc không được tự do tín ngưỡng, Chúa đã vào Nam phải theo Chúa vào Nam…

Âm mưu xảo quyệt  của kẻ thù làm cho nhân dân một số vùng công giáo trên địa bàn của huyện hoang mang tinh thần tâm lý. Trước tình hình đó Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá nêu cao tinh thần đoàn kết, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù bảo vệ thành quả cách mạng.

Thọ Lộc cũng không tránh khỏi những khó khăn chung, thực hiện chủ trương của Huyện về phát động phong trào ủng hộ đồng bào bị bão lụt với truyền thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, nhân dân Thọ Lộc đ㠓nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách”. Chỉ sau một tuần vận động, nhân dân Thọ Lộc đã đóng góp được một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt thiên tai đang gặp nhiều khó khăn.

2. Về khôi phục sản xuất

Theo kế hoạch khôi phục kinh tế của Chính phủ sau khi Miền Bắc được giải phòng, khâu sản xuất nông nghiệp được chú trọng trong đó phải khẩn trương tu sửa hệ thống đê đập bị hư hỏng trong thời kỳ chiến tranh.

Đập Bái thượng là một công trình thủy lợi lớn ở Thanh Hóa được chính quyền Pháp thiết kế và thi công nhằm mục đích khai thác và vơ vét nguồn lương thực của nhân dân ta. Công trình được toàn quyền Đông dương phê duyệt chính thức ngày 24/01/1918 và được khởi công ngày 28/3/1920. Trải qua 6 năm xây dựng ngày 10/01/1926 toàn quyền Đông dương cắt băng khánh thành công trình đập Bái thượng.

Cấu trúc của Đập dài 160m chân đập rộng 21m mặt rộng 3m, hai đầu của đập được dựa vào dãy núi vững chắc, nhờ đó đập có thể nâng mức nước từ 11m lên gần 17m. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng hệ thống bê tông cốt thép riêng đập đã sử dụng hết 5.600m3 bê tông, đắp 7 triệu m3 đất đá. Tổng chi phí cho toàn công trình là 4 .760.000 đồng bạc đông dương.

Năm 1952 giặc Pháp ném bom làm cho đập bị hư hỏng nặng nề, hơn 50 ha lúa của 6 huyện vùng hữu ngạn sông Chu thiếu nước gieo cấy phải chuyển sang trồng ngô khoai và rau màu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, xã Thọ Lộc đã huy động hơn 100 lao động tham gia tu sửa đập Bái thượng. Với tinh thần thi đua lao động không quản ngày đêm, chỉ sau một thời gian ngắn đã đắp được đập quai xanh ngăn dòng nước lũ để sửa đập. Ngày 13/7/1955 công trình tu sửa đập Bái thượng được hoàn thành trước thời hạn. Việc khôi phục tu sửa đập Bái thượng mang ý nghĩa to lớn trong đời sống và sản xuất của nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho hơn 50 nghìn ha đất canh tác của 6 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống và Quảng Xương. Nhờ đó hàng năm trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã thu được 140 nghìn tấn lương thực trở lên.

Cùng với việc tham gia tu sửa công trình đập Bái thượng, cấp ủy Đảng và Chính quyền xã Thọ Lộc đã vận động nhân dân tìm mọi biện pháp để có nước sản xuất. Với khẩu hiệu "Vắt đất ra nước thay trời làm mưa" nhân dân trong xã đã khơi luồng lạch lấy nước từ ao hồ, đào thêm giếng khơi tìm mọi cách để có nguồn nước gieo cấy.

Công cuộc khai hoang phục hóa được mở rộng ở khắp các thôn trong xã. Kết quả chỉ sau một thời gian ngắn hàng chục ha đất bỏ hoang lâu năm cùng với gần 100 cồn bãi được nhân dân khai phá và đưa vào canh tác sản xuất.

Công cuộc khôi phục kinh tế, mở rộng khai hoang phục hóa đã làm cho đời sống của nhân dân trong xã giảm bớt khó khăn và dần dần được đi vào ổn định. Qua đó nhân dân trong xã đã phấn khởi lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

3. Tiến hành cải  cách ruộng đất

Công cuộc cải cách ruộng đất là một nhiệm vụ quan trọng sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc nhằm thực hiện khẩu hiệu chiến lược của  Đảng ta là “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng” .

Thực hiện sắc lệch cải cách ruộng đất của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 04/12/1953, cuộc cải cách ruộng đất ở huyện Thọ Xuân được chia làm hai đợt. Đợt 1 làm thí điểm 7 xã gồm: Thọ Lộc, Thọ Nguyên, Xuân Khánh, Xuân Phong, Xuân Tân, Xuân Vinh và Thọ Trường.

Là một xã được thực hiện thí điểm của Huyện và Tỉnh cho nên mọi việc phải thận trọng và chặt chẽ. Đội cải cách về xã dựa vào lực lượng nông dân nghèo là chính với phương châm ba cùng với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc).

Công tác tuyên truyền vận động tổ chức nhân dân thấy rõ mục đích, chủ trương của Đảng trong công cuộc cải cách ruộng đất. Việc tổ chức họp dân chuẩn bị cho việc tố khổ (ôn nghèo kể khổ) là một việc rất quan trọng phải được tập duyệt chắc chắn.

Ban chấp hành chi bộ do đồng chí Lê Đình Hiệp làm Bí thư, đồng chí Lê Thị Mạnh làm Chủ tịch xã và 3 uỷ viên Lê Tất Lạc, Lê Tất Lân, Lê Sỹ Hồng cùng với 48 đảng viên trong toàn xã vừa là lãnh đạo vừa là lực lượng nòng cốt vận động nông dân đứng lên đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, cường hào ở nông thôn.

Tháng 5/1955, đồng chí Lê Đình Hiệp được điều động về Huyện uỷ làm Bí thư Huyện đoàn. Tháng 6/1955, đồng chí Nguyễn Văn Vẽ được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Kết quả trong cuộc cải cách ruộng đất nhân dân xã Thọ Lộc đã đánh đổ 31 địa chủ cường hào, thu gần 100 ha ruộng đất, hàng trăm gian nhà và nhiều trâu, bò, nông cụ chia cho các gia đình nông dân nghèo.

Thắng lợi của công cuộc cải cách ruộng đất trên toàn Miền Bắc nói chung và trên địa bàn xã Thọ Lộc nói riêng đã xoá bỏ quan hệ bóc lột phong kiến ở nông thôn, đưa người nông dân thực sự làm chủ trên đồng ruộng, đưa đến một luồng không khí mới phấn khởi tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ.

Công cuộc cải cách ruộng đất đã làm thay đổi đời sống kinh tế  xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chung trên toàn Miền Bắc và tỉnh Thanh Hoá, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta có vi phạm những sai lầm như quy nhầm, quy oan cả những người kháng chiến; phương pháp đấu tranh chưa phù hợp, chưa thể hiện tính nhân văn, điều đó đã gây ảnh hưởng tới sự đoàn kết trong Đảng và trong quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng đã kịp thời phát hiện và tiến hành sửa sai. Đầu năm 1956 cả tỉnh học tập chủ trương của Đảng và thư của Hồ Chủ Tịch về nhiệm vụ sửa sai trong cải cách ruộng đất.

Sau khi tiếp thu chủ trương ở hội nghị mở rộng của huyện Thọ Xuân, tháng 10/1956, đồng chí Lê Sỹ Phương - Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Đình Long - Phó bí thư - Chủ tịch uỷ ban hành chính xã cùng 5 uỷ viên triệu tập hội nghị chi bộ để bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên để tiến hành sửa sai.

Thọc Lộc là một trong những xã thực hiện điểm của Huyện cho nên đã hạn chế được nhiều sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Kết quả sau sửa sai có 14 gia đình được hạ thành phần (chiếm 45% số địa chủ trong toàn xã), từ đó khôi phục được tình làng nghĩa xóm, xây dựng lại khối đoàn kết trong chi bộ và quần chúng nhân dân, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

4. Phát triển kinh tế và thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tạo kinh tế, tháng 5/1958, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ  V  xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể dưới hình thức thành lập các tổ đổi công, chuẩn bị cơ sở để xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong xã xây dựng nhiều tổ đổi công với quy mô khác nhau, phổ biến là có từ 5 - 15 hộ gia đình xây dựng thành một tổ.

Với việc hình thành các tổ đổi công trong xã, nhân dân Thọ Lộc đã xây dựng được phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong công việc thuỷ lợi, phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật thâm canh sản xuất.

Trong phong trào thi đua sản xuất, đã xuất hiện những tấm gương  tiêu biểu trong xã điển hình là Bà Lê Thị Phẩm ở xóm Nam (thôn 4) với kinh nghiệm thâm canh cây lúa nước bà đã sử dụng bùn ao phơi khô đập nhỏ để bón ruộng. Vụ lúa chiêm xuân năm 1958 gia đình bà đạt đượcnăng suất rất cao, nhiều gia đình và các tổ trong xã đến học tập. Bà được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1958.

Cuối tháng 5/1958, chi bộ Đảng Thọ Lộc tổ chức Đại hội tại Làng Cẩm Long. Đồng chí Lê Công Thuận được bầu làm Bí thư, đồng chí Phạm Đình Long được bầu làm Phó bí thư - Chủ tịch Ủy ban hành chính xã cùng với 5 uỷ viên. Chi bộ Đảng đã vận động nhân dân toàn xã tiến hành công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp. Đầu năm 1959, Thọ Lộc bắt đầu tiến hành xây dựng điểm một Hợp tác xã nông nghiệp ở xóm Bình lấy tên là Hợp tác xã  Quyết Tiến do ông Lê Tất Học làm Chủ nhiệm và ông Lê Minh Yên làm Phó chủ nhiệm.

Cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp bước đầu gặp nhiều khó khăn trở ngại do tính tư hữu và tư tưởng sản xuất nhỏ của phần lớn nông dân. Lúc đầu chỉ có 15 hộ gia đình tham gia (chiếm 0,18% số hộ nông dân trong toàn xã).

Do sự chỉ đạo kiên quyết của cấp uỷ Đảng và chính quyền xã cho nên vụ sản xuất chiêm xuân 1959 thu được kết quả rất khá, điều đó khẳng định tính ưu việt của nền kinh tế tập thể trong nông thôn.

Đến giữa năm 1959 phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở Thọ Lộc được phát triển rất mạnh mẽ.

Có 6 Hợp tác xã nông nghiệp mới được xây dựng đó là:

1. Hợp tác xã Tiền Phong (Làng Cẩm Long) do ông Lê Viết Mùi làm Chủ nhiệm và ông Lê Viết Hiếu làm Phó chủ nhiệm.

2. Hợp tác xã Phúc Tiến (Làng Phúc Thọ) do ông Phạm Ngọc Tiến làm Chủ nhiệm và ông Phạm Đình Thanh làm Phó chủ nhiệm.

3. Hợp tác xã Quyết Thành (Xóm Đình) do ông Lê Ngọc Thư làm Chủ nhiệm và ông Lê Ngọc Trạch làm Phó chủ nhiệm .

4. Hợp tác xã Thành Công (Xóm Thượng và xóm Trung) do ông Lê Tất Huê làm Chủ nhiệm và ông Lê Tất Sử làm Phó chủ nhiệm.

5. Hợp tác xã Quyết Thắng (Xóm Thuận và xóm Hoà) do ông Lê Tất Côi làm Chủ nhiệm và ông Lê Sỹ Câu làm Phó chủ nhiệm.

6. Hợp tác xã Quyết Thắng (Xóm Hạ) do ông Lê Sỹ Vẽ làm Chủ nhiệm và ông Phùng Văn Bá làm Phó chủ nhiệm.

Đến tháng 12/1959, xóm Đoài và xóm Ải được xây dựng thành Hợp tác xã Thắng Lợi do ông Lê Ngọc Chức làm Chủ nhiệm và ông Phạm Xuân Thanh làm Phó chủ nhiệm.

Như vậy trong vòng một năm (từ tháng 1/1959 đến tháng 1/1960), xã Thọ lộc đã cơ bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp.

Kết quả đã xây dựng được 8 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, lôi cuốn 717 hộ nông dân vào con đường làm ăn tập thể (chiếm 97,9% tổng số hộ trong toàn xã). Sự thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra những thuận lợi mới trong quá trình sản xuất. Công tác thuỷ lợi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa được tăng từ 2,4 đến 3,5 tấn/ha, đời sống kinh tế của nhân dân trong xã  được cải thiện, nhiều gia đình mua sắm được những phương tiện phục vụ cho sản xuất và đời sống như xe đạp, giường, tủ, đài thu thanh…

Đời sống xã hội cũng có nhiều thay đổi, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, bảo thủ, lạc hậu bị đẩy lùi, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó với nhau.

Cùng với việc phát triển nông nghiệp là chính, các nghề truyền thống của địa phương cũng được chú ý trong nhân dân.

Trước hết là nghề chăn nuôi nói chung, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn nái được phát triển nhiều hộ gia đình đã đầu tư cho việc chăn nuôi lợn nái đảm bảo có thu nhập khá trong gia đình .

Nghề thủ công truyền thống được phát triển trong đó nổi bật là nghề khâu nón lá.

Nghề nón lá đã có từ nhiều năm trước đó ở Thọ Lộc nhưng lúc bấy giờ phát triển còn hạn chế, chỉ một số gia đình ở Làng Quả Hạ khâu nón lá xanh, nón vịt, mũ lá và may áo tơi lụi.  Từ năm 1947, do hoàn cảnh giặc pháp chiếm đóng đồng bào một số vùng ở đồng bằng Bắc bộ đã tản cư vào Thọ Xuân, một số gia đình làm nhà ở ven bờ sông kênh Nam thuộc địa bàn xã Thọ Lộc, họ mang theo một số nghề thủ công từ quê hương như kéo sợi, nghề dệt, nghề dệt vải, nghề mộc, nghề khâu nón lá trắng (nón lá Vinh, Nghệ An).

Ban đầu một số người Thọ Lộc thường đến gỡ lá thuê và sau đó họ đã học được nghề khâu nón lá trắng. Nghề khâu nón lá trắng đã có ở Thọ Lộc từ đó và ngày càng phát triển, đây là một nghề thủ công phù hợp với mọi lứa tuổi, tranh thủ được hết thời gian trong lúc nông nhàn và giúp cho các gia đình có thêm nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Năm 1961, ban chủ nhiệm hợp tác xã đã cử nhân lực đi tìm nguồn lá nón về cung cấp cho nhân dân và tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm.

Nghề nón ở Thọ Lộc phát triển nhanh trong hai năm 1963 - 1964 và đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập trong nông thôn và cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân. Nghề khâu nón lá trắng ở Thọ Lộc tiếp tục phát triển cho đến ngày ngay với hình thức đẹp hơn và chất lượng tốt hơn đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để đáp ứng yêu cầu tăng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, tháng 11/1958, hợp tác xã tín dụng được thành lập do ông Lê Sỹ Hồng làm chủ nhiệm nhằm vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm vào quỹ tín dụng đảm bảo “vừa ích nước vừa lợi nhà”. Bên cạnh đó hợp tác xã tín dụng còn có kế hoạch vay thêm vốn của ngân hàng nhà nước để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất.

Năm 1961, hợp tác xã mua bán của xã được thành lập. Đây là một hình thức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ở nông thôn lúc bấy giờ với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống dân sinh. Thời gian đầu mượn tạm nhà ở của dân để làm nơi bán hàng. Cuối năm 1961, hợp tác xã mua bán xây dựng cửa hàng và nhà kho gần cầu sắt (Cầu Vội). Hợp tác xã mua bán có nhiệm vụ nhận hàng hoá phân phối từ hợp tác xã mua bán huyện về phục vụ cho nhân dân trong xã. Lúc đầu có 666 hộ gia đình là thành viên của hợp tác xã mua bán, họ đóng góp cổ phần và được hưởng hàng hoá phân phối như muối, dầu đèn, nước nắm, diêm đánh lửa, xà phòng... và một số mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ Tết. Đến năm 1963, có 1.113 cổ phần, chiếm 100% số hộ trong toàn xã.

5. Trên lĩnh vực chính trị - xã hội

Bước vào năm 1960, cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới, trên cả hai miền Nam - Bắc đạt được những thắng lợi to lớn. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng cả nước, tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong đó khẳng định Miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội để trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để thực hiện được yêu cầu đó, Đại hội đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc (1961- 1965).

Thực hiện chủ trương của Đảng, Đại hội Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ  VII tháng 2/ 1962 được đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ về dự và chỉ đạo.

Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tăng cường đoàn kết trong Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, tăng sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn, thành lập Đảng bộ xã, củng cố hợp  tác xã phát  triển toàn diện vững chắc, chú trọng cải tiến quản lý hợp tác xã, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Quán triệt nghị quyết của  Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ VII, xã Thọ Lộc tiến hành củng cố kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Đảng bộ xã Thọ Lộc được thành lập tháng 6/1962 gồm 78 Đảng viên. Đồng chí Lê Công Thuận làm Bí thư, đồng chí Phạm Đình Thiệu làm Phó bí thư, đồng chí Lê Trọng Do làm uỷ viên trực Đảng bộ.

Về phía chính quyền, Ủy ban hành chính xã có 7 uỷ viên.

Ông phạm Đình Thiệu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã, ông Lê Văn Ngãi làm Phó chủ tịch.

Các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội được củng cố kiện toàn:

- Đoàn thanh niên xã do đồng chí Lê Tất Xuân làm bí thư, đồng chí Lê Mạnh Hoạch làm phó bí thư .

- Mặt trận Tổ quốc xã do ông Lê Sỹ Hồng làm chủ tịch, ông Lê Văn Chính làm phó chủ tịch.

- Hội Phụ nữ xã do bà Lê Thị Nghĩa làm hội trưởng, bà Lê Thị Hường làm hội phó

- Tổ chức Nông hội do ông Lê Viết Mùi làm chủ tịch, ông Lê Đình Châu làm phó chủ tịch.

Đảng uỷ xã chủ trương kiện toàn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, từ cuối năm 1960 đến năm 1966, trên địa bàn toàn xã đã xây dựng thành 4 hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã Long Thọ, Hợp tác xã Thống Nhất, Hợp tác xã Thành Công và Hợp tác xã Đại Thắng .

6. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội

Cùng với sự khôi phục và phát triển kinh tế cấp uỷ Đảng và chính quyền xã Thọ Lộc chú trọng phát triển trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế.

Trên lĩnh vực giáo dục, phong trào bình dân học vụ được phát triển kể từ sau cách mạng Tháng 8 và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi miền Bắc hoà bình lập lại vẫn được duy trì phát triển cho đến năm 1960. Nhiều chiến sỹ diệt giặc dốt sau này trở thành giáo viên của các trường dân lập và công lập.

Với phương châm “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”, năm 1957, trong xã có 40 người được giao nhiệm vụ xoá nạn mù chữ trên địa bàn toàn xã. Gần 100 học sinh lớp 3 và lớp 4 được động viên đi dạy buổi trưa, buổi tối và những ngày hè.  Sau gần hai năm phấn đấu, đến năm 1958, Thọ Lộc được huyện công nhận là xã đã xoá được nạn mù chữ.

Năm 1950 Thọ Lộc mới chỉ có hai lớp học phổ thông (lớp 1 và lớp 2) học tại nhà dân. Đến năm 1953, Trường cấp 1 của xã được thành lập (cấp tiểu học) do thầy giáo Mai Văn Thiệu làm hiệu trưởng.

Năm 1962, Trường phổ thông cấp 2 của xã được thành lập (cấp THCS), thầy giáo Vũ Văn Tụ làm hiệu trưởng sau đó là thầy Lê Dương làm hiệu trưởng.

Năm học 1962 – 1963, trường cấp 2 lúc đó mới có 2 lớp (lớp 5 và lớp 6) với 80 học sinh. Đến năm học 1964 – 1965, trường cấp 2 được phát triển hoàn chỉnh.

Lĩnh vực Y tế cũng được phát triển nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đầu năm 1957, trạm Y tế của xã được thành lập do ông Lê Hữu Thai làm Trạm trưởng, bà Lê Thị Song làm nữ hộ sinh cùng với một số lương y như Lê Văn Thiềng, Lê Bá Mông, Lê Bá Thi, Lê Bá Thành, Lê Bá Câu, Lê Sỹ Khuông, Lê Hữu Viễm.

Với phương châm phòng bệnh là chính, nhân viên Trạm y tế thường xuyên về các thôn xóm để vận động tuyên truyền nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đào và xây giếng nước ở gia đình.

(Trước đây trong toàn xã chỉ có 7 giếng nước công cộng không hợp vệ sinh, còn gọi là giếng làng).

Từ khi ra đời và hoạt động, trạm Y tế đã tổ chức khám bệnh cho nhân dân theo định kỳ, tiến hành cấp, phát thuốc phòng chữa bệnh và hướng dẫn thực hiện một số chỉ tiêu Y tế.

Cơ sở vật chất của trạm y tế lúc đầu chỉ có 3 gian nhà làm việc (được xây dựng ở  khu trạm biến thế điện trước công sở của xã bây giờ). Do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng lớn đòi hỏi phải được tăng cường về cơ sở vật chất. Trong hoàn cảnh của xã lúc đó còn gặp nhiều khó khăn, ban chấp hành hội phụ nữ do bà Lê Thị Nghĩa làm hội trưởng, bà Lê Thị Hường làm hội phó đã vận động chị em phụ nữ lấy cát từ sông Chu (xã Xuân Khánh) về xây dựng thêm 3 gian nhà mới.

Văn hoá, văn nghệ cũng được Đảng và chính quyền, đoàn thể quan tâm phát triển nhằm xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Năm 1957, đội văn nghệ quần chúng của xã được thành lập do ông Lê Đức Vậy làm đội trưởng, ông Phạm Ngọc Đài và bà Lê Thị Phú làm đội phó. Những nhân tố văn nghệ của xã được giới thiệu chọn lọc từ các thôn xóm, đây là lực lượng nòng cốt trên mặt trận văn hoá của xã.

Các tiết mục văn nghệ do đội tự biên tự diễn đã thu hút đông đảo người xem, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Bằng nhiều thể loại phong phú như hát chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… với những lời ca tiếng hát chân tình, đội văn nghệ đã đóng góp một phần trong cuộc sống xây dựng quê hương.

Đội thông tin tuyên truyền của xã đã thực sự bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thông báo kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của nhà nước cùng các quy định của địa phương đến từng hộ dân.

Lúc bấy giờ các phương tiện thông tin đại chúng còn đơn giản nhưng với những ánh đèn dầu, sân khấu ngoài trời, chiếc loa cầm tay ..... đội văn nghệ, thông tin thực sự là nhịp cầu nối ánh sáng văn hoá của Đảng với quần chúng nhân dân xã Thọ Lộc.

Trải qua mười năm kể từ khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954 - 1964), cùng với nhân dân trên khắp Miền Bắc, nhân dân xã Thọ Lộc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quê hương, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xã đã hoàn thành chương trình cải cách ruộng đất, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế xã hội và thực hiện thắng lợi công cuộc tập thể hoá nông nghiệp. Chi bộ Đảng được thành lập đầu năm 1954, đến tháng 6 năm 1962 đã phát triển thành Đảng bộ.

Thành tựu của nhân dân xã Thọ Lộc qua 10 năm xây dựng đã đóng góp một phần xứng đáng cùng với nhân dân của Huyện và Tỉnh để xây dựng Miền Bắc thành hậu phương vững chắc tạo nên sức mạnh để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

7. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh và trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhân dân Thọ Lộc vui mừng đón nhận nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra  Bắc, các anh là những chiến sỹ cách mạng một lòng một dạ tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ.

Nhân dân Thọ Lộc dành cho các anh một tình yêu thương như những người con của quê hương mình. Tình cảm đón tiếp thân tình của nhân dân Thọ Lộc đã sửa ấm những tấm lòng người con xa quê ra Miền Bắc tập kết vì ngày mai thống nhất.

Các anh coi Thọ Lộc như quê hương thứ hai của mình. Một số anh đã lập nghiệp ở lâu dài trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, Thọ Lộc còn phấn khởi đón gần 100 người con của quê hương đã làm tròn nghĩa vụ chiến đấu ở chiến trường trở về hậu phương.

Các anh cán bộ, bộ đội Miền Nam tập kết, các anh bộ đội thanh niên xung phong từ chiến trường trở về trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc giữ gìn trật tự an ninh và xây dựng quê hương Thọ Lộc trong thời kỳ mới.

Đầu năm 1959, Chính phủ ban hành sắc lệnh thực hiện "Luật nghĩa vụ quân sự", chi bộ đảng và đoàn thanh niên xã đã tổ chức cho thanh niên học tập, quán triệt chủ trương của Đảng và sắc lệnh của Chính phủ.

Tháng 3 năm 1959, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Lộc tiễn đưa 20 thanh niên ưu tú lên đường tham gia quân đội. Đây là đợt nghĩa vụ quân sự thời bình đầu tiên sau khi Miền Bắc được giải phóng.

Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều người tình nguyện ở lại xây dựng quân đội lâu dài và trở thành cán bộ sỹ quan trung, cao cấp, một số người trở về địa phương công tác và trở thành cán bộ chủ chốt của xã.

Trong số 20 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự đợt đầu năm 1959 có 3 người con đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đó là các Liệt sỹ Phạm Văn Côi, Lê Đình Nhuận và Phạm Ngọc Son.

Tấm gương hy sinh của các liệt sỹ trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho lớp lớp thanh niên của xã tiếp tục lên đường để xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước trong những năm tiếp theo.

II. THỜI KỲ 1965 - 1975

1. Hoàn cảnh lịch sử mới

Năm 1964 chúng ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự ở Miền Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn, làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng nặng nề. Để cước vãn chiến lược chiến tranh đặc biệt đang bị thất bại nặng nề ở Miền Nam, Đế Quốc Mỹ đã dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ mở cuộc tấn công phá hoại Miền Bắc bằng không quân và hải quân. Mục đích của Mỹ là phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện ở hậu phương vào miền Nam và uy hiếp tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Tháng 3/1964 Tổng thống Mỹ Giôn Xơn phê chuẩn kế hoạch đánh phá Miền Bắc gồm 94 mục tiêu quan trọng trong đó Thanh Hóa là một trong những trọng điểm lớn.

Ngày 5/8/1964 Mỹ cho máy bay bắn phá Quảng Ninh, Hải Phòng và cửa biển Lạch Trường Thanh Hóa mởi đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với Miền Bắc nước ta.

Đặc biệt là từ năm 1965 chính quyền Giôn Xơn đã huy động hơn 50 vạn quân viễn chinh cùng với hàng vạn quân đánh thuê của các nước đồng minh trang bị nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại đưa vào miền Nam nước ta tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ" đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc với một quy mô to lớn và cường độ ngày càng ác liệt. Mục tiêu đánh phá của Mỹ là các công trình kinh tế, quân sự, các trục đường giao thông quan trọng và những khu vực đông dân cư.

Ngày 3 và 4/4/1965 Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Na Ma Ra hạ lệnh cho lực lượng không quân mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng Thanh Hóa.

Ngày 27/4/1965 không quân mỹ bắn phá Sao Vàng mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên đất Thọ Xuân. Tiếp đó chúng đánh phá đập Bái Thượng, thủy điện Bàn Thạch, cống Phúc Như, Âu Phong Lạc và một số vùng dân cư dọc theo hai bờ sông Chu như Thọ Nguyên, Xuân Khánh, Xuân Tín...làm cho nhiều người chết và bị thương.

Trong hoàn cảnh mới cả nước có chiến tranh miền Bắc vừa phải chiến đấu vừa phải sản xuất và tăng cường chi viện cho miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, đầu năm 1965 Đại hội Đại biểu huyện Thọ Xuân được triệu tập thông qua những nhiệm vụ mới là: Chuẩn bị thế trận toàn dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng làng xã chiến đấu, đảm bảm trật tự an ninh và giao thông vận tải an toàn thông suốt. Phát động phong trào lao động sản xuất với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt". Tăng năng suất cây trồng chi viện sức người sức của cho tuyền tuyến.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã kịp thời lãnh đạo nhân dân chuyển hướng mọi hoạt động sản xuất sang thời chiến trong hoàn cảnh cùng với cả nước có chiến tranh.

Trước hết là công tác phòng không nhân dân và sơ tán trường học được thực hiện một cách triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Mọi gia đình phải có hầm để trú ẩn. Các trục đường trong thôn xóm đều có hào giao thông, học sinh đến lớp đều phải có mũ rơm và bông băng cứu thuơng khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ của xã được củng cố luyện tập và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội và mọi gia đình được quán triệt nhiệm vụ phòng gian bảo mật. Ở các đầu làng đều có trạm báo phòng không làm nhiệm vụ báo hiệu lệnh cho nhân dân biết khi có máy bay địch đến.

Như vậy, bắt đầu từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, Thọ Lộc cùng với quân dân toàn Miền Bắc bước vào một thời kỳ mới đầy khó khăn thử thách, vừa chiến đấu vừa sản xuất và chi viện cho chiến trường.

2. Trên mặt trận sản xuất

Hưởng ứng phong trào thi đua do Trung ương Đảng phát động cùng với nhân dân trong tỉnh và trên địa bàn cả huyện, nhân dân xã Thọ Lộc dấy lên những phong trào thi đua sôi nổi: Thanh niên với phong trào "Ba sẵn sàng"; Phụ nữ với phong trào "Ba đảm đang".

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, toàn xã vận động ra quân làm thuỷ lợi năm 1965 với khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt". Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Lộc không quản gian lao vất vả hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu trên đồng ruộng.

Tháng 12/1966, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ X được tổ chức tại xã Xuân Hoà với phương hướng nhiệm vụ năm 1967 là: “Thi đua với hợp tác xã Đông Phương Hồng phấn đấu đạt mục tiêu 5 tấn thóc, 10 tấn khoai lang và 2 con lợn trên 1 ha gieo trồng”...

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không ngừng được củng cố và mở rộng. Đến tháng 3 năm 1967 toàn xã có 3 HTX sản xuất nông nghiệp.

+ Hợp tác xã Long Thọ do ông Lê Viết Chưởng làm chủ nhiệm, ông Lê Duy Đông làm phó chủ nhiệm.

+ Hợp tác xã Thống Nhất do ông Nguyễn Văn Vẻ làm chủ nhiệm, ông Phạm Xuân Thanh làm phó chủ nhiệm.

+ Hợp tác xã Đại Thành (được hợp nhất giữ hợp tác xã Thành Công và hợp tác xã Đại Thắng). Bà Lê Thị Tư làm chủ nhiệm, ông Lê Tất Côi làm phó chủ nhiệm.

Để đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến trong cuộc tổng chiến công và nổi dậy năm 1975, mặt trận nông nghiệp ở hậu phương cần phải phát triển lên một bước mới. Tháng 01/1975, trên địa bàn xã được hợp nhất thành một hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã thống nhất do ông Lê Tất Sử làm chủ nhiệm, ông Lê Ngọc Trạch làm phó chủ nhiệm.

Hợp tác xã với quy mô lớn gồm 12 đội sản xuất cơ bản và có các đội chuyên.

Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng phát triển. Đảng bộ và chính quyền xã Thọ Lộc có hướng đưa ngành chăn nuôi lên ngành chính, trong đó chú trọng chăn nuôi lợn thịt, lợn nái để tăng thu nhập trong gia đình, có hộ nuôi tới 5 con lợn.

Việc chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là lấy sức cày, kéo và phân bón cho đồng ruộng do hợp tác xã quản lý và giao cho các hộ gia đình, hàng năm hợp tác xã có mở hội thi đua để xếp loại trâu, bò của các gia đình.

Từ năm 1965 các hợp tác xã nông nghiệp đều thành lập trại chăn nuôi tập thể.

Năm 1975, khi hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô lớn, toàn xã thành lập một trại chăn nuôi do ông Lê Văn Chỉ làm trại trưởng, bà Hoàng Thị Niêm làm trại phó. Trại chăn nuôi tập thể phát triển với quy mô lớn, có thời điểm lên tới 500 con lợn, trong đó có tới 100 - 120 lợn nái.

Hàng năm trại cử cán bộ đi học tập để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ để phát triển lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương.

Nghề nuôi cá cũng được các hợp tác xã chú trọng đầu tư phát triển để tạo thêm nguồn thực phẩm cho nhân dân vào dịp các ngày lễ Tết.

Thọ Lộc có một  địa thế thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá, ở giữa khu dân cư có dãy ao hồ nằm suốt chiều dài của xã. Truớc năm 1959 đó là những ao thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình trong làng xã. Khi tiến hành tập thể hoá nông nghiệp những ao hồ đó thuộc quyền quản lý của các hợp tác xã. Khi thực hiện cơ chế khoán từ năm 1981, chính quyền xã chủ trương cho một số hộ gia đình giao nhận khoán theo định mức và nộp sản phẩm cho tập thể. Đến năm 2000, do nhu cầu đất ở diện tích ao hộ được các hộ gia đình đấu thầu dài hạn và chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình nhà ở vì vậy diện tích ao nuôi cá ngày càng thu hẹp lại.

Các nghề thủ công truyền thống ở địa phương được phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh.

Nghề khâu nón lá vẫn tiếp tục phát triển ở các hộ gia đình trong lúc nông nhàn. Hợp tác xã mua bán cũ đã đi tìm mua vật liệu đáp ứng một phần cho nhân dân.

Nghề nấu gạch ngói thủ công được phát triển do các hợp tác xã sản xuất tổ chức và quản lý. Sản phẩm chủ yếu là phục vụ cho xây dựng tập thể và các gia đình trong xã.

Hợp tác xã mua bán vẫn tiếp tục duy trì và phát triển chủ yếu là phục vụ những mặt hàng thiết yếu trong đời sống nông thôn như muối ăn, dầu lửa, một số vật dụng gia đình.

Do hoàn cảnh đánh phá ác liệt của Mỹ nên lĩnh vực sản xuất và lưu thông hàng hoá có những thời kỳ rất khó khăn.

Về hợp tác xã tín dụng: để đáp ứng yêu cầu vốn phát triển kinh tế trong hoàn cảnh thời chiến, HTX tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện phương châm phát động nhân dân tích kiệm ích nước lợi nhà đồng thời vay vốn của ngân hàng nhà nước để đầu tư cho sản xuất, trong đó chủ yếu là tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích phát triển kinh tế hầu phương và cung cấp cho tiền tuyến.

3. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội

Theo chủ truơng chính sách của Đảng và nhà nước ta trong hoàn cảnh mới cùng với sản xuất xã Thọ Lộc đã khẩn trương chuyển hướng hoạt động văn hoá sang hoàn cảnh thời chiến.

Đội thông tin văn hoá bám sát nhiệm vụ chính trị của xã để hàng tháng đội chiếu phim lưu động của Phòng Văn hoá huyện về phục vụ nhân dân từ 1 đến 2 lần. Cây trôi Làng Quả Hạ thường xuyên được chọn làm nơi chiếu phim phục vụ nhân dân trong thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá.

Hoạt động giáo dục được sơ tán, các lớp học được dựng bằng những lán tranh tre rải khắp địa bàn của xã. Xung quanh lán học đắp hầm hào trú ẩn.

Từ năm học 1969 – 1970, khi Mỹ ngừng ném bom đánh phá Miền Bắc lần thứ nhất được hợp nhất liên xã Thọ Lộc và Nam Giang được đặt vị trí ở vùng giáp ranh thôn 1 Thọ Lộc với làng Kim Bảng xã Nam Giang .

Ngày 15/10/1968 các thầy cô giáo và học sinh trên toàn xã cùng với ngành giáo dục cả nước đón nhận thư của Bác Hồ, đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho ngành giáo dục. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác đội ngũ thầy cô giáo và học sinh nhà trường luôn luôn vượt mọi khó khăn để thực hiện dạy tốt - học tốt.

Ngày 02/9/1969 Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng toàn quân và dân ta, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng khắp các thôn các tổ chức chính trị xã hội trường học đều tổ chức trọng thể lễ truy điệu Hồ Chủ tịch. Toàn Đảng, toàn quân và dân ta quyết biến đau thương thành hành động cách mạng giữ vững lời thề sắt đá dương cao ngon cờ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước tới đích cuối cùng thực hiện trọn vẹn di trúc thiêng liêng của Người.

Trạm Y tế xã hoạt động tích cực đáp ứng yêu cầu thời chiến. Thực hiện chỉ thị số 57 của Tỉnh, cán bộ, nhân viên trạm y tế thường xuyên vận động nhân dân phòng chống các dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh trong nhà ở và thôn xóm trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ. Vào đầu năm học, trạm y tế cử nhân viên đến các lớp học để hướng dẫn cho học sinh và giáo viên cách băng bó vết thương sơ cứu ban đầu.

4. Thọ Lộc là căn cứ địa vững chắc trong hai thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1964 -1968 và 1972)

Thọ Lộc là một địa phương ở gần những mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ như: Sân bay Sao Vàng, đập Bái thượng, Thủy điện Bàn thạch, nhưng Tỉnh ủy Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân vẫn chọn đây là một địa điểm thuận lợi để xây dựng căn cứ địa vững chắc của Tỉnh trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thọ Xuân, Đảng uỷ và chính quyền xã Thọ Lộc đã chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Giữa năm 1965, Thọ Lộc được Huyện chọn làm địa điểm để huấn luyện dân quân tự vệ và an ninh chủ chốt của các đơn vị xã, thị trấn trong toàn huyện để nhận thức rõ yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 1967 – 1968, cơ quan đầu não của Tỉnh sơ tán về Thọ Lộc. Đồng chí Ngô Thuyền - uỷ viên dự khuyết BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chọn Làng Quả Hạ làm nơi ở và làm việc.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chủ yếu sinh hoạt và làm việc ở nhà dân. Thọ Lộc đã huy động hơn 100 lao động cùng với một đơn vị bộ đội công binh khẩn trương làm lại cầu gỗ mới qua kênh Nam để phục vụ sự đi lại của cơ quan Tỉnh uỷ và nhân dân, đồng thời nhân dân cùng bộ đội xây dựng hầm của cơ quan Tỉnh uỷ để làm phòng họp khi có chiến sự ác liệt. Căn hầm được xây dựng rất kiên cố theo kiểu hầm chống bom của máy bày B52 Mỹ.

Cây cầu gỗ qua kênh Nam dân địa phương thường gọi là cầu Cây Trôi. Sau giải phóng Niềm Nam, nhân dân đã làm lại cầu, xây mới và khánh thành vào dịp đón xuân Mậu Ngọ 1978. Căn hầm của Tỉnh uỷ cách trường tiểu học Thọ Lộc hiện nay 300 mét về phía tây nam. Dân địa phương vẫn thường gọi một cách thân thuộc là hầm ông Ngô Thuyền. Sau năm 1975, chính quyền địa phương cho tháo bỏ căn hầm này để sử dụng vào công việc khác.

Một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời chiến là bảo vệ nguồn hậu cần lương thực cung cấp cho quân đội do đó khu vực nhà máy, kho tàng trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân mỹ.

Do máy bay Mỹ bắn phá ngày càng ác liệt vào các khu vực nhà máy kho tàng, huyện chủ trương phân tán kho lương thực Đống Nải. Nhân dân Thọ Lộc đã huy động lực lượng hàng trăm lao động, chủ yếu là thanh niên, dân quân tự vệ vận chuyển hàng trăm tấn  lương thực của huyện về nơi sơ tán an toàn. Trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, trên địa bàn xã Thọ Lộc được xây dựng hàng chục kho dã chiến (còn gọi là kho tròn) để bảo quản lương thực của nhà nước.

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Thọ Lộc đón trường Đảng Hoàng Văn Thụ sơ tán về tại đình Làng Quả Hạ. Từ mái trường nay đã đào tạo cho Tỉnh hàng nghìn cán bộ có trình độ chính trị để lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ đối với miền Bắc ngày càng ác liệt, chính quyền Giôn Xơn đã huy động tối đa các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại để hủy diệt miền Bắc. Từ vĩ tuyến 20 trở vào Quảng Bình,Vĩnh Linh được gọi là vùng đất lửa. Từ giữa năm 1967 giặc Mỹ huy động không quân và hải quân đánh phá ác liệt vào Quảng Bình gây khó khăn lớn cho đời sống và sản xuất của nhân dân đặc biệt là việc học tập của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Để đảm bảo sự an toàn và tạo điều kiện cho việc học tập của các cháu đồng thời duy trì nguốn lực cho cuộc khàng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương đưa các cháu thiếu niên nhi đồng sơ tán ra các vùng nông thôn ở Thanh Hóa.

Nhân dân Thọ Lộc đón nhận 250 cháu thiếu niên K8 Quảng Bình về nuôi dưỡng, chăm sóc như con em ruột thịt của mình. Nhiều gia đình mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nhận nuôi 2 cháu. Bên cạnh việc chăm sóc và nuôi dưỡng nhân dân Thọ Lộc còn đóng góp thêm vật liệu tranh tre dựng lán làm phòng học cho các cháu K8 Quảng Bình. Các thầy giáo cô giáo cấp 1 và cấp 2 Thọ Lộc cùng kết hợp với một số thầy giáo từ Quảng Bình được điều động ra đã tích cực dạy dỗ thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình.

Cuối năm 1968 giặc Mỹ phải ngừng ném bom bắn phá Miền Bắc, tỉnh Thanh Hoá nói chung và chính quyền, nhân dân xã Thọ Lộc đưa các cháu trở về quê hương Quảng Bình sống với gia đình và tiếp tục học tập.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968, sư đoàn 308 đã chọn Thọ Lộc làm địa điểm đóng quân để luyện tập, chỉnh đốn lực lượng chuẩn bị cho những chiến dịch mới chống lại  “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ được tiến hành từ năm 1969.

Những năm tiếp theo Thọ lộc là một địa điểm đóng quân của đơn vị an dưỡng đoàn 585 và một số cơ quan của nhà nước.

Có thể nói trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ mặc dù Thọ Lộc ở gần những vị trí mà giặc Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng tỉnh uỷ và huyện Thọ Xuân vẫn chọn xã Thọ Lộc là một địa điểm an toàn. Thọ Lộc xứng đáng là một căn cứ địa vững chắc của tỉnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

5. Chi viện cho chiến trường

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân xã Thọ Lộc nỗ lực cùng với quân dân trên cả Miền Bắc hướng về Miền Nam ruột thịt.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ 1965 – 1975, Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu 1 người”.

Hàng năm, Thọ Lộc đóng góp cho Nhà nước từ 250 tấn đến 400 tấn lương thực, từ 15 tấn đến 20 tấn thịt lợn và hàng ngìn con gà, vịt.

Hàng năm theo chỉ tiêu của huyện, xã Thọ Lộc huy động tuyển quân từ 2 đến 3 đợt. Riêng năm 1972 đã huy động 4 đợt tuyển quân với số lượng 65 thanh niên lên đường chi viện cho tiền tuyến. Tổng cộng suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nuớc, Thọ lộc huy động 690 thanh niên lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu (thời kỳ chống Pháp là 135 người nhập ngũ).

Bên cạnh lực lượng tham gia quân đội, Thọ Lộc còn huy động 103 thanh niên tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước cùng với hàng trăm lượt người tham gia dân công hoả tuyến vận tải lương thực hàng hoá ra chiến trường (thời kỳ kháng chiến chống Pháp có 49 Thanh niên xung phong).

Ngoài việc huy động lực lượng tham gia quân đội và thanh niên xung phong, Thọ Lộc còn huy động một lực lượng dân công rất hùng hậu phục vụ cho tiền tuyến.

- Tháng 5/1955 đoàn dân công làm đường tại Sầm Nưa giúp bạn Lào do ông Lê Khắc Minh phụ trách.

          - Đầu năm 1965 tỉnh Thanh Hóa mở thêm đường vận chuyển bằng thuyền nan gồm 5 nghìn chiếc, Thọ Lộc có 34 người tham gia do ông Lê Đình Cổn phụ trách xuất phát từ Bến Ngự - Thanh Hóa vào Đức Thọ - Hà Tỉnh. Trong đợt này có đồng chí Lê Sỹ Miêng huy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

          - Tháng 12/1965 đoàn dân công C42 phục vụ trên tuyến đường Cẩm Thủy miền tây Thanh Hóa do ông Hà Ngọc Hưng phục trách.

          - Tháng 12/1968 toàn tỉnh huy động 1500 dân công xe đạp thồ phục vụ tiền tuyết. Đoàn xe thồ của xã Thọ Lộc do ông Lê Trọng Túy phụ trách làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa vào Quảng Bình. Trong đợt này đồng chí Phạm Ngọc Cá đã huy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

          - Từ năm 1969 đến năm 1972 xã còn huy động nhiều đợt dân công hỏa tuyến để phục vụ cho chiến trường.

          Có thể nói trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Thọ Lộc đã đóng góp một nguồn lực hùng hầu về sức người sức của góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.

Những người con của Thọ Lộc ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tô đẹp thêm truyền thống của quê hương, đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Trong số những người trở về có nhiều người mang trên mình thương tích, bệnh tật và nhiễm chất độc ở chiến trường.

Theo số liệu thống kê của xã, tính đến 30/4/2005, tổng số liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của Thọ Lộc là 106 (thời kỳ chống Pháp là 14, thời kỳ chống Mỹ là 82, bảo vệ Tổ quốc là 10).

Tổng số thương binh, bệnh binh của toàn xã là 134 (riêng thời kỳ chống Mỹ là 112).

Có 03 bà mẹ được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sự chi viện sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã đóng góp một phần cùng với hậu phương Miền Bắc để làm nên đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 


PHẦN THỨ BA

THỌ LỘC TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

(1975 - 2010)

I. THỜI KỲ 1975 - 1985

1. Tình hình chung của xã sau năm 1975

Đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đất nước đã thống nhất non sông được thu về một mối. Nhân dân xã Thọ Lộc cũng như khắp mọi miền trên đất nước vui mừng trong khí thế của một dân tộc chiến thắng. Nỗi vui buồn, niềm hạnh phúc và đau thương hòa quyện, những người con của quê nhà ra đi cứu nước đã lần lượt trở về, tuy có mất mát đau thương nhưng Tổ quốc còn nguyên vẹn. Qua 5 năm từ cuối 1975 đến 1980 gần 200 bộ đội và thanh niên xung phong xuất ngũ trở về địa phương trong đó có 76 Đảng viên trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào lao động sản xuất, xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Tuy nhiên trên địa bàn của xã Thọ Lộc cũng nằm trong hoàn cảnh chung của đất nước chúng ta không lường hết được những khó khăn và phức tạp sau thời chiến.

Đất đai sản xuất nông nghiệp hoang hóa nhiều, khai thác chưa có hiệu quả. Tình trạng sản xuất nông nghiệp lạc hậu năng suất lao động rất thấp. Cơ chế quản lý tập trung bao cấp kéo dài chi phối việc điều hành của chính quyền và HTX nông nghiệp có nhiều bất cập. Bên cạnh đó thiên tai rất khắc nghiệt tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Cơn bão số 6 vào tháng 8/1976 đã tràn vào khu vực Bắc trung bộ nói chung và Thanh Hóa nói riêng, xã Thọ Lộc bị thiệt hại rất lớn làm cho 51 ngôi nhà của nhân dân trong xã bị đổ, nhiều hoa màu cây cối bị hư hại, tài sản của nhiều hộ gia đình bị hư hỏng nặng nề.

Chiến sự  xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía  Bắc vào đầu  năm 1979 đã làm cho quân và dân ta phải đối phó với nhiều khó khăn thách thức.

Trong bối cảnh chung của cả nước, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thanh Hoá và Huyện uỷ Thọ Xuân, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã đã tổ chức họp vào cuối tháng 5/1975 đề ra nhiệm vụ khẩn  trương của xã là: Nhanh chóng ổn định tình kinh tế xã hội trên địa bàn xã, làm tốt chính sách hậu phưong quân đội, cũng cố kiện toàn các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và các hợp tác xã nông nghiệp, mua bán và tín dụng.

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội

Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã, các chi bộ đã tiến hành Đại hội, những đảng viên có năng lực, uy tín được bầu vào cấp uỷ và tăng cường hoạt động ở các tổ chức đoàn thể, kinh tế xã hội.

* Về tổ chức Đảng, chính quyền:

- Đồng chí Lê Văn Tiền - Bí thư Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Hữu Ngữ - Phó bí thư, chủ tịch UBND xã

* Về các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội:

- Mặt trận tổ quốc xã do ông Lê Tất Đảm làm chủ tịch

- Hội nông dân do ông Phạm Xuân Hới làm chủ tịch

- Hội phụ nữ do bà Lê Thị Lẫu làm chủ tịch

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do đồng chí Hà Văn Bồng làm bí thư

* Các tổ chức kinh tế:

- Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp: Ông Lê Tất Sử làm chủ nhiệm

- Hợp tác xã tín dụng do Ông Lê Văn Tư làm chủ nhiệm

- Hợp tác xã mua bán do Ông Lê Sỹ  Che làm chủ nhiệm.

3. Phát triển kinh tế

Trước hết Đảng uỷ và chính quyền xã thực hiện việc quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp, vận động các hộ gia đình ở ven đồng làng về xây dựng nhà ở trong làng. Cơ cấu lại các đội sản xuất và toàn xã hình thành ba khu. Ngoài các đội sản xuất cơ bản, Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp thành lập thêm một số đội chuyên sản xuất như: Đội thuỷ lợi 202, đội chăn nuôi (có chăn nuôi lợn và đội nuôi cá), đội kỹ thuật (đảm nhận về giống, phân bón và bảo vệ thực vật), đội ngành nghề sản xuất vật liệu như gạch ngói, nấu vôi, thợ mộc, thợ xây.

Các đội chuyên cũng như các đội sản xuất cơ bản đều hoạt động theo hình thức nhận khoán việc từ Ban quản lý hợp tác xã và được hưởng theo mức phân phối ăn chia theo chế độ công điểm.

Toàn xã phát động phong trào ra quân làm thuỷ lợi nội đồng. Đặc biệt, trong 2 năm 1976 – 1977, xã đã huy động 150 nhân lực tham gia công trình thuỷ lợi sông Hoàng, sông Lý của tỉnh Thanh Hoá.

Do sắp xếp lại tổ chức sản xuất nông nghiệp, hình thành các đội chuyên đã góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động, cải thiện đời sống của xã viên. Từ năm 1976 đến năm 1980, mỗi năm xã Thọ Lộc làm nghĩa vụ giao nộp cho Nhà nước gần 300 tấn thóc và 15 tấn thực phẩm.

Một chặng đường 5 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 – 1980), nhân dân Thọ Lộc đã gắng sức vươn lên khắc phục mọi khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh và thiên tai địch họa gây ra để giữ vững đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh chung cả nước lúc đó và tình hình của tỉnh, của huyện nói chung, tình trạng sản xuất nông nghiệp vẫn hết sức khó khăn, việc điều hành sản xuất ở nhiều khâu kém hiệu quả, mô hình hợp tác xã nông nghiệp được hình thành từ năm 1959 đã đóng góp vai trò to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, tạo ra một quan hệ sản xuất mới và huy động được nguồn lực của hậu phương để chi viện cho chiến trường. Đến nay đã qua 5 năm đất nước thống nhất, mô hình Hợp tác xã nông nghiệp không còn phù hợp nữa. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp nhằm: Đảm bảo phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng xuất lao động, sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ yếu ở nông thôn; Không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống xã viên, tăng tích luỹ hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho nhà nước.

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh dấu sự chuyển đổi bước đầu về quản lý và phân phối sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên một luồng gió mới trên đồng ruộng và đời sống của người nông dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thanh Hóa và Huyện uỷ Thọ Xuân,  Đảng bộ xã Thọ Lộc đã tập trung lãnh đạo quán triệt Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương và Thông tư số 10 của Bộ Nông nghiệp đến toàn thể các tổ chức kinh tế xã hội, các đoàn thể quần chúng và từng hộ nông dân trong toàn xã. Với cơ sở là các đội sản xuất rà soát lại tổng số diện tích đất canh tác, trên cơ sở đó giao cho từng hộ lao động, trong đó có ưu tiên các gia đình khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách.

Với cách khoán theo Chỉ thị 100 “năm khâu ba việc” và theo định mức do Ban quản lý Hợp tác xã quy định đã tạo ra một tinh thần phấn khởi đối với người nông dân hăng hái sản xuất trên đồng ruộng.

(5 khâu do tập thể đảm nhiệm là thuỷ lợi; giống; làm đất; phân bón và bảo vệ thực vật. 3 việc do người lao động đảm nhiệm là gieo cấy; chăm bón và thu hoạch).

Với phương thức khoán đã làm tăng năng xuất lao động từ 28,16 tạ/ha năm 1979 đã tăng lên 32,5 tạ/ha vào năm 1981 và 35,0 tạ/ha năm 1982. Bình quân lương thực theo đầu nguời vào năm 1981 là 223 kg đã tăng lên 250kg năm 1982, xã hoàn thành chỉ tiêu lương thực cho Nhà nước và có tích luỹ được cho tập thể trên 100 tấn thóc.

Bên cạnh sản xuất lúa, từ năm 1981, Đảng uỷ và chính quyền xã Thọ Lộc đã vận động nhân dân phấn đấu đưa vụ đông lên thành vụ chính. Diện tích vụ đông không ngừng tăng lên nhanh chóng. Năm 1980 chỉ có 20 ha, đến năm 1983 tăng lên trên 120 ha, trong đó chủ yếu là khoai lang và sau  này có trồng thêm ngô lai, đậu tương.

Các đội chuyên do hợp tác xã điều hành vẫn hoạt động một cách thường xuyên đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

- Nghề sản xuất gạch ngói từ năm 1976 đến năm 1980 đạt khối lượng từ 1,2 đến 1,5 triệu viên / năm.

- Đội xây dựng cơ bản 201 đáp ứng yêu cầu trong việc xây dựng kiến thiết của tập thể và các hộ gia đình .

- Nghề sản xuất thủ công truyền thống chủ yếu là khâu nón lá vẫn được duy trì thường xuyên của các hộ gia đình để tăng thêm thu nhập chi tiêu hàng ngày.

Trong những năm khó khăn thời kỳ bao cấp, nghề khâu nón lá đã đóng góp một phần đắc lực đối với nhiều gia đình trong xã.

Hợp tác xã mua bán:

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn của thời bao cấp nhưng cán bộ nhân viên cử hàng vẫn cố gắng cung ứng số lượng hàng hoá thiết yếu để cung cấp cho nhân dân đặc biệt là trong những dịp lễ Tết.

Hợp tác xã tín dụng:

Hoạt động tích cực để huy động vốn nhàn rỗi  trong nhân dân và vay vốn ngân hàng nhà nước đảm bảo cho hợp tác xã mua bán, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói qua 10 năm sau ngày đất nước thống nhất 1975 - 1985 là một thời kỳ đầy khó khăn thử thách, nhân dân Thọ Lộc cùng với nhân dân các địa phương khác trong cả nước nỗ lực vươn lên để khôi phục và phát triển kinh tế.

4. Lĩnh vực Văn hoá, Giáo dục và Y tế

Hoạt động văn hoá vẫn được duy trì từ thời kháng chiến trước năm 1975. Đội văn nghệ của xã được tổ chức lại  gồm các nhân tố được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ quần chúng ở các cơ sở sản xuất với tính chất  “Cây nhà, lá vườn”.

Đội văn nghệ thực sự mang hơi thở của quê hương phục vụ công chúng trong những dịp lễ Tết, tổ chức mừng công sau những mùa thu hoạch.

Đội thông tin tuyên truyền vẫn hoạt động một cách thường xuyên, truyền đạt kịp thời những chủ trương chính sách của  Đảng và Nhà nước, thông báo những hoạt động kinh tế xã hội của địa phương.

Đời sống văn hoá của nhân dân cũng được nâng lên. Đến năm 1985, nhiều hộ nhà tranh đã xây lại được nhà ngói. Cũng trong thời gian trên, Đảng uỷ và chính quyền xã chỉ đạo cùng với hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng hoàn chỉnh 4 cầu kiên cố bắc qua kênh Nam đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài xã.

Giáo dục trên địa bà xã được phát triển nhanh. Sau năm 1975, số lượng học sinh cấp 1 và cấp 2 tăng nhanh chóng, các cháu Nhà trẻ và Mầm Non ngày càng đi vào nề nếp đúng độ tuổi theo tinh thần cải cách giáo dục do Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ  IV đề ra.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới, chính quyền xã vận động nhiều hộ gia đình di dời mồ mả ở khu vực Cồn Trang để tập trung xây dựng khu trường học (khu trường học ngày nay).

Trạm y tế đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và làm nhiệm vụ sơ tuyển quân trong thời kỳ chống Mỹ trước đây. Bước sang thời kỳ mới, trong hoàn cảnh bao cấp, dụng cụ vật tư Y tế và thuốc men có gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ nhân viên trạm Y tế không ngừng vươn lên khắc phục mọi khó khăn, với phương châm đông tây y kết hợp, trạm đã xây dựng được vườn thuốc nam với nhiều cây dược liệu quý, tìm cách chế biến theo phương cách thủ công và ứng dụng có hiệu quả trong công tác điều trị bệnh.

Hưởng ứng cuộc vận động mua phiếu công trái của Chính phủ để xây dựng đất nước trong thời kỳ khó khăn, tháng 10/1989, nhiều gia đình trong xã đã hăng hái sử dụng tiền tiết kiệm của mình để mua phiếu công trái. Một số gia đình mua bằng vàng, bằng tiền, bằng lúa với số lượng cao.

Gia đình ông Lê Sỹ Hồng, gia đình ông Phạm Xuân Hương, gia đình ông Hà Ngọc Thắng được dự hội nghị tuyên dương của tỉnh về kết quả mua công trái.

5. Nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Trong điều kiện đất nước vừa có hoà bình vừa phải đối phó với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, vì vậy nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự xã hội được Đảng bộ và nhân dân trong xã chú trọng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện mọi yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên.

Từ năm 1976 đến 1985, xã Thọ Lộc tiếp tục động viên con em lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 10 năm (1976 – 1985), Thọ Lộc có 152 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế đối với nước bạn Lào và Căm Pu Chia. Riêng tháng 9/1978, tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc rất phức tạp, 18 quân nhân phục viên xuất ngũ của xã đã tình nguyện tái ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1976 – 1985, có 10 người con của xã đã chiến đấu hy sinh ở biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Căm Pu Chia.

Lực lượng an ninh của xã cùng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ tài sản của hợp tác xã và của nhân dân. Lực lượng dân quân tự vệ động viên được huy động tham gia phòng chống bão lụt và ứng cứu trong mọi tình huống.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vươn lên, năm 1984 - 1985 Đảng bộ xã Thọ Lộc được nhận cờ luân lưu của Tỉnh uỷ Thanh Hoá và được công nhận là Đảng bộ vững mạnh.

Những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc đạt được từ 1976 - 1985 là rất quan trọng, góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế - văn hoá của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế yếu kém như việc quy hoạch đất đai sản xuất và khu dân cư sau năm 1975 được thực hiện nóng vội, không tính đến những công trình mang giá trị Văn hoá - Lịch sử.

Năm 1976, chính quyền xã cho tháo dỡ đình chùa ở các làng trên phạm vi toàn xã và hầm của Thường vụ Tỉnh uỷ được xây dựng thời kỳ sơ tán. Những di tích Văn hoá - Lịch sử đó chỉ còn lại trong ký ức của lớp người sinh ra và lớn lên trước năm 1975.

II. THỜI KỲ  1986 - 2010

1. Tình hình kinh tế xã hội sau 10 năm đất nước thống nhất

Trải qua 10 năm đất nước thống nhất (1975 - 1985), nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế chính trị - xã hội, nổi bật là khôi phục kinh tế, ổn định đời sống xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trải qua 10 năm ấy đất nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém trong việc quản lý kinh tế do duy trì và thực hiện cơ chế bao cấp kéo dài. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội nẩy sinh đã làm cho kinh tế  khủng hoảng, lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng giảm sút. Các thế lực thù địch tiến hành bao vây cấm vận, phá hoại về nhiều mặt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới. Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới đất nước. Chủ trương của Đảng là đổi mới sâu sắc và toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế với những nội dung sau:

- Đổi mới cơ cấu kinh tế, có chính sách cải tạo, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế nhằm khai thác mọi khả năng của các thành phần kinh tế trong đó vai trò chủ đạo là kinh tế quốc doanh. Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý.

- Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xác lập cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Cùng với sự phát triển khoa học khoa học kỹ thuật cần phải mở rộng và có hiệu quả kinh tế đối ngoại.

- Xác lập và vận hành cơ chế quản lý mới, cải cách bộ máy nhà nước. Đảng phải đổi mới nhiều mặt, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức - cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác.

- Những năm trước mắt cần phải tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Tiếp theo các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X đã cụ thể hoá mục tiêu nhiệm vụ của từng chặng đường trong quá trình đổi mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới toàn Đảng, toàn quân và dân ta gặp nhiều khó khăn thách thức:

- Sự trì trệ bảo thủ của không ít cán bộ thời bao cấp.

- Giá lương tiền không ổn định, vật tư và hàng hoá khan hiếm tác động xấu đến đời sống của xã hội.

- Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp: hạn hán và rét đậm kéo dài trên diện rộng. Cơn bão số 3 tháng 8/1987 tiếp đó là cơn bão số 6 tháng 9/1989 đã gây tổn hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

- Sự tan vỡ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, cùng với thuyết “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực chống phá cách mạng thế giới đã làm cho không ít cán bộ đảng viên hoang mang tinh thần, tư tưởng. Nhiều cơ sở có đảng viên bỏ nhiệm vụ, xin ra ngoài Đảng.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng đã xác định rõ, cách mạng Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, xác định lại niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong tình hình mới.

2. Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã hội

Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XIX (nhiệm kỳ 1986 - 1989) và Đại hội lần thứ XX (nhiệm kỳ 1989 - 1991) đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới là: “Tập trung sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến hiệu quả 3 chương trình kinh tế lớn, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển, ổn định từng bước và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu dân giàu nước mạnh, mở rộng dân chủ công khai, công bằng xã hội”.

Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thọ Xuân, Đảng bộ xã Thọ Lộc thực hiện quy chế dân chủ, đoàn kết trong toàn Đảng và nhân dân, phát huy sức mạnh của hệ thống tổ chức chính trị xã hội.

Tháng 3/1988, Đại hội Đảng bộ xã khoá XXI đề ra chương trình mục tiêu cụ thể để thực hiện ba chương trình kinh tế lớn.

Đại hội Đảng bộ khoá XXI bầu 5 thường vụ Đảng uỷ:

- Đồng chí Lê Tất Dinh - Bí thư Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Sỹ Tư - Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã

- Đồng chí Lê  Sỹ Hành - uỷ viên trực Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Trọng Tuỳ - Phó chủ tịch, Trưởng Công an xã

- Đồng chí Lê Hữu Dậy - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp.

Tháng 6/1994, Hội đồng nhân dân xã khoá XIV - cơ quan quyền lực ở địa phương - bắt đầu thực hiện chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch chuyên trách (thay cho thư ký hội đồng trước đây).

HĐND  xã khoá XIV bầu 20 đại biểu, trong đó:

- Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Bà Lê Thị Tấn - Phó chủ tịch HĐND

HĐND xã khoá XV bầu 21 đại biểu, trong đó:

- Bà Lê Thị Tấn - Bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Ông Lê Hữu Dậy - Phó chủ tịch HĐND

HĐND xã khoá XVI bầu 26 đại biểu, trong đó:

- Ông Lê Tất Thiệp - Phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Ông Lê Bá Biểu - Phó chủ tịch HĐND

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được củng cố và mở rộng.

- Tháng 12/1989 Hội Cựu chiến binh xã được thành lập (Ông Lê Sỹ Đàm được cử làm chủ tịch).

- Tháng 4/1996 thành lập hội  Người cao tuổi (Ông Lê Tất Lân được cử làm chủ tịch).

- Tháng 4/2011 thành lập hội khuyến học (Ông Lê Bá Việt được cử làm chủ tịch).

Để đảm bảo sự ổn định nâng cao hiệu quả lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức chính trị xã hội, từ năm 1994, thực hiện hiến pháp 1992 về nhiệm kỳ của HĐND - UBND, Đảng bộ khoá XX thực hiện nhiệm kỳ 5 năm, tiếp đó HĐND - MTTQ xã và các tổ chức chính trị xã hội của xã đều thực hiện theo luật định với nhiệm kỳ 5 năm.

3. Thành tựu phát triển về kinh tế

Ban Chấp hành Đảng bộ các khoá từ 1987 đến nay đã căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, dựa vào thực tế về nhân lực và nguồn lực của địa phương đã đề ra mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của xã.

Với phương châm đúng đắn, sự chỉ đạo kiên quyết của Đảng uỷ và chính quyền cùng với sự chung tay góp sức của các tổ chức chính trị xã hội, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, trải qua hơn 20 mươi năm đổi mới, xã Thọ Lộc đã đạt được những thành tựu nổi bật.

a. Trên lĩnh vực kinh tế

Về trồng trọt, trải qua 5 năm thực hiện chính sách khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương, xã Thọ Lộc cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, người nông dân rất phấn khởi hăng hái lao động trên đồng ruộng, tạo ra một khối lượng sản phẩm nông nghiệp đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế:

- Người nông dân chưa được thực sự làm chủ về đất đai và những tư liệu sản xuất khác.

- Mức khoán cao làm cho người lao động không còn phấn  khởi như những vụ đầu của cơ chế khoán sản.

- Cùng với thiên tai lũ lụt đã làm cho năng suất, sản lượng bị giảm sút, nhiều hộ gia đình khê đọng sản.

Trước tình hình đó, ngày 05 tháng 4 năm 1988 Bộ Chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành nghị quyết số 10-NQ/BTC về "đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" nhằm giải quyết nhu cầu bức bách trong nông nghiệp. Nghị quyết xác định mục tiêu chính là tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời đổi mới công tác quản lý nông nghiệp theo hướng xóa bỏ cơ chế tập trung quan lưu bao cấp, tạo điều kiện cho nông dân tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Nội dung nghị quyết 10 đề cập một cách toàn diện các khâu từ sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối lưu thông. Về tổ chức sản xuất chính thức thừa nhận khoán hộ cả về tư liệu sản xuất, về tổ chức phân công lao động và phân phối lưu thông sản phẩm.

Nghị quyết số 10-NQ/BTC của Bộ Chính trị thực sự giải phóng sức lao động cho nông dân, người nông dân có quyền lựa chọn cách tổ chức sản xuất và chủ động trong các khâu canh tác, đồng thời được quyền tự do đối với các sản phẩm làm ra sau khi làm nghĩa vụ đối với nhà nước và tập thể. Các quan hệ mua bán nông sản được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết số 10-NQ/BTC của Bộ Chính trị thực chất là một bước đột phá mới trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, làm tăng khối lượng lương thực thực phẩm góp phần thực hiện mục tiêu 3 chương trình kinh tế lớn.

Để khắc phục tình trạng trong sản xuất nông nghiệp, tháng 5/1988, Đảng bộ xã và Ủy ban nhân dân cùng các ban ngành của địa phương đã tổ chức quán triệt đến toàn thể nhân dân tinh thần nội dung Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 15 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (gọi là khoán 10) nhằm hoàn thiện chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Nếu trước đây thực hiện theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương là khoán định mức sản phẩm và chế độ công điểm trên đồng ruộng, chuyển sang khoán 10, khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là “khoán gọn” đến người lao động, bỏ chế độ công điểm. Người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất, có điều kiện mua sắm thêm công cụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng của mình.

Để thực hiện cơ chế khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp kiện toàn lại với phương châm tinh giản và có hiệu quả.

Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp cùng các đội sản xuất xây dựng và hoàn thiện phương án khoán vụ vụ mùa năm 1988, lấy đơn giá đầu sào, xác định đơn giá chi tiết giao khoán đến hộ và người lao động.

Việc thực hiện khoán 10 được đông đảo nhân dân hưởng ứng, người nông dân thực sự làm chủ về tư liệu sản xuất, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, do vậy năng xuất lúa năm 1988 trong toàn xã đã tăng từ 1,2 lần đế 1,5 lần so với những năm trước đó.

Tổng thu nhập lương thực toàn xã năm 1989 đạt trên 2.000 tấn, bình quân lương thực theo đầu người 300 kg/năm.

Phong trào thâm canh được mở rộng. Đến năm 1989, có 50 ha từ một vụ lúa trở thành hai vụ lúa; hơn 100 ha từ hai vụ lúa trở thành ba vụ (có thêm một vụ màu thu đông); 25 ha cồn bãi, đầm lầy được khai hoang và đưa vào canh tác.

Cũng trong thời thời gian này, Đảng ủy và chính quyền xã vận động một số hộ thực hiện chính sách “giãn dân”, đi khai phá đất hoang lập thêm 2 xóm mới.

- Xóm Cồn Bún (giáp xã Xuân Sơn) do ông Lê Tất Sử phụ trách, sau này được nhập về thôn 1.

- Xóm Cầu Rào (giáp xã Thọ Ngọc - Triệu Sơn) do ông Nguyễn Văn Vĩ phụ trách, sau này được nhập về thôn 10.

Ngày 25/11/1992 Tỉnh ủy Thanh Hóa ra chỉ thị số 07 chỉ đạo các cấp các ngành tổ chức giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh. Với tinh thần của chỉ thị 07 hộ gia đình được xem là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông nghiệp nông thôn.

Thực hiện chỉ thị 07 của Tỉnh ủy Thanh Hóa và sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, đầu năm 1993 Đảng ủy và UBND xã Thọ Lộc đã chỉ đạo các ban, ngành, các thôn tiến hành kiểm tra lại đất sản xuất nông nghiệp và thực hiện giao đất ổn định lâu dài cho các hộ sản xuất. Việc thực hiện giao đất ổn định lâu dài đã tạo điều kiện cho các hộ đầu tư để sản xuất kinh doanh từ đó xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân sản xuất giỏi.

Năm 1999, Thọ Lộc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, kết quả bước đầu đã xóa được những mảnh ruộng manh mún và tạo điều kiện kinh tế phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ.

Năm 2002, xã đã kiên cố hóa được 3 km kênh mương nội đồng, xây mới và nâng cấp hệ thống tưới tiêu cả trong làng và ngoài đồng.

Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải năng động, do không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới, Hợp tác xã tín dụng và Hợp tác xã mua bán phải ngừng hoạt động.

Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn tồn tại, qua nhiều kỳ Đại hội đã trở thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với vai trò đảm nhiệm hai khâu chủ yếu là bảo vệ và tưới tiêu.

Năm 2003, Huyện ủy ra Nghị quyết số 05 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến năm 2010 và Nghị quyết số 06 về xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/ năm.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, Đảng bộ xã Thọ Lộc khóa XXI đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng 7- 2- 1 (70% nông nghiệp - 20% tiểu thủ công nghiệp và 10% dịch vụ thương mại); đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân, từng bước đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đưa các giống lúa lai có chất lượng cao vào đồng ruộng (vụ chiêm xuân diện tích lúa lai chiếm 65%, vụ mùa đạt 70%). Vấn đề an ninh lương thực trong địa phương được đảm bảo và có lương thực bán ra thị trường.

Năm 2008, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân,  Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa lần 2 với tinh thần dân chủ công khai, kết quả là được đông đảo nhân dân đồng thuận, nhiều gia đình có từ 5 - 7  thửa ruộng  sau chuyển đổi chỉ còn 1 đến 2 thửa. Toàn xã trước chuyển đổi  có 8.094 thửa ruộng  nay chỉ còn 1.705 thửa bình quân 1,26 thửa/ hộ.

Từ kết quả của công việc dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hình thành cánh đồng mẫu lớn.

Kết quả về sản lượng lương thực năm 2005 đạt 3.116, 4 tấn, bình quân lương thực đầu người là 550 kg/năm.

Năm 2009 đạt 3.706 tấn, so với năm 2005 tăng 18,9%, bình quân lương thực đầu người là 651kg/năm, so với mục tiêu Đại hội đề ra là 3.500 tấn  tăng 5,9%.

Giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác năm 2005 đạt 24,4 triệu đồng.

Giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác năm 2009 đạt 51,0 triệu đồng, tăng so với năm 2005 là 109%, so với mục tiêu Đại hội khóa XXII đề ra là 39,8 triệu đồng tăng 28,1%.

Để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Đảng ủy và chính quyền xã đã vận động nhân dân đưa cây công nghiệp vào trồng ở những khu vực khó tưới nước, trong đó chủ yếu là cây mía.

Sản lượng mía nguyên liệu đạt bình quân 1.520 tấn/năm.

Năm 2006 đạt 480 tấn, đến năm 2009 đạt 1.600 tấn.

Giá trị sản xuất bình quân đạt 38,64 triệu đồng/ha, đạt 97,1% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ khóa XXII đề ra.

Kinh tế trang trại phát triển theo mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Trong toàn xã hình thành được 9 trang trại, trong đó 3 trang trại được huyện công nhận, có 2 trang trại thu nhập hàng năm đạt 70 triệu đồng trở lên.

Về chăn nuôi, thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hộ gia đình đã nhạy bén nắm bắt yêu cầu của xã hội, có kế hoạch chủ động vay vốn ngân hàng, huy động mọi khả năng về vốn của gia đình, đầu tư chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa. Sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành chăn nuôi đã bắt đầu được quan tâm chú ý chính vì vậy ngành chăn nuôi được phát triển rất mạnh mẽ từ khi thực hiện nghị quyết số 06 của Huyện ủy Thọ Xuân. Kết quả của việc đầu tư phát triển chăn nuôi đã mang lại một nguồn thu nhập rất lớn trong xã.

Tổng số đàn trâu bò năm 2005 là 633 con, năm 2009 là 409 con giảm so với năm 2005 là 244 con, tỷ lệ giảm là 35,4%. So với mục tiêu Đại hội đề ra là 660 con giảm 251 con, tỷ lệ giảm 38%.

Tổng đàn lợn năm 2005 là 1.647 con, năm 2009 là 2.788 con, tăng so với năm 2005 là 1.141 con, tỷ lệ tăng là 69,2%. So vói mục tiêu đề ra là 3.450 con giảm 612 con, tỷ lệ giảm 18%.

Tổng đàn gia cầm năm 2005 là 14.000 con, năm 2009 là 30.000 con, tăng so với 2005 là 16.000 con, tỷ lệ tăng 114,2%.

Chăn nuôi cá năm 2009 đạt gần 52 tấn.

Nguyên nhân chưa đạt được mục tiêu về lĩnh vực chăn nuôi mà đại hội Đảng bộ đề ra là do thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho việc chăn nuôi, bệnh dịch diễn biến phức tạp (bệnh lở mồm long móng ở trâu bò, bệnh dịch tai xanh ở lợn, bệnh dịch cúm ở gia cầm). Công tác phòng bệnh dịch cho chăn nuôi chưa có kế hoạch chủ động.

Tuy nhiên, xét về giá trị kinh tế, ngành chăn nuôi thực sự là một ngành có thu nhập lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Tổng giá trị thu nhập về chăn nuôi năm 2005 là 8,6 tỷ đồng, năm 2009 là 12,3 tỷ đồng, so với năm 2005 tăng 3,7 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 43,0%).

Bên cạnh nghành trồng trọt và chăn nuôi phát triển thì ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng được phát triển nhanh chóng.

Nghề khâu nón lá vẫn được duy trì ở nhiều hộ gia đình. Từ năm 2000 đến nay, khi đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp được hình thành đã thu hút lực lượng lao động ở nông thôn, do đó nghề nón lá chủ yếu là các bà, các chị hết độ tuổi lao động duy trì. Do tính chất của nền kinh tế thị trường, mọi nguyên liệu và sản phẩm nghề nón lá đều được giao dịch tại khu dân cư.

Các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại được phát triển trên địa bàn của xã từ lâu. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang làm một số nghề như thợ mộc, thợ xây, đan lát và mở cửa hàng tạp hóa.

Kể từ năm 1993, khi xã có điện lưới quốc gia, các nghề tiểu thủ công và dịch vụ phát triển một cách rất mạnh mẽ. Do hoàn cảnh địa lý và hoàn cảnh lịch sử, địa bàn xã Thọ Lộc từ trước đến nay không có chợ nhưng các ngã ba, ngã tư trong làng, xóm đều trở thành nơi trao đổi hàng hóa tấp nập, phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống nhân dân.

Đến năm 2009 các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã lôi cuốn hơn 500 hộ gia đình với trên 1.000 lao động trong đó:

- Số hộ làm nón là 416 hộ

- Nghề xay xát có 15 hộ

- Nghề vận tải có 9 hộ

- Nghề thợ mộc, thợ xây có 26 hộ

- Nghề dịch vụ thương mại có 32 hộ

- Nghề cơ khí có 2 hộ.

Giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng không ngừng tăng lên. Năm 2005 đạt 5 tỷ đồng, năm 2009 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng so với năm 2005 là 62%.

Bước vào thiên niên kỷ mới, nước ta  đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, do đó ở khu vực nông thôn bắt đầu chuyển dịch lực lượng lao động về các khu công nghiệp, nhất là các thành phố công nghiệp ở phía Nam.

Từ năm 2000 đến nay, số người trong xã đi làm ăn kinh tế ở xa hàng năm khoảng từ 800 đến 1.000 lao động, trong đó có khoảng 40% số lao động mang tính chất thời vụ, còn lại phần lớn là lao động lâu dài. Thu nhập hàng tháng của lực lượng lao động này tính từ năm 2000 là 800.000đ đến 2.000.000đ/ người, cá biệt có một bộ phận lao động có tay nghề kỹ thuật đã thu nhập khá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/ tháng.

Bên cạnh đó, một số người đi lao động ở nước ngoài do thực hiện chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ta, phần lớn họ là những người có nguồn thu nhập khá và ổn định.

Nguồn thu nhập của những người đi làm ăn xa và lao động ở nước ngoài gửi về trung bình hàng năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng đã giải quyết được nhu cầu xã hội rất lớn là việc làm và tăng thêm nguồn thu của nhiều hộ gia đình trong xã tạo nên một diện mạo mới của nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ năm 2005 đạt 2,145 tỷ đồng, năm 2009 đạt 4,4 tỷ đồng, tăng so với năm 2005 là 105,1%.

Cùng với sự phát triển về kinh tế trên nhiều lĩnh vực, sự tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã làm đổi thay bộ mặt của Thọ Lộc.

Đối với các hộ dân trong toàn xã, từ năm 1981 đến năm 2000, số nhà tranh dần dần được thay bằng nhà ngói xây kiên cố và bán kiên cố, nhiều hộ đã xây nhà 2 đến 3 tầng. Về cơ bản, đến năm 2004, Thọ Lộc đã xóa hết nhà tranh tạm bợ.

Đối với tập thể, năm 1993, xã tập trung xây dựng trạm biến thế điện với công xuất 320 kw, trị giá trên 230 triệu đồng. Ánh điện đầu tiên được thắp sáng ở xã ngày 19/5/1993, từ đó tạo ra một bước ngoặt lớn trong đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân trong xã.

Năm 1997 khởi công xây dựng trường trung học cơ sở với trị giá 620 triệu đồng do Công ty xây dựng C2 thi công và được khánh thành vào dịp khai giảng năm học 2000 - 2001. Đến nay ngôi trường đang tiếp tục hoàn thiện các phòng chức năng, khuôn viên sân trường. Xã cũng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng trường tiểu học, đồng thời hoàn chỉnh việc di chuyển xây dựng trường Mầm Non về khu trung tâm trường học.

Năm 2005, xã xây dựng nhà công sở với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.

Với tinh thần  tri ân những người con của xã đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, đầu năm 2005, xã đã khởi công xây dựng tượng đài liệt sỹ với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng và khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4- 2005).

Phát huy tinh thần dân chủ công khai, được sự đồng thuận cao của nhân dân, với phương châm tập thể và nhân dân cùng làm, xã đã hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đồng thời nâng cấp 3 trục đường đi lên khu vực nghĩa trang thuộc 3 khu. Hoàn thành hệ thống thủy lợi nội đồng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Riêng trong 5 năm 2005 - 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình phúc lợi dân sinh là 15 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nhân dân đóng góp 11 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng.

b.Trên lĩnh vực văn hóa xã hội

Trên lĩnh vực hoạt động văn hóa, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền xã, phong trào xây dựng cộng đồng khu dân cư văn hóa được đông đảo nhân dân ủng hộ. Phát huy tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Năm 2000, xã xây dựng điểm bưu điện văn hóa và đài truyền thanh xã. Điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhu cầu mượn đọc sách báo của công chúng, qua đó tìm hiểu về khoa học công nghệ, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến năm 2005, có 70% số hộ có máy thu hình, 60% số hộ có sử dụng máy điện thoại và 50% số hộ gia đình có xe máy. Đến năm 2010, máy thu hình chiếm tới 95% số hộ gia đình, 80% số gia đình có xe máy, sử dụng điện thoại thuê bao là phổ biến.

Phong trào xây dựng Làng văn hóa ngày càng lan tỏa trong đời sống của nhân dân. Cả 4 Làng Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng và Quả Hạ đã tiến hành khai trương xây dựng Làng văn hóa. Năm 2004, làng Cẩm long được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Năm 2010, Thọ Lộc có 825 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 58,89%, trong đó có 347 gia đình đạt “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục. Trường THCS đạt danh hiệu “Cơ quan văn hóa” cấp huyện.

Hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân có từ lâu đời, nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên có thời gian bị lãng quên. Dưới ánh sáng văn hóa của Đảng theo tinh thần nghị quyết TW5 khóa VIII, hoạt động văn hóa tinh thần được nhân dân trong xã khôi phục lại, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và nét đặc trưng của vùng quê trong đó nổi bật là hội Làng.

Hàng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, làng Quả Thượng tổ chức hội làng. Nhân dân trong xã và các địa phương ngoài xã đến dự vừa là yếu tố văn hóa tâm linh vừa là truyền thống tốt đẹp. Hội làng đã thu hút được đông đảo con em sinh sống và làm việc ở xa quê hương về dự.

Các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên và tổ chức vào những dịp lễ lớn và Tết cổ truyền dân tộc.

Phong trào thể dục thể thao cũng đã thu hút nhiều người tham gia. Đến năm 2008, có 25% số dân tham gia, đó là cơ sở để tổ chức thành công đại hội thể dục thể thao đầu năm 2009.

Trường trung học cơ sở nhiều năm đạt giải nhất, nhì trong các lần thi chạy Việt dã do huyện tổ chức, qua đó đã đóng góp được nhiều vận động viên cho đội tuyển của huyện và tỉnh.

Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, thực hiện Nghị quyết W5 khóa VIII, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội đã quan tâm đến phong trào giáo dục ở địa phương, đặc biệt là hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học đã thường xuyên phối hợp với các nhà trường để có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt được duy trì cả 3 trường học Mầm Non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, trường Mầm Non đã huy động được gần 100% số các cháu trong độ tuổi ra lớp và đã thực hiện chế độ bán trú. Hàng năm có tổ chức hội thi bé khỏe, bé ngoan, giáo viên thi làm đồ dùng, viết sáng kiến kinh nghiệm.

Trường tiểu học được đầu tư nâng cấp và mua sắm thêm các thiết bị dụng cụ dạy học, xóa bỏ tình trạng lớp học 3 ca, đưa các lớp lẻ tập trung về khu trường. Năm 1997, Thọ Lộc được công nhận hoàn thành phổ cập Tiểu học.

Trường THCS được đầu tư nâng cấp và phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt hàng năm đều đạt thành tích cao, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp và xét công nhận tốt nghiệp cơ sở nhiều năm đạt 100%. Nhiều giáo viên đã phấn đấu đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Năm 2004, xã được công nhận hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Đầu năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng bộ xã, Trường Trung học cơ sở được đón Bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia.

Số lượng học sinh thi trúng tuyển vào THPT hàng năm đạt trên 55%. Từ năm học 1998 – 1999, huyện  mở thêm trường THPT Bán công Lê Văn Linh, do vậy số học sinh của xã được trúng tuyển vào THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên 90%.

Tính đến năm 2005, Thọ Lộc có 276 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học đang công tác trên khắp mọi miền của đất nước.

Riêng năm 2004, Thọ Lộc có 35 học sinh trúng tuyển đại học. Trong 5 năm xã có 252 học sinh, sinh viên tham gia học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề (trong đó đại học có 96, cao đẳng có 76, trung cấp nghề có 80).

Trường Mầm Non và trường THCS nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện.

Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, công tác học tập cộng đồng được quan tâm phát triển. Trong thời gian 5 năm (2005 – 2010), chính quyền xã đã phối hợp với trung tâm dạy nghề Thọ Xuân mở 2 lớp thủ công mây giang xiên và 1 lớp sơ cấp tin học cho công chức, viên chức trong bộ máy làm việc của xã.

Lĩnh vực Y tế - Dân số và chăm sóc sức khỏe trẻ em có nhiều chuyển biến. Bước vào thời kỳ đổi mới, mạng lưới Y tế cơ sở ở vùng nông thôn nói chung và trạm Y tế của xã nằm trong tình trạng khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị Y tế và thuốc men thiếu thốn.

Được sự chỉ đạo của Phòng Y tế huyện, sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức ở địa phương, trạm Y tế của xã từng bước được nâng cấp và trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Năm 1997, trạm Y tế xã có bác sỹ về công tác. Năm 2000, xã đầu tư xây dựng nhà truyền thông dân số trị giá trên 50 triệu đồng.

Với phương châm giữ gìn vệ sinh khu cộng đồng dân cư, phòng bệnh là chính, cán bộ nhân viên trạm Y tế đã tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường.

Từ năm 2005 đến tháng 12/2009 đã vận động nhân dân xây được 45 nhà tiêu hợp vệ sinh, 150 giếng khoan, 172 nhà tắm. Đến năm 2010, toàn xã đã có 40% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 78,6% số hộ có giếng khoan, 47% số hộ có nhà tắm. Với những thành tựu về cơ sở vật chất, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ nhân viên trạm Y tế đã góp phần xây dựng chuẩn Y tế giai đoạn 2.

Công tác dân số và chăm sóc trẻ em được chú trọng quan tâm. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, trạm y tế đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức hội phụ nữ thường xuyên tổ chức giao lưu, mở hội hạnh phúc để giúp chị em nhận thức ý nghĩa của phát triển dân số gắn với phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên trong xã tương đối ổn định. Từ năm 2005 đến nay dân số phát triển tự nhiên ở mức 0,3%.

Việc chăm sóc trẻ em có chuyển biến tốt, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2005 là 22%, đến năm 2009 là 19%  (giảm 3%). Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong xã, sự nổ lực cố gắng phấn đấu của cán bộ nhân viên trạm y tế tháng 01/2006 UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp bằng công nhận xã đạt chuẩn Y tế Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010.

Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trạmY tế xã Thọ Lộc phấn đấu được công nhận đạt chuẩn Y tế quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày "Thầy thuốc Việt Nam" 27/02/2015.

Về thực hiện chính sách xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đều quan tâm, thực hiện tốt chính sách người có công theo quy định của nhà nước. Hàng năm tổ chức thăm hỏi tặng quà đối tượng người có công vào ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và Tết cổ truyền của dân tộc.

Năm 2004, Đảng ủy và chính quyền xã đã cấp đất cho 01 thương binh nặng là ông Lê Bá Quế và xây dựng nhà tình nghĩa trị giá 10 triệu đồng cho Bà Lê Thị Điếm có 2 con liệt sỹ.

Thọ Lộc là một trong những xã được huyện đánh giá thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Ngoài ra, trong thực hiện các chế độ chính sách khác của nhà nước, được sự hướng dẫn của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thọ Xuân, từ năm 2005 đến năm 2009, chính quyền và các ban ngành có liên quan đã đề nghị, làm thủ tục cho 378 người được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.

Công tác xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một vấn đề quan trọng của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ngày 25/01/2008 Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 04/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo. Chỉ thị nhấn mạnh: tiếp túc nghiên cứu tạo thêm chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhất là các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo, người nghèo. Gắn kết thực hiện chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo. Đa dạng hóa các phương thức huy động nguồn lực và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình 135 giai đoạn II.

Ngày 27/8/2008 chính phủ ban hành nghị quyết số 30A-2008/NQ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Nghị quyết 30A của chính phủ nêu rõ quan điểm: Xóa đói giảm nghèo nhanh là chủ trương lớn nhất quán của Đảng, nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính phủ Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng chính phủ, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy và UBND xã Thọ Lộc đã có kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trong địa phương.

Hàng năm, Đảng ủy, chính quyền và MTTQ xã chỉ đạo các thôn rà soát hộ nghèo một cách công khai dân chủ. Thông qua chính sách vay vốn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ gia đình đã vươn lên và thoát nghèo. Kết quả là năm 2005 toàn xã có 214 hộ nghèo, chiếm 21,5%, đến năm 2009 còn 164 hộ, chiếm 11,2% (giảm 50 hộ). Cuối năm 2014,  tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 5%.

4. Nhiệm vụ  Quốc phòng- An ninh

Nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt trú trọng trong thời kỳ đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, lợi dụng sự tan vỡ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, các thế lực thù địch tập trung lực lượng chống phá các Đảng Cộng sản và các nước Xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, chúng đẩy mạnh các hoạt động “Diễn biến hòa bình”, đòi “Đa nguyên đa đảng” nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng còn dung túng cho các thế lực phản động trong và ngoài nước gây bạo loạn, lật đổ làm cho công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta đứng trước nhiều khó khăn phức tạp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Thanh Hóa, Huyện ủy Thọ Xuân đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ, toàn quân và dân ta tăng cường tiềm lực Quốc phòng - An ninh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XX nêu rõ 4 vấn đề cơ bản về nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh trong tình hình mới:

- Đảm bảo ổn định chính trị, củng cố vững chắc khối đại kết toàn dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng đập tan mọi hành động chống phá của các thế lực phản động và tội phạm.

- Xây  dựng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách vững mạnh toàn diện làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội, củng cố tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và thực hiện quy chế nông thôn.

- Củng cố khối nội chính vững mạnh về mọi mặt, có chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức giải quyết nhanh, gọn các vụ việc xảy ra trong mọi tình huống.

- Quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an cơ sở có chất lượng ngày càng cao. Có chính sách xây dựng quỹ Quốc phòng - An ninh trên cơ sở đóng góp của nhân dân và tập thể nhằm giải  quyết chế độ cho lực lượng Quốc phòng - An ninh làm nhiệm vụ.

*Về công tác Quốc phòng

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã củng cố lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng trung đội mạnh đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong mọi tình huống .

Quản lý tốt quân dự bị động viên, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ theo kế hoạch của ban chỉ huy quân sự huyện.

Thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, ban chỉ huy quân sự xã hàng năm rà soát đối tượng nam thanh niên từ 17 đến 27 tuổi chuẩn bị cho việc tuyển quân.

Từ năm 1991 đến năm 2010, Thọ lộc có 176 thanh niên nhập ngũ tham gia quân đội làm nhiệm vụ  bảo vệ Tổ quốc. Số thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự đã phát huy truyền thống của những lớp cha, anh đi trước nêu cao tinh thần ý thức kỷ luật và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ .

*Về an ninh

Đảng và chính quyền xã đã kiện toàn lực lượng công an viên, thành lập chi bộ công an, phát động nhân dân tham gia phong trào giữ gìn trật tự an ninh trong thôn xóm. Các tổ hòa giải ở thôn được thành lập trong đó ban công tác mặt trận ở thôn và tổ chức hội phụ nữ đóng góp một vai trò rất quan trọng.

Với tinh thần đấu tranh kiên quyết của nhân dân, được sự giúp đỡ của lực lượng công an chuyên trách, năm 2009 chính quyền xã đã xóa bỏ các tụ điểm cờ bạc trên địa bàn xã. Nhìn chung, công tác an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn xã được giữ vững không còn các tệ nạn xã hội mà nhân dân phải bức xúc . Thành quả đó đã tạo nên 1 không khí yên bình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

III. NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Nguyên nhân thành công

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển quê hương, góp phần  cùng cả nước tham gia cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân xã Thọ Lộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn là do những nguyên nhân sau:

- Nhân dân xã Thọ Lộc có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo đoàn kết và tin tưởng đối với Đảng và Bác Hồ.

- Kể từ khi thành lập chi bộ Đảng 1954 (đến năm 1962 là Đảng bộ), xã Thọ Lộc đã phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn của những thời kỳ lịch sử, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

- Thọ Lộc hội tụ được các yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, với  truyền thống văn hoá tốt đẹp Đảng bộ và chính quyền đã phát huy thành sức mạnh của quê hương trong quá trình đi lên của lịch sử.

2. Bài học kinh nghiệm.

- Nêu cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư để tạo nên sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay tinh thần đoàn kết đang được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ phát huy mạnh mẽ.

- Cấp uỷ Đảng chính quyền phải luôn luôn nắm bắt được những yêu cầu từ thực tiễn và đời sống của nhân dân, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước để đưa ra những mục tiêu nhiệm vụ sát thực với hoàn cảnh của địa phương.

- Nêu cao tính tự lực, tự cường, phát huy các yếu tố nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, chủ động đề ra những biện pháp phù hợp và tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.

*

*    *

Trải qua tiến trình hình thành và phát triển, Thọ Lộc là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa.

Nhân dân xã Thọ Lộc cần cù lao động sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Kể từ khi Đảng CSVN ra đời đầu năm 1930, nhân dân xã Thọ Lộc đã đứng lên cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tiếp đó cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp bùng nổ, nhân dân Thọ Lộc đã hăng hái đứng lên theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc với tinh thần trường kỳ kháng chiến. Đầu năm 1954 Đảng bộ xã Thọ Lộc được thành lập đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân đóng góp sức người sức của cho tuyền tiến cùng với quân dân cả nước làm nên một Điện Biên Phủ trấn động địa cầu, kết thúc nền thống trị của Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên đất nước ta.

Sau Hiệp định Giơ ne vơ tháng 7/1954 , nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Hơn 20 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ Đảng bộ xã Thọ Lộc đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ làm tròn nghĩa vụ của một hậu phương góp phần cùng với quân dân Miền Bắc chi viện hết mình cho tuyền tiến để làm nên một bản thiên anh hùng ca của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Sau khi đất nước thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, cán bộ nhân dân Thọ Lộc đã vượt qua những khó khăn thử thách để khôi phục phát triển kinh tế và xây dựng quê hương trong thời kỳ mới.

Phát huy truyền thống của quê hương trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc đang ra sức chung tay xây dựng Nông thôn mới làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
 Hiện nay xã Thọ Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 -2020.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

Lịch sử xã Thọ Lộc

Đăng lúc: 23/08/2017 10:16:17 (GMT+7)

Quá trình hình thành xã Thọ Lộc; công cuộc bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, Đế quốc Mỹ và xây dựng quê hương đất nước trong giai đoạn hiện nay

ĐẢNG ỦY – HĐND – UBND – UBMTTQ

Xà THỌ LỘC – HUYỆN THỌ XUÂN

 

 

 

 

LỊCH SỬ

XÃ THỌ LỘC

 

 

 

 

 

 

 

 

NHÀ XUẤT BẢN THANH HÓA - 2015
BAN CHỈ ĐẠO, SƯU TẦM, BIÊN SOẠN:

1. Lê Tất Thiệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã - Trưởng ban chỉ đạo

2. Phạm Xuân Minh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy - Phó ban

3. Lê Tất Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Phó Ban

4. Nguyễn Ngọc Thức - Phó Ban Tổ chức Huyện ủy, nguyên PBT, CT UBND xã

5. Lê Văn Phúc - UVTV, CT MTTQ xã

6. Hà Ngọc Sơn - UVĐU, Trưởng ban Văn hóa xã

7. Lê Hữu Vinh - UVĐU, Cán bộ văn phòng

8. Lê Minh Thái - Nguyên UVTV, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Thọ Xuân, nguyên Bí Thư, Chủ Tịch UBND xã

9. Lê Ngọc Long - Nguyên Trung tá Phó Tổng biên tập báo bồ đội Hóa Học, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thọ Lộc

10. Lê Thị Tấn - Nguyên Bí thư ĐU, Chủ tịch HĐND xã

11. Lê Hữu Dậy - Nguyên Phó Bí thư, chủ tịch UBND xã

12. Lê Minh Thực - Nguyên Giám đốc trung tâm chính trị huyện, nguyên UVTV ĐU xã

13. Lê Xuân Lục - Nguyên giáo viên sử học trường THPT Lê Văn Linh (Thọ Xuân).

 

CHỦ BIÊN

- Lê Ngọc Long 

- Lê Xuân Lục

THAM GIA BIÊN TẬP

- Lê Minh Thái:  Nguyên UVTV, Chủ nhiệm UBKT HU Thọ Xuân, Nguyên CT UBND, Bí thư Đảng ủy xã

                  

- Lê Hải Nam:

 

 

 

 

 

 

 

 

 


LỜI NÓI ĐẦU

Xã Thọ Lộc gồm 4 làng cổ (Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ) là nơi đất thiêng với nhiều điển tích, nhiều giai thoại mang đậm tính truyền thống nhân văn.

Đất đai trù phú, phì nhiêu. Con người cần cù sáng tạo đoàn kết, hiếu học, giàu nhuệ khí.

Từ khi lập trại, dựng làng, thành xã cho đến nay có biết bao biến cố thăng trầm nhưng nhân dân Thọ Lộc rất tự hào bởi đã đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Đảng ủy xã khóa XVI đã có chủ trương biên soạn lịch sử Đảng bộ và lịch sử xã nhà.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ xã (03/02/1930 - 03/02/2004) thực hiện nghị quyết Đảng ủy xã khóa XXI. Được Ban Tuyên giáo HU và phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân chỉ đạo giúp đỡ. Cuốn lịch sử xã Thọ Lộc (sơ thảo) đã ra đời và được đảng viên, nhân dân trong xã, các xã bạn, con em xã Thọ Lộc đang sinh sống ở khắp miền đất nước phấn khởi đón đọc.

Đảng ủy - UBND xã luôn tiếp nhận nhiều ý kiến tham gia góp ý cả về nội dung, hình thức và cung cấp nhiều tư liệu quý.

Thiết thực chào mừng 80 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2015). Ngày quốc khánh lần thứ 70 (02/9/1945 - 02/9/2015) và chào mừng Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIV (2015 - 2020). Đảng ủy xã đã có nghị quyết biên soạn và xuất bản cuốn: "lịch sử xã Thọ Lộc"

Tuy đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến từ các chi bộ, các tổ chức chính trị xã hội trong xã, các vị bô lão, lão thành cách mạng đảng viên, nhân dân trong và ngoài xã xong vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Nhân dịp xuất bản cuốn: "lịch sử xã Thọ Lộc" Đảng ủy - HĐND - UBND - MTTQ xã xin chân thành cảm ơn:

- Ban Tuyên giáo huyện ủy Thọ Xuân.

- Ban Nguyên cứu sưu tầm lịch sử của Đảng bộ các khóa từ  XVI đến XXIII.

- Các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể của xã qua các thời kỳ.

- Ban quản lý các làng văn hóa: Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ.

- Các bậc lão thành cách mạng, các bậc cao niên, đảng viên nhân dân trong xã, con em xã Thọ Lộc đang công tác và sinh sống ở khắp miền đất nước.

- Nhà xuất bản Thanh Hóa

Đã cung cấp tư liệu, sử liệu, giúp đỡ cả tinh thần,  vật chất và biên tập in ấn để cuốn "lịch sử xã Thọ Lộc" được ra đời.

Xin trân trọng giời thiệu cuốn "lịch sử xã Thọ Lộc" với bạn đọc.

 

                      Thọ Lộc, ngày       tháng     năm 2015

 

                                    BÍ THƯ ĐẢNG ỦY

                                 CHỦ TỊCH HĐND XÃ

                               TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO

 

 

 

 

                                            Lê Tất Thiệp
 Phần thứ nhất

VỊ TRÍ ĐỊA LÝ - QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

XÃ THỌ LỘC

1. Những làng cổ, nhiều điển tích, vị trí địa lý.

Thọ Lộc là một trong 41 xã, thị trấn của huyện Thọ Xuân, nằm cách thị trấn Thọ Xuân 6 km về phía đông. Vị trí địa lý khoảng 19,5 độ vĩ bắc, 105 độ kinh đông. Phía Đông giáp xã Xuân Lộc và xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn). Phía Tây giáp xã Nam Giang và xã Xuân Sơn. Phía Nam giáp xã Thọ Ngọc (Triệu Sơn) và phía Bắc giáp xã Xuân Phong.

Diện tích tự nhiên là 472,39 ha (trong đó 26,3 ha đang thuộc quyền quản lý của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá), diện tích canh tác 338 ha, bình quân 450 m2/ khẩu, diện tích đất thổ cư là 61,92 ha, còn lại là ao hồ 9,64 ha.

Dân số của xã hơn 6.000 người với hơn 1.500 hộ (số liệu năm 2014), được phân bố tương đối đều ở 12 thôn. Đảng bộ có 310 đảng viên, sinh hoạt ở 15 chi bộ (12 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học).

Thọ Lộc là vùng đồng bằng đất đai màu mỡ phì nhiêu, thời tiết hội đủ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, nhiệt độ trung bình 23,50C. Lượng mưa khoảng 1.950 mm, tập trung vào cuối hạ đầu thu.

Con Sông nhà Lê (nay gọi sông Hoàng) ở phía nam. Sông nhà Lê bắt nguồn từ vùng núi đồi thuộc xã Xuân Phú (Thọ Xuân), chảy qua địa phận các xã của huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn và nhập vào sông Yên ở ngã ba Yên Sở. Phần chảy qua Thọ Xuân dài 29km, còn gọi là sông Chủa. Gọi là sông Nhà Lê vì theo truyền thuyết thì vào đời vua Lê Thái Tổ đã cho đào sông để phát triển nông nghiệp và giao lưu kinh tế. Xưa kia, thuyền từ dưới xuôi vẫn lên được tới làng Đồng Bến của xã Xuân Thắng để mua bán và trao đổi hàng hóa, và là doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn.

Kênh Nam thuộc hệ thống thuỷ nông Bái Thượng ở phía Bắc và vệt ao hồ (dấu tích của vụ vỡ đê sông Chu từ xa xưa để lại) chạy giữa xã từ Tây xuống Đông rất thuận lợi cho việc tưới tiêu để gieo trồng hai vụ lúa, một vụ màu và nuôi thả thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ngoài 17 km đường liên xã liên thôn đã được bê tông hoá, Thọ Lộc còn có đường 506 (trước đây gọi là đường 47) từ thành phố Thanh Hoá lên đường Hồ Chí Minh chạy qua nên giao thông rất thuận tiện.

Cách đây gần 1.000 năm, xã Thọ Lộc có tên gọi là làng Quả, sau gọi là làng Quả Nhuệ (có di bản gọi là Cảo Nhuệ), thuộc Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá).

Những di chỉ, ngọc phả, thần phả, gia phả còn lưu lại đã khẳng định các làng trong xã: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng, làng Quả Hạ là những làng cổ. Mỗi tên làng, mỗi gốc cây cổ thụ, những sân đình, những mái chùa và từng dòng họ luôn gắn với những điển tích mang đậm tính dân gian.

Điển tích về cây Trôi làng Quả Hạ và Thành Hoàng Làng Quả Thượng đã minh chứng cho những ngày đầu lập làng.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có hai ông tên là Lý Ứng và Lý Lam quê tận xứ Đông (tỉnh Hải Dương), là tướng giỏi thời Lý rồi làm quan thời Trần, do thất sủng với triều đình đành chạy vào miền trong lánh nạn. Sau nhiều ngày đi bộ cho đến một chiều cuối thu, bụng đói, miệng khát, chân mỏi, hai ông dừng chân dưới một gốc cây Trôi to, họ ứa nước mắt nhìn nhau và ngửa mặt lên trời than: "Âu cũng là số trời định, chắc hai anh em mình không qua khỏi đêm nay".

Bỗng một cơn gió mạnh thổi qua, những quả Trôi vàng mọng rơi lộp bộp quanh gốc, hai ông nhặt đưa vào miệng nhai. Có ai ngờ vị chát, chua của trời và vị ngọt bùi của đất tụ vào trong quả đã mang lại sinh lực cho ông Ứng, ông Lam.

Sáng dậy hai ông trèo lên cây nhìn ra xung quanh, cảm nhận được đây là vùng đất quý, cây cối xanh tươi, chim thú từng bầy nên đã quyết định dựng lều lập trại.

"Đất lành chim đậu", dân tứ xứ cũng tìm về, cuộc sống lúc đầu khó khăn, thức ăn là hái lượm quả cây, bẫy bắt thú rừng, sau hai ông hướng dẫn cho mọi người trỉa lúa, trồng bông.

Đất không phụ lòng người, lúa mẩy hạt, bông trắng cành, đời sống ngày thêm no đủ, ai cũng mừng, cũng vui và quyết định đặt tên cho vùng đất này là Trại Quả (Quả có nghĩa là điểm dừng, là thành quả và cũng hàm ý nhắc đến những quả Trôi đã cứu sống ông Ứng, ông Lam).

Trải qua năm tháng chống chọi với hiểm họa của thiên nhiên và đấu tranh bảo vệ Trại, người dân Trại Quả luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường, giàu nhuệ khí nên đã đặt thêm chữ Nhuệ thành Trại Quả Nhuệ và sau này là làng Quả Nhuệ.

Dân mỗi ngày một đông, làng mỗi ngày một rộng, ông Ứng ông Lam chia làng ra làm hai, nửa Làng phía trên gọi là Quả Nhuệ Thượng, nửa làng phía dưới  gọi là Quả Nhuệ Hạ, về sau gọi tắt là làng Quả Thượng và làng Quả Hạ.

Những năm cuối đời, ông Ứng, ông Lam xuất gia nhập Phật, chuyên làm việc thiện. Đến đêm mùng 9, rạng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (không rõ năm nào), bỗng dưng sấm chớp ầm ầm, mưa rào sầm sập, hai ông bỏ làng, bỏ Am ra đi. Dân làng nháo nhác đi tìm, lần theo dấu vết đến một bãi rậm của làng Neo Trung (nay thuộc xã Bắc Lương) thì thấy một đống mối đùn to thành một cái gò. Biết hai ông đã quy tiên, ai ai cũng tiếc thương và tôn ông là Thành Hoàng Làng. Hiện ở Neo Trung nơi hai ông mất vẫn còn đền thờ và đình Quả Thượng vẫn còn lưu đôi câu đối:

"Tưởng Lý Phù Trần Chiêu Vĩ Liệt,

Xuất Thần Nhập Phật Diệu Huyền Cơ".

Làng Quả Hạ có hai đình liền kề nhau thờ Đức Thánh Cả và Đức Thánh Hai, được vua sắc phong là "Thượng Đẳng Thần" và "Phúc Long Tự". Trong đình có đôi câu đối:

"Hữu Xã, Hữu Dân, Nhất Phương Chúa Tể

Chí Công, Chí Chính Nhuệ Khí Lương Năng".

Thọ Lộc có gần 200 xứ đồng và mỗi xứ đồng đều có tên riêng, ví như đồng Nẫn (lúc đầu gọi là đồng Nân) là vùng đất lòng chảo rộng 40 ha. Gọi là đồng Nân vì dân làng ví nước đồng như một nồi nước nân (nước đồ xôi, đồ bánh) do nước ở đây rất độc bởi Hoàng Thái Hậu Phạm Thị Ngọc Hậu đã cho người chặt cây Lim về ngâm lấy gỗ xây điện Càn Long, lăng Cảnh Tỵ (nay thuộc làng Kim Bảng, xã Nam Giang) và chùa Cẩm Long. Do phạm huý hoặc Thổ ngữ vùng nên đổi chữ Nân thành chữ Nẫn. Hàng năm cứ đến ngày 12 tháng chạp làng lại trổ đồng, lấy cá ăn tết, những ngày trổ đồng trời rét căm căm. Thời Pháp thuộc đã xây cống tiêu ra sông Hoàng. Quá trình sử dụng cống bị hư, gần đây tỉnh đã cho xây lại cống mới.

Cồn Cá Gáy (cá Chép) giống hình một con cá Gáy, đuôi quẫy về làng Mỹ Hạt (xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn), đầu quay về làng Quả Hạ. Giai thoại kể rằng vào một mùa lụt lớn có một con cá Gáy bơi theo sông Hoàng bị mắc cạn chết ở đây, xác cá hoá thành cồn đất cao, dân hai làng Quả Thượng và Quả Hạ thường tập trung về đây vào những ngày nước cạn để đánh cá. Họ dùng những chiếc rập (một loại dụng cụ đan bằng nhợ, có quang bằng hai thanh tre chắc) dàn thành hai, ba hàng để vây bắt cá, trước khi xuống sông họ đều thắp hương khấn cầu may và khi đánh xong, những người đi bắt cá thường chọn những con cá gáy to nhất  đốt rơm nướng để cúng thần linh.

Xã Thọ Lộc có ba cây cổ thụ, một cây Trôi và hai cây Đa, mỗi cây đều có những điển tích khác nhau.

Cây Trôi và cây đa làng Quả Hạ xưa còn có tên là cây "Trấn Bắc" và cây "Bình Nam", ý nói không cho đạo tặc ở phía bắc và tà yêu ở phía nam vào làng.

"Cây Trấn Bắc, cây Bình Nam

Đã giúp Lý Ứng Lý Lam giữ làng".

Cây "Bình Nam" sau này dân làng quen gọi là cây Đa Quán Trống, bởi nơi đây trống vắng lại nằm trên trục đường chính từ Sim - Đà qua quán Cẩm lên Phủ huyện, khách đi qua thường bị cướp giật, quan Phủ phải lập trạm và cắt người canh, dùng trống đánh báo cho trạm trên trạm dưới biết để đón mỗi khi có khách qua.

Cây “Trấn Bắc” tức là cây Trôi được xem là nơi thiên địa giao hoà, nơi đã cải tổ hoàn sinh cho Lý Lam, Lý Ứng. Gốc cây to mấy người ôm mới xuể, cành lá xum xuê, thân cành cao vút, ở đoạn phân cành có một bọng nước trong vắt được gọi là giếng Tiên. Nhiều người còn quả quyết rằng vào những đêm trăng thanh vẫn thấy thấp thoáng các nàng tiên tắm trên đó. Quanh gốc cây Trôi thoáng sạch, tiện cho khách qua đường dừng chân và đây còn là nơi hò hẹn của nhiều cặp trai thanh gái lịch vào những đêm trăng đẹp trời.

Khi đào kênh Nam, không hiểu vì sự linh thiêng hay để bảo tồn một cây cổ thụ quý hiếm mà những người thiết kế đã phải nắn dòng để cây Trôi vẫn sừng sững án ngữ bên bờ Nam Kênh.

Còn cây đa Quán Cẩm và chùa làng Cẩm Long lại gắn với lịch sử thời Hậu Lê.

Chuyện kể rằng, ông Phạm Đình Kiên người vùng tổng Cốc, Phủ Lôi Dương, trấn Thanh Hoa và bà Chu Thị Loan người làng Văn Nghĩa, phủ Văn Giang, trấn Bắc Ninh kết duyên chồng vợ, sinh được hai người con gái sắc đẹp tựa tiên sa. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Thị Ngọc Hiền, Phạm Thị Ngọc Hậu. Không may gặp thời loạn lạc, bố mẹ mất sớm, chị em phải dắt díu nhau ra gốc Đa đầu làng dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai (có thuyết nói cha mất sớm, ba mẹ con dựng quán bán nước kiếm kế sinh nhai).

Vào một buổi chiều mùa hạ có một lữ khách đi qua, nhận ra vùng đất thiêng có dấu Ngọc Tỷ, ông khách đã dừng lại vào hàng uống nước. Khi thấy cô Hiền, cô Hậu, ông rất đỗi ngạc nhiên bởi vượng sắc hai cô rạng rỡ hiện lên khuôn mặt, ông bèn thử tài:

- Trời sắp tối rồi mà tôi thì lại đói, trong bị chỉ còn một bơ gạo chớp (một loại gạo đỏ cấy ở đồng sâu), nhờ hai cô nấu cho một bát cơm, một bát cháo và quạt cho một chiếc bánh đa, hết bao nhiêu bạc tôi cũng xin trả đủ.

Hai cô nhìn nhau cười và nhận lời. Mới khoảng nửa canh giờ, cô Hiền cô Hậu đã bưng mâm lên có đủ cơm, cháo, bánh đa lại thêm cút rượu, đĩa cá rô đồng kho tương thơm phức (cháo là nước chắt ra khi nồi cơm gần cạn, bánh đa là cháy nồi cơm khi đun thêm lửa).

Người khách gật đầu thán phục và không nề hà, xơi hết mâm cơm. Cơm nước xong xuôi thì trăng mười sáu đã trải vàng khắp vùng, người khách lấy từ chiếc bị cói ra một cuốn sách đã úa vàng, lần giở nhẩm đọc và bỗng dừng quay lại nói với hai cô:

- Bạc thì tôi không có nhưng tôi sẽ cho hai cô một thứ còn quý hơn vàng bạc nhiều. Khách dừng lời và đưa tay chỉ:

- Nơi đây có một con Rồng hoa đang nằm, miệng ngậm, đuôi cuộn ngọc tỷ (ý nói nơi đây là đất phát vương - Ngọc Tỷ là ấn vua), bây giờ tôi sẽ đưa hai cô tới nơi cải táng ông bà cụ, tuỳ hai cô lựa chọn:

hoặc "Nhất Đại Đế Vương"

hoặc "Bách Đại Công Khanh"

(Có bản chép "Nhất Giá Công Hầu, Nhất Giá Vương" nghĩa là một người lấy quan, một người lấy vua).

Sau một hồi lâu bàn định mà hai cô vẫn không thống nhất được với nhau, chị Hiền thích "Bách Đại Công Khanh", em Hậu muốn "Nhất Đại Bá Vương", khiến khách phân vân đành phải dàn hoà:

- Thôi thì cô Hiền hưởng đức mẹ "Bách Đại Công Khanh", còn cô Hậu hưởng lộc cha "Nhất Đại Bá Vương", và khách dắt hai cô đến nơi cải táng. Chỉ xong ông khách xách bị cói thong thả đi về phía bắc. Có người nói vị khách ấy chính là Thầy địa lý Cao Biền, chẳng biết có đúng hay không nhưng những lời phán của ông sau này đã trở thành linh nghiệm, người chị Phạm Thị Ngọc Hiền lấy Lê Hiệu (Sinh năm 1617), quê thôn Trường Sơn, xã Quang Trung, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đậu Hoàng Giáp Đồng Tiến Sỹ khoa thi Quý Mùi (1643), làm tới chức Công Hầu Huỳnh Bộ Thượng Thư, tước "Phương Quế Hầu". Khi chết được vua sắc phong "Nghiêm Minh Hùng đoán - Thông Đạt Đại Vương" (Lê Hiệu là con trai Lê Kính sinh năm Đinh Hợi (1587), Đậu Đệ Tam giáp đồng Tiến Sỹ, khoa thi Kỷ Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ XX. Lê Kính làm đến chức Công Bộ Thượng Thư, khi chết được phong hàm Thái Bảo, tước Thạc Quân Công), vợ chồng tể tướng Lê Hiệu sinh được 12 người con, người nào cũng học cao, con đường công danh thành đạt.

Người em Phạm Thị Ngọc Hậu sinh vào giờ Mão (25/ 4 năm Ất Hợi), được vua Lê Thần Tông tuyển vào cung làm phi và chỉ một năm sau sinh được Thái tử Lê Duy Vũ. Lê Thần Tông mất, thái tử Vũ mới lên 7 tuổi, được kế vị vua cha, phong cho mẹ là Hoàng Thái Hậu. Hoàng Thái Hậu có công lớn bởi giúp vua con nhiếp chính. Bia công đức Trường Lưu ở Lăng Cảnh Tỵ ghi: "Nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái Hậu, Huyền Tông Hoàng Đế trở thành vị vua hiền tài, trị Quốc bình yên, chu toàn lễ nhạc".

Lê Huyền Tông trị vì được 9 năm thì băng hà, chưa kịp lập Hoàng Hậu. Văn tế ở nhà thờ tổ họ Lê (bản khắc gỗ) ghi: "vì ông ngoại họ Phạm không có người thừa tự nên Hoàng Thái Hậu đã bàn với chị gái (bà Hiền) cho người con thứ của tể tướng, đổi họ thành Phạm Đình, tức Phạm Đình Công về quê ngoại là làng Quả, Phủ Lôi Dương, Trấn Thanh Hoa lo việc hương hoả".

Lăng Cảnh Tỵ nằm ở phía bắc làng Quả Thượng chừng 500 m. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: "Tháng 11 ngày 13 năm 1671, linh cữu Hoàng đế được rước về chôn cất ở quê mẹ ở phía bắc làng Cảo Nhuệ (Quả Nhuệ ). Gần đây khi đào mương xây tường rào khu Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hoá đã phát hiện được mộ táng. Hiện phòng văn hoá Huyện Thọ Xuân đã cho vây bao thành Quách để bảo vệ.

Điện Càn Long cách chùa Cẩm Long chừng 600m về phía Tây. Điện đã bị phá chỉ còn nền móng. Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh đã có quyết định tôn tạo lại. Trong khuôn viên của điện còn một tấm bia đá bốn mặt có tên "Công đức Trường Lưu" (công đức được lưu truyền đời đời). Bia do nhóm danh sĩ thời Hậu Lê chế tác, dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1768).

Chùa Cẩm Long thuộc làng Cẩm Long (tên làng được cô Hiền, cô Hậu đặt sau khi cải táng mộ cha mẹ, Cẩm Long có nghĩa là con Rồng Hoa).

Chùa là một kiến trúc đẹp nổi tiếng khắp vùng. Chùa có hai tầng, tám mái. Bốn mái tầng trên và bốn mái tầng dưới đều lợp bằng ngói mũi hài. Mỗi góc mái đắp một con Nghê, chính điện đắp mặt Hổ Phù.

Chùa do bà Hiền, bà Hậu đứng ra xây dựng, toạ lạc chính đầu con Rồng Hoa. Trước chùa có hai ao nước sâu thả sen gọi là mắt Rồng và một giếng nước (miệng Rồng), quanh năm không bao giờ cạn nước. Các cụ truyền lại ngày xưa những mùa hạn hán không chỉ dân Tổng Cốc mà dân hai tổng Bát Nạo và Nam Dương cũng phải về giếng Cẩm Long lấy nước ăn.

Chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều tượng Phật mang những điển tích khác nhau như: Thần Thiện, Thần Ác, Thần Béo, Thần Gầy (nhịn mặc để ăn, nhịn ăn để mặc)... Sau khi bà Hiền, bà Hậu mất, dân làng đúc tượng hai bà đặt ở Hậu cung để lễ cúng, hàng năm cứ vào rằm tháng 5 âm lịch làng tổ chức lễ Khánh Tán (lễ cầu mát, cầu may), khách thập phương đến dâng hương hoa cầu phúc lộc chen chân nhau suốt mấy ngày liền.

Thọ Lộc còn nhiều Đình, Chùa, Miếu  khác như Đình Chung, Chùa Thủ và các Văn Chỉ, Võ Chỉ.

Đình Chung là đình của hai làng Cẩm Long và Phúc Thọ, thờ một vị danh y người Hoa tên là Cao Sơn (Cao Hiển), có công chữa bệnh cứu sống nhiều người, vì là đình Chung nên khi xây dựng cũng chia mỗi làng một nửa thành ra cột kèo, gạch ngói...to nhỏ xấu tốt khác nhau. Hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng Giêng để cúng lễ. Năm nay Cẩm Long cúng sáng, Phúc Thọ cúng chiều thì sang năm ngược lại. Sau này dân Cẩm Long chủ yếu lên Chùa, ít xuống Đình, dần dà không ai gọi là đình Chung nữa. Đình Chung trở thành đình làng Phúc Thọ.

Chùa Thủ thuộc làng Quả Thượng, còn có tên là nhà Thánh Chùa Thủ, là Chùa đầu làng, khu nhà Thánh có thuyết nói rằng, thời đầu Pháp thuộc có người truyền Đạo Thiên Chúa tới định xây nhà Thánh nhưng dân trong làng không cho, cuối cùng việc xây Chùa và nhà Thánh không thành.

Thọ Lộc cũng có nhiều Văn chỉ, Võ chỉ ở các làng khác nhau. Võ chỉ xá làng Cẩm Long (có dị bản chép Quả Nhuệ Thượng) có một tấm bia đá 5 mặt do các ông Lê Sỹ Tuấn, Lê Văn Luận, Lê Đình Xích khởi xướng, tú tài Lê Xuân Quý soạn, thư lại Lê Sỹ Giới viết chữ, dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874). Bia chữ Hán khắc chân, không có hoa văn, gồm 39 dòng 850 chữ. Mặt 1 và mặt 2 khổ 41cm x 69 cm, các mặt 3, 4, 5 khổ 15cm x 71cm. Mặt 1 ghi: "Cùng các bậc trên dưới làng Quả, tổng Thượng Cốc, phủ Lôi Dương, dựng bia ghi việc ấp ta từ xa xưa, đã có những người theo nghiệp võ lập công cũng nhiều nhưng nơi thờ phụng và ghi công chưa có, nay lập võ chỉ là điều tất nhiên". Mặt 2,3,4 ghi tên tuổi những người đỗ cao trong các kỳ thi võ. Mặt 5 ghi tên tuổi những người góp công, của xây dựng bia.

Văn chỉ (Tu Tạo bi chí) cũng thuộc làng Cẩm Long do tú tài Lê Xuân Quý soạn. Nho sinh Lê Sỹ Đặng viết chữ, thợ đá Lôi Xuân Đài khắc chữ, dựng vào năm Tự Đức (1872). Bia có 3 mặt cùng khổ 47cm x 80cm, xung quanh diềm lượn sóng xoắn. Toàn văn chữ Hán khắc chân gồm 55 dòng 1.400 chữ. Nội dung nói lý do khắc bia tên tuổi những người trong làng (vùng Quả Nhuệ) đỗ đạt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và danh sách những người cung tiến dựng bia.

Trại Quả trở thành khu quần cư đông đúc sau khi Lê Lợi đại thắng quân Minh. Theo Lịch sử và sự phát triển của các dòng họ vùng Quả Nhuệ, chủ yếu là họ Phạm, sau là họ Lê (gồm con cháu vua Lê và những người được vua cho mang họ mình "Tứ Quốc tính").

Họ Phạm cũng chia ra làm nhiều chi như: Phạm Văn, Phạm Ngọc, Phạm Xuân, Phạm Lê (kết hợp giữa họ cha và họ mẹ), cành Phạm Lê tôn hai bà Ngọc Hiền và Ngọc Hậu là Mẫu Hậu. Riêng họ Lý đến nay không còn vì cả hai ông Lý Ứng và Lý Lam tu đời thành Phật không vợ con. Do cuộc sống mưu sinh, quan hệ xã hội hôn nhân gia đình đến nay Thọ Lộc có tới 14 họ và mỗi họ lại chia ra làm nhiều chi, cành khác nhau. Riêng họ Lê có Lê Hữu, Lê Viết, Lê Duy, Lê Bá, Lê Trọng, Lê Đình, Lê Ngọc, Lê Tất, Lê Sỹ, Lê Minh, Lê Xuân ...

Là xã thuần nông sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, khoai, gia cầm, gia súc mang tính tự cung, tự cấp. Từ khi có Đảng lãnh đạo việc gieo cấy, nuôi trồng từng bước theo hướng hàng hóa, phát triển thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Nghề phụ có chằm nón, trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, giờ có thêm nghề mộc, nghề nề, chế biến thức ăn gia súc gia cầm. Nhiều hộ có máy cày, máy bừa, xe cơ giới chở hàng, chở khách.

Ngày xưa quán nước dưới gốc đa Cẩm Long, chợ Đón giáp sông nhà Lê là nơi trao đổi nông sản, hàng hóa, nay các ngã ba, ngã tư trong xã trở thành tụ điểm giao thương, nhiều hộ đã có những sạp hàng buôn bán nhỏ.

Thọ Lộc là vùng đồng bằng chỉ có dân tộc kinh, nay theo chồng, theo vợ về ở rể làm dâu nên trong xã đã có thêm người Mường, người Thái...

Đạo phật có từ thời ông Lam, ông Ứng. Chùa, miếu, đình làng nào cũng xây. Ngoài thờ thần Hoàng, tượng Phật theo điển tích, mỗi nhà đều dành nơi trang trọng để thờ Táo công, ông bếp, thờ Bác Hồ và thờ cha mẹ tổ tiên.

Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, dân trong vùng chủ yếu học chữ nho, nho sinh Quả Nhuệ rất nhiều và cũng nhiều người đỗ đạt cao như Tiến sỹ Lê Tấn Tương, Tiến sỹ Lê Tấn Thiện (có văn bia ở Quốc Tử giám), Trạng nguyên Lê Trạc Tú. Các ông cử Đôn, cử Cung, Tú Thừa, Tú Bánh, Tú Hai...

Khá đông nho sinh vì tuổi cao và cả hận đời đốt lều chõng chạy ngang theo nghề thầy đề, thầy phán. Nhiều người tâm huyết với đạo nho về nhà mở lò dạy học đào tạo con cháu nên người như các thầy Đồ Nghạnh, Đồ Kê, Đồ Vệ, Đồ Nái... Những người cao tuổi đến giờ vẫn nhắc đến đám tang thầy Đồ Nghạnh, môn sinh đến chịu tang có hàng trăm người, câu đối khăn tang trắng xóa cả vùng nghĩa địa. Một số nho sinh học nghề bắt mạch kê đơn cứu người. Thầy Tấn được phong là ngự y (vì có công chữa khỏi bệnh cho vua), thầy Lỳ là một danh y chữa đau mắt nổi tiếng khắp vùng và nhiều thầy khác như thấy Cầu, thầy Vệ, thầy Khuông, thầy Chánh, thầy Thiềng...

Truyền thống hiếu học vẫn giữ được đến tận bây giờ (năm 1960 chỉ có 6 người học Đại học, hiện có trên 400 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học). Nhiều gia đình trong xã đã phổ cập Đại học.

Ngoài những ngày lễ tết theo âm lịch như tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Vu Lan (15/7), tết Trung Thu (15/8), giỗ tổ Hùng Vương (8/3), theo dương lịch như (30/4) Giải phóng Miền Nam (1/5), Quốc tế lao động (2/9) Quốc khánh... các làng còn có ngày lễ riêng:

- Làng Phúc Thọ mùng 10 tháng Giêng

- Làng Quả Hạ mùng 10 tháng 2

- Làng Quả Thượng 10 tháng 3

- Làng Cẩm Long rằm tháng 5.

Thọ Lộc còn có tục bái vọng nhau giữa các làng, tục thi làm cỗ, đánh đu, đấu vật, chọi gà... Các tục này sau Cách mạng Tháng 8/1945 không còn nữa, riêng chọi gà vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Phong trào văn hóa văn nghệ thời nào cũng sẵn. Những đêm trăng thanh gió mát, trai gái các làng rủ nhau hát đối bằng các làn điệu cò lả, trống quân. Mỗi làng còn có phường Bội, chiếu chèo sau có cả gánh hát cải lương. Tiếng hát mộc mạc, chân quê dẫu lúc bổng lúc trầm nhưng thời nào cũng có.

Năm 2002 đội văn nghệ làng Cẩm Long giành giải nhất Hội diễn văn nghệ các làng văn hóa vùng hữu ngạn Thọ Xuân.

Tiết mục hoạt cảnh thơ "Sức mạnh, lửa Rồng" của Ngọc Long được tặng huy chương vàng trong hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân. Tác giả Lê Văn Mạnh được tặng giải Ba của Đài tiếng nói Việt Nam về thi sáng tác câu chuyện truyền thanh.

Hiện cả 4 làng và 2 cơ quan trong xã đã khai trương xây dựng và được công nhận là làng, cơ quan văn hóa. Riêng làng Cẩm Long nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp huyện.

2. Quá trình hình thành và Thọ Lộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945-1954)

Những năm đầu của thế kỷ 20, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ hà khắc của giai cấp phong kiến, người dân Thọ Lộc cũng cùng chung cảnh khổ cực lầm than, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn tô tức, thuế khoá, phu phen tạp dịch. Nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình tự phát đã liên tiếp diễn ra ở các  làng. Tiêu biểu như việc phu làng Cẩm Long kiên trì mai phục, chém gãy chân quan Pháp gây chấn động cả vùng, hay vụ nông dân 2 làng Quả Thượng, làng Quả Hạ tổ chức cướp kho thóc làng Khổng (nay thuộc xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn) để chia cho dân nghèo, tri phủ Thọ Xuân phải đưa quân về đình Quả Hạ đàn áp.

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tổng Thượng Cốc được chia ra làm nhiều xã như: xã Quả Nhuệ, xã Đồng Tâm, xã Trung Thành... Xã Quả Nhuệ có 5 làng là: Kim Bảng, Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng, Quả Hạ. Ông Lê Bá Mông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến, ông Phạm Lê Câu là chủ nhiệm Việt Minh xã.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nhân dân xã Quả Nhuệ đã hăng hái thực hiện các nhiệm vụ chung của Cách mạng như chống giặc đói, diệt giặc dốt, tham gia tổng tuyển cử củng cố xây dựng chính quyền và chuẩn bị đối phó với giặc ngoại xâm.

Từ trong phong trào đã xuất hiện những nhân tố tích cực được giác ngộ, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đầu năm 1946, đồng chí Phạm Lê Câu, làng Kim Bảng và cuối năm 1946, đồng chí Phạm Ngọc Thuý và đồng chí Phạm Đình Đức làng Phúc Thọ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là ba đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quả Nhuệ được phép sinh hoạt chung với tổ Đảng làng Phú Liễm (nay thuộc xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn).

Tháng 2 năm 1947, xã Thọ Lộc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quả Nhuệ, Trung Thành và một phần của xã Đồng Tâm.

Lúc này xã Thọ Lộc có 17 làng, từ làng Kim Bảng xuống làng Phú Liễm.

Ông Mạnh Hinh, chủ tịch Uỷ ban xã Trung Thành làm Chủ tịch, ông Lê Bá Mông, Chủ tịch xã Quả Nhuệ làm Phó Chủ tịch, đồng chí Giang Đài được cử làm Bí thư Chi bộ xã.

Sau khi thành lập chi bộ, Đảng đã tích cực bồi dưỡng và kết nạp thêm nhiều đảng viên, trong số đó có các đồng chí Lê Công Thuận làng Quả Thượng, Lê Duy Hảo làng Phúc Thọ... Chỉ trong hai năm (1948 - 1949), chi bộ đã kết nạp được 40 đảng viên.

Tháng 6 năm 1950, đồng chí Lê Sỹ Ngãi Làng Quả Hạ được bầu làm Bí thư Chi bộ xã đến tháng 7 năm 1952, đồng chí được điều đi làm cán bộ giảm tô, khi nghỉ hưu, đồng chí Ngãi là Trưởng ban vật giá Tỉnh Thanh Hoá.

Do yêu cầu chung của nhiệm vụ cách mạng và để phù hợp hơn với việc quản lý hành chính, tháng 01 năm 1954, Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh Thanh Hoá quyết định chia xã Thọ Lộc ra làm 3 xã và cắt một số làng sang các xã khác.

Ba xã là Thọ Lộc, Xuân Lộc (nay thuộc huyện Triệu Sơn) và Xuân Thịnh (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Các làng về các xã bạn là Làng Cồn Chua (làng Đa) về xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn. Làng Phú Liễm về xã Thọ Thế (huyện Triệu Sơn), làng Bùn Rùn về xã Thọ Ngọc (huyện Triệu Sơn), làng Kim Bảng về xã Nam Giang.

Xã Thọ Lộc chỉ còn lại 4 làng: làng Cẩm Long, làng Phúc Thọ, làng Quả Thượng và làng Quả Hạ với 600 hộ, 2.326 khẩu.

Ngày 03/02/1954, Huyện uỷ Thọ Xuân quyết định thành lập Chi bộ xã Thọ Lộc với 48 Đảng viên, sinh hoạt ở 6 tổ đảng. Ban chấp hành chi uỷ gồm 5 người, đồng chí Lê Trọng Huỳnh làm Bí thư, đồng chí Lê Văn Tiền làm Phó bí thư, 3 chi uỷ viên là các đồng chí Lê Bá Chương, Lê Sỹ Hồng và Lê Tất Lân.

Về chính quyền, Uỷ ban hành chính kháng chiến có 7 uỷ viên, bà Lê Thị Tỵ làm Chủ tịch, 2 phó Chủ tịch là các ông Lê Khắc Minh và Đoàn Văn Chương, (ông Chương kiêm trưởng ban công an).

Uỷ viên Uỷ ban gồm các ông: Lê Văn Thân, Lê Sỹ Hồng, Lê Sỹ Đào, Lê Duy Phú. Các tổ chức chính trị trong xã cũng sớm được thành lập.

Mặt trận Liên Việt: Ông Lê Sỹ Hoà làm Chủ tịch, ông Phạm Ngọc Thiện Phó chủ tịch.

Hội Nông dân: ông Lê Minh Yên làm bí thư, ông Lê Đình Châu làm Phó bí thư.

Hội Phụ nữ: bà Lê Thị Điếm làm bí thư, bà Lê Thị Quyết làm phó bí thư.

Đoàn Thanh niên: ông Lê Xuân Son làm bí thư, ông Lê Văn Tuất làm phó bí thư.

Xoá bỏ đơn vị hành chính làng, chia xã ra làm 13 xóm.

Làng Cẩm Long gọi là xóm Cẩm.

Làng Phúc Thọ gọi là xóm Phúc.

Làng Quả Thượng chia làm 5 xóm là: xóm Đình, xóm Ải, xóm Đoài, xóm Đông, xóm Nam.

Làng Quả Hạ chia làm 6 xóm là: xóm Thượng, xóm Trung, xóm Bình, xóm Thuận, xóm Hoà, xóm Hạ.

Lúc này cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn cuối nhưng ngay từ khi cách mạng tháng Tám thành công, người dân các làng của Thọ Lộc đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, và trên tất cả, các nhiệm vụ đều lập thành tích tốt được cấp trên khen ngợi như:

Chống giặc đói: đây được xem là nhiệm vụ trung tâm trước mắt. Chi bộ Đảng và Uỷ ban hành chính kháng chiến xã đã chỉ đạo cho từng làng, họp dân vận động trưng thu, trưng mua thóc gạo của nhà giàu chia cho người nghèo, thu hồi đất công, đất vắng chủ, tổ chức khai hoang trồng lúa, khoai, rau ngắn ngày và phát động phong trào tiết kiệm, tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau nên cả xã đã vượt qua nạn đói năm 1945.

Diệt giặc dốt (phong trào bình dân học vụ): Đầu năm 1946, phong trào diệt dốt được tổ chức trong toàn xã với phương châm: "người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít". Các chùa đình và các gia đình có nhà rộng trở thành những lớp học chữ quốc ngữ. Ở các ngã ba, ngã tư và cổng làng đều có các chiến sĩ "diệt giặc dốt". Chỉ trong một thời gian ngắn, cả xã đã có gần 50% số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Ông Lê Duy Hợi được cử làm Trưởng ban bình dân học vụ. Đến năm 1953, ông Phạm Đình Chí được cử làm Trưởng ban.

Phong trào bình dân học vụ vẫn được duy trì cho đến những năm 1960. Nhiều chiến sỹ "diệt giặc dốt" sau trở thành những cán bộ giáo viên ngành giáo dục. Hiện trong xã có hơn 100 cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục, nhiều thầy cô giáo nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia vào phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương.

Hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng: cùng với nhân dân Thọ Xuân thực hiện sắc lệnh của Chính phủ về xây dựng quỹ độc lập, hưởng ứng tuần lễ vàng, tuần lễ đồng, nhân dân Thọ Lộc đã tình nguyện tháo khuyên tai, nhẫn vàng ủng hộ quốc gia. Danh sách những người góp nộp và số lượng chung đã bị thất lạc nhưng chỉ tính riêng làng Quả Thượng đã có 13 đôi khuyên tai vàng, xã nộp lên huyện 300 kg đồng. Ngoài ra nhân dân còn tích cực mua "công phiếu quốc gia", "trái phiếu Chính phủ". Riêng đợt ủng hộ thóc khao quân, Thọ Lộc đã góp 300 kg, được huyện, tỉnh biểu dương khen thưởng.

Phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu:

Tháng 12 năm 1946, một tiểu đội dân quân du kích do đồng chí Lê Ngọc Trạch chỉ huy đã góp phần bao vây tiêu diệt ấp Di Linh do Cả Bân cầm đầu. Trận này Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Thanh Hoá đã huy động dân quân 3 huyện Thọ Xuân, Nông Cống và Thiệu Hoá đi phá ấp. Đây là căn cứ phản động của Nhật – Pháp. Tiểu đội dân quân Thọ Lộc ở mũi thứ hai do đồng chí Hoàng Duy Ngữ, đồng chí Lê Xuân Tại và ông Đột Huân phụ trách. Đồng chí Ngữ dùng kiếm chém què chân ngựa của Cả Bân. Cả Bân bị bắt, ấp Di Linh được giải phóng.

Sau chiến thắng này, trung đội dân quân du kích xã Quả Nhuệ được thành lập, do đồng chí Phạm Lê Tích - uỷ viên quân sự xã làm trung đội trưởng. Trung đội vừa cơ động làm nhiệm vụ chung của huyện, vừa tuần tra canh gác bảo vệ chính quyền và nhân dân trong xã.

Cuối năm 1946, đồng chí Phạm Ngọc Thuý (làng Phúc Thọ), được điều vào trung đội bộ đội chủ lực huyện. Cuối năm 1947, đầu năm 1948, nhiều thanh niên trong xã đã hăng hái tòng quân giết giặc.

Tháng 5 năm 1951, gần 100 dân công Thọ Lộc tham gia phục vụ chiến dịch Hoà Bình với thời gian 4 tháng. Ngoài ra còn nhiều đợt dân công ngắn ngày như vận chuyển muối ở Kim Tân (Thạch Thành), chuyển vũ khí qua sông Chu cho Đại đoàn 308.

Tháng 12 năm 1949, chỉ trong một đêm, gần 300 dân quân và dân công Thọ Lộc dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Cần, huyện đội trưởng Thọ Xuân đã di chuyển an toàn máy móc của xưởng Bình Tứ từ Xuân Hoà về Thọ Lộc.

Đầu năm 1954, một trung đội xe thồ 20 người do ông Phạm Xuân Thanh phụ trách tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, đồng chí Lê Sỹ Thân đã anh dũng hy sinh trên đường vận chuyển vũ khí, lương thực ra mặt trận.

Ngày 19/12/1953, Thọ Lộc có 20 người đi thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ (huyện Thọ Xuân có 350 người chia làm 3 đại đội, trong số này có hơn 50% sau chuyển sang quân chủ lực).

Với luỹ tre ken dày bao quanh làng và tấm lòng đoàn kết thương yêu nhau, Thọ Lộc trở thành một hậu phương vững chắc, một hậu cứ an toàn. Đã từng nuôi dưỡng chở che nhiều cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong những ngày gian khó,  ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp.

 Những ngày đầu đánh Pháp, Thọ Lộc cùng với các xã bạn trong vùng là nơi ở của Khu uỷ và Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên khu 4. Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Bí thư Quân khu uỷ đã nhiều lần diễn thuyết và uý lạo binh sỹ ở đình Quả Hạ và đình Quả Thượng.

Tháng 5 năm 1946, lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ tiểu đội, trung đội được tổ chức tại đình Quả Hạ. Lớp do ông Hoàng Văn Ngữ, uỷ viên quân sự huyện phụ trách, ông Đội Huân là giáo viên quân sự, ông Cao Xuân Dũng là giáo viên võ thuật. Đây là lớp cán bộ quân sự đầu tiên của huyện Thọ Xuân và các huyện bạn, nhiều học viên sau này đã trở thành cán bộ trung cao cấp trong quân đội.

Tháng 11 năm 1948, sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng, tư lệnh Liên khu 4 Nguyễn Sơn đã ở nhiều ngày tại gia đình ông Lê Duy Hợi (làng Phúc Thọ) và gia đình ông Lê Sỹ Hựu (làng Quả Hạ) để chỉ huy bộ đội.

Năm 1949  - 1950, Công an và Toà án Liên khu 4 đã đóng quân tại làng Quả Thượng.

Trong các năm 1952 - 1953 - 1954, trường Đào Duy Từ (trường cấp 2 - cấp 3 của Tỉnh) đã về ở tại Thọ Lộc (Đình Quả Hạ được dành cho học sinh lớp nhất). Nhiều học sinh học ở đây sau này đã trở thành uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng.

Năm 1949 -1950, xưởng cơ giới Bình Tứ đặt ở làng Quả Thượng. Nhiều vũ khí đạn được chế tạo ở đây đã góp phần tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Thọ Xuân 2 lần sơ tán về Thọ Lộc, lần đầu là năm 1949, lần 2 là năm 1953.

Năm 1952 Thọ Lộc tiếp nhận cô nhi viện (trẻ mồ côi ) đóng ở đình Quả Hạ.

Năm 1953 - 1954, xưởng quân được Liên khu 4 sơ tán về làng Cẩm Long.

Đặc biệt là từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 5 năm 1950, Đại hội huyện Đảng bộ Thọ Xuân lần thứ 3 được tổ chức tại đình Quả Hạ. Về dự đại hội có 129 đại biểu. Đồng chí Đinh Nho Liêm, phó bí thư tỉnh uỷ về chỉ đạo đại hội. Đại hội đã bầu  17 đồng chí vào ban chấp hành huyện uỷ. Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được bầu làm bí thư, đồng chí Hà Trọng Hoà là phó bí thư huyện uỷ.

Tháng 10 năm 1953, Đại đoàn 308 (nay là sư đoàn quân tiên phong) đã về đóng tại xã Thọ Lộc để "rèn cán chỉnh quân" trước khi lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ năm 1947 đến năm 1954, Thọ Lộc còn là nơi tiếp nhận nhân dân tản cư từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình vào. Nhiều gia đình định cư cho đến tận bây giờ.

Tổng kết 9 năm chống Pháp, Thọ Lộc rất tự hào là một hậu phương vững chắc, nơi cất giấu chở che nhiều cơ quan đơn vị, đóng góp hàng ngàn ngày công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, có 155 người tham gia bộ đội và thanh niên xung phong (trong đó có 14 liệt sỹ, 20 thương, bệnh binh), nhiều người sau này là cán bộ trung cao cấp trong quân đội, công an và các ngành khác như Đại tá Phạm Ngọc Thuý (Cục chính trị quân chủng hải quân), Đại tá Lê Sỹ Oánh (Hiệu trưởng Trường quân chính quân đoàn I), Đại tá Lê Ngọc Diêu (Phòng cơ yếu Bộ Nội vụ), Lê Bá Duyên (Phó chánh thanh tra Bộ Xây dựng), Phạm Xuân Chương (Giám đốc Ngân hàng tỉnh Sơn Tây), Lê Lân (huyện đội trưởng huyện Triệu Sơn), Lê Văn Lân (Chính trị viên huyện đội Cẩm Thuỷ)…

Nhiều đồng chí phục viên về địa phương tiếp tục hoạt động trở thành những cán bộ chủ chốt của xã như đồng chí Lê Đình Cổn (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã), Lê Tất Côi (Chủ tịch Hội Nông dân xã).

Thọ Lộc được Đảng, Nhà nước tặng hơn 200 huân, huy chương các loại và hàng ngàn bằng khen, giấy khen.

Tự hào với truyền thống lập trại, giữ làng, thành xã, người dân Quả Nhuệ trước kia và Thọ Lộc ngày nay đang phấn khởi vươn lên hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.


Phần thứ hai:

THỌ LỘC TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN

 CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

(1954 - 1975)

 

I. THỌ LỘC THỜI KỲ 1954 - 1964

1. Tình hình chung của xã sau năm 1954

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 buộc Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương, cách mạng nước ta đứng trước tình hình mới, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hoá đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở Miền Nam đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp. Chúng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm với mục đích biến Miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ cách mạng nước ta trong thời kỳ mới có hai nhiệm vụ cơ bản là: Xây dựng Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa và tiếp tục đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Nhân dân xã Thọ Lộc nói riêng cùng với nhân dân cả huyện và tỉnh Thanh Hoá phấn khởi trong không khí hoà bình, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế trong hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn.

Trước hết là các công trình đê đập bị hưng hỏng nặng trong thời kỳ kháng chiến. Năm 1952, Thực dân Pháp đánh phá đập Bái Thượng, diện tích gieo trồng bị giảm sút, nhiều nơi không sản xuất được bỏ hoang hoá. Lũ lụt vào đầu tháng 9 năm 1954 làm vỡ đê nhiều nơi ở hai bên bờ sông Chu gây khó khăn lớn cho đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhiều nơi lâm vào cảnh đói.

Về chính trị, trên Miền Bắc nói chung và trên quê hương Thanh Hoá nói riêng phải đối phó với tình hình chính trị phức tạp. Địch tìm mọi cách phá hoại bằng những thủ đoạn tuyên truyền nói xấu chế độ, dụ dỗ cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam, tiêu biểu là vùng Thiên chúa giáo ở Ba Làng Huyện Tĩnh Gia. Bọn địch tung tin đưa ra các luận điệu như Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống Miền Bắc, bên Lào hàng hoá dễ mua, Miền Bắc không được tự do tín ngưỡng, Chúa đã vào Nam phải theo Chúa vào Nam…

Âm mưu xảo quyệt  của kẻ thù làm cho nhân dân một số vùng công giáo trên địa bàn của huyện hoang mang tinh thần tâm lý. Trước tình hình đó Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá nêu cao tinh thần đoàn kết, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù bảo vệ thành quả cách mạng.

Thọ Lộc cũng không tránh khỏi những khó khăn chung, thực hiện chủ trương của Huyện về phát động phong trào ủng hộ đồng bào bị bão lụt với truyền thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, nhân dân Thọ Lộc đ㠓nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách”. Chỉ sau một tuần vận động, nhân dân Thọ Lộc đã đóng góp được một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt thiên tai đang gặp nhiều khó khăn.

2. Về khôi phục sản xuất

Theo kế hoạch khôi phục kinh tế của Chính phủ sau khi Miền Bắc được giải phòng, khâu sản xuất nông nghiệp được chú trọng trong đó phải khẩn trương tu sửa hệ thống đê đập bị hư hỏng trong thời kỳ chiến tranh.

Đập Bái thượng là một công trình thủy lợi lớn ở Thanh Hóa được chính quyền Pháp thiết kế và thi công nhằm mục đích khai thác và vơ vét nguồn lương thực của nhân dân ta. Công trình được toàn quyền Đông dương phê duyệt chính thức ngày 24/01/1918 và được khởi công ngày 28/3/1920. Trải qua 6 năm xây dựng ngày 10/01/1926 toàn quyền Đông dương cắt băng khánh thành công trình đập Bái thượng.

Cấu trúc của Đập dài 160m chân đập rộng 21m mặt rộng 3m, hai đầu của đập được dựa vào dãy núi vững chắc, nhờ đó đập có thể nâng mức nước từ 11m lên gần 17m. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng hệ thống bê tông cốt thép riêng đập đã sử dụng hết 5.600m3 bê tông, đắp 7 triệu m3 đất đá. Tổng chi phí cho toàn công trình là 4 .760.000 đồng bạc đông dương.

Năm 1952 giặc Pháp ném bom làm cho đập bị hư hỏng nặng nề, hơn 50 ha lúa của 6 huyện vùng hữu ngạn sông Chu thiếu nước gieo cấy phải chuyển sang trồng ngô khoai và rau màu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, xã Thọ Lộc đã huy động hơn 100 lao động tham gia tu sửa đập Bái thượng. Với tinh thần thi đua lao động không quản ngày đêm, chỉ sau một thời gian ngắn đã đắp được đập quai xanh ngăn dòng nước lũ để sửa đập. Ngày 13/7/1955 công trình tu sửa đập Bái thượng được hoàn thành trước thời hạn. Việc khôi phục tu sửa đập Bái thượng mang ý nghĩa to lớn trong đời sống và sản xuất của nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho hơn 50 nghìn ha đất canh tác của 6 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Nông Cống và Quảng Xương. Nhờ đó hàng năm trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã thu được 140 nghìn tấn lương thực trở lên.

Cùng với việc tham gia tu sửa công trình đập Bái thượng, cấp ủy Đảng và Chính quyền xã Thọ Lộc đã vận động nhân dân tìm mọi biện pháp để có nước sản xuất. Với khẩu hiệu "Vắt đất ra nước thay trời làm mưa" nhân dân trong xã đã khơi luồng lạch lấy nước từ ao hồ, đào thêm giếng khơi tìm mọi cách để có nguồn nước gieo cấy.

Công cuộc khai hoang phục hóa được mở rộng ở khắp các thôn trong xã. Kết quả chỉ sau một thời gian ngắn hàng chục ha đất bỏ hoang lâu năm cùng với gần 100 cồn bãi được nhân dân khai phá và đưa vào canh tác sản xuất.

Công cuộc khôi phục kinh tế, mở rộng khai hoang phục hóa đã làm cho đời sống của nhân dân trong xã giảm bớt khó khăn và dần dần được đi vào ổn định. Qua đó nhân dân trong xã đã phấn khởi lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

3. Tiến hành cải  cách ruộng đất

Công cuộc cải cách ruộng đất là một nhiệm vụ quan trọng sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc nhằm thực hiện khẩu hiệu chiến lược của  Đảng ta là “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng” .

Thực hiện sắc lệch cải cách ruộng đất của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 04/12/1953, cuộc cải cách ruộng đất ở huyện Thọ Xuân được chia làm hai đợt. Đợt 1 làm thí điểm 7 xã gồm: Thọ Lộc, Thọ Nguyên, Xuân Khánh, Xuân Phong, Xuân Tân, Xuân Vinh và Thọ Trường.

Là một xã được thực hiện thí điểm của Huyện và Tỉnh cho nên mọi việc phải thận trọng và chặt chẽ. Đội cải cách về xã dựa vào lực lượng nông dân nghèo là chính với phương châm ba cùng với nông dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc).

Công tác tuyên truyền vận động tổ chức nhân dân thấy rõ mục đích, chủ trương của Đảng trong công cuộc cải cách ruộng đất. Việc tổ chức họp dân chuẩn bị cho việc tố khổ (ôn nghèo kể khổ) là một việc rất quan trọng phải được tập duyệt chắc chắn.

Ban chấp hành chi bộ do đồng chí Lê Đình Hiệp làm Bí thư, đồng chí Lê Thị Mạnh làm Chủ tịch xã và 3 uỷ viên Lê Tất Lạc, Lê Tất Lân, Lê Sỹ Hồng cùng với 48 đảng viên trong toàn xã vừa là lãnh đạo vừa là lực lượng nòng cốt vận động nông dân đứng lên đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, cường hào ở nông thôn.

Tháng 5/1955, đồng chí Lê Đình Hiệp được điều động về Huyện uỷ làm Bí thư Huyện đoàn. Tháng 6/1955, đồng chí Nguyễn Văn Vẽ được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Kết quả trong cuộc cải cách ruộng đất nhân dân xã Thọ Lộc đã đánh đổ 31 địa chủ cường hào, thu gần 100 ha ruộng đất, hàng trăm gian nhà và nhiều trâu, bò, nông cụ chia cho các gia đình nông dân nghèo.

Thắng lợi của công cuộc cải cách ruộng đất trên toàn Miền Bắc nói chung và trên địa bàn xã Thọ Lộc nói riêng đã xoá bỏ quan hệ bóc lột phong kiến ở nông thôn, đưa người nông dân thực sự làm chủ trên đồng ruộng, đưa đến một luồng không khí mới phấn khởi tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ.

Công cuộc cải cách ruộng đất đã làm thay đổi đời sống kinh tế  xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chung trên toàn Miền Bắc và tỉnh Thanh Hoá, trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta có vi phạm những sai lầm như quy nhầm, quy oan cả những người kháng chiến; phương pháp đấu tranh chưa phù hợp, chưa thể hiện tính nhân văn, điều đó đã gây ảnh hưởng tới sự đoàn kết trong Đảng và trong quần chúng nhân dân.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng đã kịp thời phát hiện và tiến hành sửa sai. Đầu năm 1956 cả tỉnh học tập chủ trương của Đảng và thư của Hồ Chủ Tịch về nhiệm vụ sửa sai trong cải cách ruộng đất.

Sau khi tiếp thu chủ trương ở hội nghị mở rộng của huyện Thọ Xuân, tháng 10/1956, đồng chí Lê Sỹ Phương - Bí thư chi bộ, đồng chí Phạm Đình Long - Phó bí thư - Chủ tịch uỷ ban hành chính xã cùng 5 uỷ viên triệu tập hội nghị chi bộ để bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên để tiến hành sửa sai.

Thọc Lộc là một trong những xã thực hiện điểm của Huyện cho nên đã hạn chế được nhiều sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Kết quả sau sửa sai có 14 gia đình được hạ thành phần (chiếm 45% số địa chủ trong toàn xã), từ đó khôi phục được tình làng nghĩa xóm, xây dựng lại khối đoàn kết trong chi bộ và quần chúng nhân dân, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

4. Phát triển kinh tế và thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về cải tạo kinh tế, tháng 5/1958, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ  V  xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể dưới hình thức thành lập các tổ đổi công, chuẩn bị cơ sở để xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp.

Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong xã xây dựng nhiều tổ đổi công với quy mô khác nhau, phổ biến là có từ 5 - 15 hộ gia đình xây dựng thành một tổ.

Với việc hình thành các tổ đổi công trong xã, nhân dân Thọ Lộc đã xây dựng được phong trào đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong công việc thuỷ lợi, phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật thâm canh sản xuất.

Trong phong trào thi đua sản xuất, đã xuất hiện những tấm gương  tiêu biểu trong xã điển hình là Bà Lê Thị Phẩm ở xóm Nam (thôn 4) với kinh nghiệm thâm canh cây lúa nước bà đã sử dụng bùn ao phơi khô đập nhỏ để bón ruộng. Vụ lúa chiêm xuân năm 1958 gia đình bà đạt đượcnăng suất rất cao, nhiều gia đình và các tổ trong xã đến học tập. Bà được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1958.

Cuối tháng 5/1958, chi bộ Đảng Thọ Lộc tổ chức Đại hội tại Làng Cẩm Long. Đồng chí Lê Công Thuận được bầu làm Bí thư, đồng chí Phạm Đình Long được bầu làm Phó bí thư - Chủ tịch Ủy ban hành chính xã cùng với 5 uỷ viên. Chi bộ Đảng đã vận động nhân dân toàn xã tiến hành công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp. Đầu năm 1959, Thọ Lộc bắt đầu tiến hành xây dựng điểm một Hợp tác xã nông nghiệp ở xóm Bình lấy tên là Hợp tác xã  Quyết Tiến do ông Lê Tất Học làm Chủ nhiệm và ông Lê Minh Yên làm Phó chủ nhiệm.

Cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp bước đầu gặp nhiều khó khăn trở ngại do tính tư hữu và tư tưởng sản xuất nhỏ của phần lớn nông dân. Lúc đầu chỉ có 15 hộ gia đình tham gia (chiếm 0,18% số hộ nông dân trong toàn xã).

Do sự chỉ đạo kiên quyết của cấp uỷ Đảng và chính quyền xã cho nên vụ sản xuất chiêm xuân 1959 thu được kết quả rất khá, điều đó khẳng định tính ưu việt của nền kinh tế tập thể trong nông thôn.

Đến giữa năm 1959 phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở Thọ Lộc được phát triển rất mạnh mẽ.

Có 6 Hợp tác xã nông nghiệp mới được xây dựng đó là:

1. Hợp tác xã Tiền Phong (Làng Cẩm Long) do ông Lê Viết Mùi làm Chủ nhiệm và ông Lê Viết Hiếu làm Phó chủ nhiệm.

2. Hợp tác xã Phúc Tiến (Làng Phúc Thọ) do ông Phạm Ngọc Tiến làm Chủ nhiệm và ông Phạm Đình Thanh làm Phó chủ nhiệm.

3. Hợp tác xã Quyết Thành (Xóm Đình) do ông Lê Ngọc Thư làm Chủ nhiệm và ông Lê Ngọc Trạch làm Phó chủ nhiệm .

4. Hợp tác xã Thành Công (Xóm Thượng và xóm Trung) do ông Lê Tất Huê làm Chủ nhiệm và ông Lê Tất Sử làm Phó chủ nhiệm.

5. Hợp tác xã Quyết Thắng (Xóm Thuận và xóm Hoà) do ông Lê Tất Côi làm Chủ nhiệm và ông Lê Sỹ Câu làm Phó chủ nhiệm.

6. Hợp tác xã Quyết Thắng (Xóm Hạ) do ông Lê Sỹ Vẽ làm Chủ nhiệm và ông Phùng Văn Bá làm Phó chủ nhiệm.

Đến tháng 12/1959, xóm Đoài và xóm Ải được xây dựng thành Hợp tác xã Thắng Lợi do ông Lê Ngọc Chức làm Chủ nhiệm và ông Phạm Xuân Thanh làm Phó chủ nhiệm.

Như vậy trong vòng một năm (từ tháng 1/1959 đến tháng 1/1960), xã Thọ lộc đã cơ bản hoàn thành cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp.

Kết quả đã xây dựng được 8 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, lôi cuốn 717 hộ nông dân vào con đường làm ăn tập thể (chiếm 97,9% tổng số hộ trong toàn xã). Sự thành lập các hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra những thuận lợi mới trong quá trình sản xuất. Công tác thuỷ lợi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, năng suất lúa được tăng từ 2,4 đến 3,5 tấn/ha, đời sống kinh tế của nhân dân trong xã  được cải thiện, nhiều gia đình mua sắm được những phương tiện phục vụ cho sản xuất và đời sống như xe đạp, giường, tủ, đài thu thanh…

Đời sống xã hội cũng có nhiều thay đổi, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, bảo thủ, lạc hậu bị đẩy lùi, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó với nhau.

Cùng với việc phát triển nông nghiệp là chính, các nghề truyền thống của địa phương cũng được chú ý trong nhân dân.

Trước hết là nghề chăn nuôi nói chung, trong đó chủ yếu là chăn nuôi lợn nái được phát triển nhiều hộ gia đình đã đầu tư cho việc chăn nuôi lợn nái đảm bảo có thu nhập khá trong gia đình .

Nghề thủ công truyền thống được phát triển trong đó nổi bật là nghề khâu nón lá.

Nghề nón lá đã có từ nhiều năm trước đó ở Thọ Lộc nhưng lúc bấy giờ phát triển còn hạn chế, chỉ một số gia đình ở Làng Quả Hạ khâu nón lá xanh, nón vịt, mũ lá và may áo tơi lụi.  Từ năm 1947, do hoàn cảnh giặc pháp chiếm đóng đồng bào một số vùng ở đồng bằng Bắc bộ đã tản cư vào Thọ Xuân, một số gia đình làm nhà ở ven bờ sông kênh Nam thuộc địa bàn xã Thọ Lộc, họ mang theo một số nghề thủ công từ quê hương như kéo sợi, nghề dệt, nghề dệt vải, nghề mộc, nghề khâu nón lá trắng (nón lá Vinh, Nghệ An).

Ban đầu một số người Thọ Lộc thường đến gỡ lá thuê và sau đó họ đã học được nghề khâu nón lá trắng. Nghề khâu nón lá trắng đã có ở Thọ Lộc từ đó và ngày càng phát triển, đây là một nghề thủ công phù hợp với mọi lứa tuổi, tranh thủ được hết thời gian trong lúc nông nhàn và giúp cho các gia đình có thêm nguồn thu nhập tương đối ổn định.

Năm 1961, ban chủ nhiệm hợp tác xã đã cử nhân lực đi tìm nguồn lá nón về cung cấp cho nhân dân và tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm.

Nghề nón ở Thọ Lộc phát triển nhanh trong hai năm 1963 - 1964 và đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập trong nông thôn và cải thiện thêm một bước đời sống nhân dân. Nghề khâu nón lá trắng ở Thọ Lộc tiếp tục phát triển cho đến ngày ngay với hình thức đẹp hơn và chất lượng tốt hơn đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Để đáp ứng yêu cầu tăng nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, tháng 11/1958, hợp tác xã tín dụng được thành lập do ông Lê Sỹ Hồng làm chủ nhiệm nhằm vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm vào quỹ tín dụng đảm bảo “vừa ích nước vừa lợi nhà”. Bên cạnh đó hợp tác xã tín dụng còn có kế hoạch vay thêm vốn của ngân hàng nhà nước để tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất.

Năm 1961, hợp tác xã mua bán của xã được thành lập. Đây là một hình thức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ở nông thôn lúc bấy giờ với mục đích chủ yếu là phục vụ đời sống dân sinh. Thời gian đầu mượn tạm nhà ở của dân để làm nơi bán hàng. Cuối năm 1961, hợp tác xã mua bán xây dựng cửa hàng và nhà kho gần cầu sắt (Cầu Vội). Hợp tác xã mua bán có nhiệm vụ nhận hàng hoá phân phối từ hợp tác xã mua bán huyện về phục vụ cho nhân dân trong xã. Lúc đầu có 666 hộ gia đình là thành viên của hợp tác xã mua bán, họ đóng góp cổ phần và được hưởng hàng hoá phân phối như muối, dầu đèn, nước nắm, diêm đánh lửa, xà phòng... và một số mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ Tết. Đến năm 1963, có 1.113 cổ phần, chiếm 100% số hộ trong toàn xã.

5. Trên lĩnh vực chính trị - xã hội

Bước vào năm 1960, cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới, trên cả hai miền Nam - Bắc đạt được những thắng lợi to lớn. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng cả nước, tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong đó khẳng định Miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội để trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để thực hiện được yêu cầu đó, Đại hội đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc (1961- 1965).

Thực hiện chủ trương của Đảng, Đại hội Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ  VII tháng 2/ 1962 được đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ về dự và chỉ đạo.

Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tăng cường đoàn kết trong Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, tăng sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn, thành lập Đảng bộ xã, củng cố hợp  tác xã phát  triển toàn diện vững chắc, chú trọng cải tiến quản lý hợp tác xã, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Quán triệt nghị quyết của  Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ VII, xã Thọ Lộc tiến hành củng cố kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Đảng bộ xã Thọ Lộc được thành lập tháng 6/1962 gồm 78 Đảng viên. Đồng chí Lê Công Thuận làm Bí thư, đồng chí Phạm Đình Thiệu làm Phó bí thư, đồng chí Lê Trọng Do làm uỷ viên trực Đảng bộ.

Về phía chính quyền, Ủy ban hành chính xã có 7 uỷ viên.

Ông phạm Đình Thiệu làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã, ông Lê Văn Ngãi làm Phó chủ tịch.

Các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội được củng cố kiện toàn:

- Đoàn thanh niên xã do đồng chí Lê Tất Xuân làm bí thư, đồng chí Lê Mạnh Hoạch làm phó bí thư .

- Mặt trận Tổ quốc xã do ông Lê Sỹ Hồng làm chủ tịch, ông Lê Văn Chính làm phó chủ tịch.

- Hội Phụ nữ xã do bà Lê Thị Nghĩa làm hội trưởng, bà Lê Thị Hường làm hội phó

- Tổ chức Nông hội do ông Lê Viết Mùi làm chủ tịch, ông Lê Đình Châu làm phó chủ tịch.

Đảng uỷ xã chủ trương kiện toàn các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, từ cuối năm 1960 đến năm 1966, trên địa bàn toàn xã đã xây dựng thành 4 hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã Long Thọ, Hợp tác xã Thống Nhất, Hợp tác xã Thành Công và Hợp tác xã Đại Thắng .

6. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội

Cùng với sự khôi phục và phát triển kinh tế cấp uỷ Đảng và chính quyền xã Thọ Lộc chú trọng phát triển trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế.

Trên lĩnh vực giáo dục, phong trào bình dân học vụ được phát triển kể từ sau cách mạng Tháng 8 và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi miền Bắc hoà bình lập lại vẫn được duy trì phát triển cho đến năm 1960. Nhiều chiến sỹ diệt giặc dốt sau này trở thành giáo viên của các trường dân lập và công lập.

Với phương châm “người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”, năm 1957, trong xã có 40 người được giao nhiệm vụ xoá nạn mù chữ trên địa bàn toàn xã. Gần 100 học sinh lớp 3 và lớp 4 được động viên đi dạy buổi trưa, buổi tối và những ngày hè.  Sau gần hai năm phấn đấu, đến năm 1958, Thọ Lộc được huyện công nhận là xã đã xoá được nạn mù chữ.

Năm 1950 Thọ Lộc mới chỉ có hai lớp học phổ thông (lớp 1 và lớp 2) học tại nhà dân. Đến năm 1953, Trường cấp 1 của xã được thành lập (cấp tiểu học) do thầy giáo Mai Văn Thiệu làm hiệu trưởng.

Năm 1962, Trường phổ thông cấp 2 của xã được thành lập (cấp THCS), thầy giáo Vũ Văn Tụ làm hiệu trưởng sau đó là thầy Lê Dương làm hiệu trưởng.

Năm học 1962 – 1963, trường cấp 2 lúc đó mới có 2 lớp (lớp 5 và lớp 6) với 80 học sinh. Đến năm học 1964 – 1965, trường cấp 2 được phát triển hoàn chỉnh.

Lĩnh vực Y tế cũng được phát triển nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đầu năm 1957, trạm Y tế của xã được thành lập do ông Lê Hữu Thai làm Trạm trưởng, bà Lê Thị Song làm nữ hộ sinh cùng với một số lương y như Lê Văn Thiềng, Lê Bá Mông, Lê Bá Thi, Lê Bá Thành, Lê Bá Câu, Lê Sỹ Khuông, Lê Hữu Viễm.

Với phương châm phòng bệnh là chính, nhân viên Trạm y tế thường xuyên về các thôn xóm để vận động tuyên truyền nhân dân phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đào và xây giếng nước ở gia đình.

(Trước đây trong toàn xã chỉ có 7 giếng nước công cộng không hợp vệ sinh, còn gọi là giếng làng).

Từ khi ra đời và hoạt động, trạm Y tế đã tổ chức khám bệnh cho nhân dân theo định kỳ, tiến hành cấp, phát thuốc phòng chữa bệnh và hướng dẫn thực hiện một số chỉ tiêu Y tế.

Cơ sở vật chất của trạm y tế lúc đầu chỉ có 3 gian nhà làm việc (được xây dựng ở  khu trạm biến thế điện trước công sở của xã bây giờ). Do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng lớn đòi hỏi phải được tăng cường về cơ sở vật chất. Trong hoàn cảnh của xã lúc đó còn gặp nhiều khó khăn, ban chấp hành hội phụ nữ do bà Lê Thị Nghĩa làm hội trưởng, bà Lê Thị Hường làm hội phó đã vận động chị em phụ nữ lấy cát từ sông Chu (xã Xuân Khánh) về xây dựng thêm 3 gian nhà mới.

Văn hoá, văn nghệ cũng được Đảng và chính quyền, đoàn thể quan tâm phát triển nhằm xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Năm 1957, đội văn nghệ quần chúng của xã được thành lập do ông Lê Đức Vậy làm đội trưởng, ông Phạm Ngọc Đài và bà Lê Thị Phú làm đội phó. Những nhân tố văn nghệ của xã được giới thiệu chọn lọc từ các thôn xóm, đây là lực lượng nòng cốt trên mặt trận văn hoá của xã.

Các tiết mục văn nghệ do đội tự biên tự diễn đã thu hút đông đảo người xem, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Bằng nhiều thể loại phong phú như hát chèo, tuồng, cải lương, kịch nói… với những lời ca tiếng hát chân tình, đội văn nghệ đã đóng góp một phần trong cuộc sống xây dựng quê hương.

Đội thông tin tuyên truyền của xã đã thực sự bám sát nhiệm vụ chính trị được giao; thông báo kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của nhà nước cùng các quy định của địa phương đến từng hộ dân.

Lúc bấy giờ các phương tiện thông tin đại chúng còn đơn giản nhưng với những ánh đèn dầu, sân khấu ngoài trời, chiếc loa cầm tay ..... đội văn nghệ, thông tin thực sự là nhịp cầu nối ánh sáng văn hoá của Đảng với quần chúng nhân dân xã Thọ Lộc.

Trải qua mười năm kể từ khi Miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954 - 1964), cùng với nhân dân trên khắp Miền Bắc, nhân dân xã Thọ Lộc đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quê hương, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xã đã hoàn thành chương trình cải cách ruộng đất, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế xã hội và thực hiện thắng lợi công cuộc tập thể hoá nông nghiệp. Chi bộ Đảng được thành lập đầu năm 1954, đến tháng 6 năm 1962 đã phát triển thành Đảng bộ.

Thành tựu của nhân dân xã Thọ Lộc qua 10 năm xây dựng đã đóng góp một phần xứng đáng cùng với nhân dân của Huyện và Tỉnh để xây dựng Miền Bắc thành hậu phương vững chắc tạo nên sức mạnh để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

7. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh và trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhân dân Thọ Lộc vui mừng đón nhận nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra  Bắc, các anh là những chiến sỹ cách mạng một lòng một dạ tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ.

Nhân dân Thọ Lộc dành cho các anh một tình yêu thương như những người con của quê hương mình. Tình cảm đón tiếp thân tình của nhân dân Thọ Lộc đã sửa ấm những tấm lòng người con xa quê ra Miền Bắc tập kết vì ngày mai thống nhất.

Các anh coi Thọ Lộc như quê hương thứ hai của mình. Một số anh đã lập nghiệp ở lâu dài trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, Thọ Lộc còn phấn khởi đón gần 100 người con của quê hương đã làm tròn nghĩa vụ chiến đấu ở chiến trường trở về hậu phương.

Các anh cán bộ, bộ đội Miền Nam tập kết, các anh bộ đội thanh niên xung phong từ chiến trường trở về trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc giữ gìn trật tự an ninh và xây dựng quê hương Thọ Lộc trong thời kỳ mới.

Đầu năm 1959, Chính phủ ban hành sắc lệnh thực hiện "Luật nghĩa vụ quân sự", chi bộ đảng và đoàn thanh niên xã đã tổ chức cho thanh niên học tập, quán triệt chủ trương của Đảng và sắc lệnh của Chính phủ.

Tháng 3 năm 1959, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Thọ Lộc tiễn đưa 20 thanh niên ưu tú lên đường tham gia quân đội. Đây là đợt nghĩa vụ quân sự thời bình đầu tiên sau khi Miền Bắc được giải phóng.

Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhiều người tình nguyện ở lại xây dựng quân đội lâu dài và trở thành cán bộ sỹ quan trung, cao cấp, một số người trở về địa phương công tác và trở thành cán bộ chủ chốt của xã.

Trong số 20 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự đợt đầu năm 1959 có 3 người con đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Đó là các Liệt sỹ Phạm Văn Côi, Lê Đình Nhuận và Phạm Ngọc Son.

Tấm gương hy sinh của các liệt sỹ trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho lớp lớp thanh niên của xã tiếp tục lên đường để xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước trong những năm tiếp theo.

II. THỜI KỲ 1965 - 1975

1. Hoàn cảnh lịch sử mới

Năm 1964 chúng ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự ở Miền Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn, làm cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn lâm vào khủng hoảng nặng nề. Để cước vãn chiến lược chiến tranh đặc biệt đang bị thất bại nặng nề ở Miền Nam, Đế Quốc Mỹ đã dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ mở cuộc tấn công phá hoại Miền Bắc bằng không quân và hải quân. Mục đích của Mỹ là phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện ở hậu phương vào miền Nam và uy hiếp tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Tháng 3/1964 Tổng thống Mỹ Giôn Xơn phê chuẩn kế hoạch đánh phá Miền Bắc gồm 94 mục tiêu quan trọng trong đó Thanh Hóa là một trong những trọng điểm lớn.

Ngày 5/8/1964 Mỹ cho máy bay bắn phá Quảng Ninh, Hải Phòng và cửa biển Lạch Trường Thanh Hóa mởi đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với Miền Bắc nước ta.

Đặc biệt là từ năm 1965 chính quyền Giôn Xơn đã huy động hơn 50 vạn quân viễn chinh cùng với hàng vạn quân đánh thuê của các nước đồng minh trang bị nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại đưa vào miền Nam nước ta tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ" đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc với một quy mô to lớn và cường độ ngày càng ác liệt. Mục tiêu đánh phá của Mỹ là các công trình kinh tế, quân sự, các trục đường giao thông quan trọng và những khu vực đông dân cư.

Ngày 3 và 4/4/1965 Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Na Ma Ra hạ lệnh cho lực lượng không quân mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng Thanh Hóa.

Ngày 27/4/1965 không quân mỹ bắn phá Sao Vàng mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên đất Thọ Xuân. Tiếp đó chúng đánh phá đập Bái Thượng, thủy điện Bàn Thạch, cống Phúc Như, Âu Phong Lạc và một số vùng dân cư dọc theo hai bờ sông Chu như Thọ Nguyên, Xuân Khánh, Xuân Tín...làm cho nhiều người chết và bị thương.

Trong hoàn cảnh mới cả nước có chiến tranh miền Bắc vừa phải chiến đấu vừa phải sản xuất và tăng cường chi viện cho miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, đầu năm 1965 Đại hội Đại biểu huyện Thọ Xuân được triệu tập thông qua những nhiệm vụ mới là: Chuẩn bị thế trận toàn dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng làng xã chiến đấu, đảm bảm trật tự an ninh và giao thông vận tải an toàn thông suốt. Phát động phong trào lao động sản xuất với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt". Tăng năng suất cây trồng chi viện sức người sức của cho tuyền tuyến.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã kịp thời lãnh đạo nhân dân chuyển hướng mọi hoạt động sản xuất sang thời chiến trong hoàn cảnh cùng với cả nước có chiến tranh.

Trước hết là công tác phòng không nhân dân và sơ tán trường học được thực hiện một cách triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Mọi gia đình phải có hầm để trú ẩn. Các trục đường trong thôn xóm đều có hào giao thông, học sinh đến lớp đều phải có mũ rơm và bông băng cứu thuơng khi cần thiết. Lực lượng dân quân tự vệ của xã được củng cố luyện tập và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội và mọi gia đình được quán triệt nhiệm vụ phòng gian bảo mật. Ở các đầu làng đều có trạm báo phòng không làm nhiệm vụ báo hiệu lệnh cho nhân dân biết khi có máy bay địch đến.

Như vậy, bắt đầu từ cuối năm 1964, đầu năm 1965, Thọ Lộc cùng với quân dân toàn Miền Bắc bước vào một thời kỳ mới đầy khó khăn thử thách, vừa chiến đấu vừa sản xuất và chi viện cho chiến trường.

2. Trên mặt trận sản xuất

Hưởng ứng phong trào thi đua do Trung ương Đảng phát động cùng với nhân dân trong tỉnh và trên địa bàn cả huyện, nhân dân xã Thọ Lộc dấy lên những phong trào thi đua sôi nổi: Thanh niên với phong trào "Ba sẵn sàng"; Phụ nữ với phong trào "Ba đảm đang".

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, toàn xã vận động ra quân làm thuỷ lợi năm 1965 với khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt". Đảng bộ và nhân dân xã Thọ Lộc không quản gian lao vất vả hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu trên đồng ruộng.

Tháng 12/1966, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Huyện Thọ Xuân lần thứ X được tổ chức tại xã Xuân Hoà với phương hướng nhiệm vụ năm 1967 là: “Thi đua với hợp tác xã Đông Phương Hồng phấn đấu đạt mục tiêu 5 tấn thóc, 10 tấn khoai lang và 2 con lợn trên 1 ha gieo trồng”...

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp không ngừng được củng cố và mở rộng. Đến tháng 3 năm 1967 toàn xã có 3 HTX sản xuất nông nghiệp.

+ Hợp tác xã Long Thọ do ông Lê Viết Chưởng làm chủ nhiệm, ông Lê Duy Đông làm phó chủ nhiệm.

+ Hợp tác xã Thống Nhất do ông Nguyễn Văn Vẻ làm chủ nhiệm, ông Phạm Xuân Thanh làm phó chủ nhiệm.

+ Hợp tác xã Đại Thành (được hợp nhất giữ hợp tác xã Thành Công và hợp tác xã Đại Thắng). Bà Lê Thị Tư làm chủ nhiệm, ông Lê Tất Côi làm phó chủ nhiệm.

Để đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến trong cuộc tổng chiến công và nổi dậy năm 1975, mặt trận nông nghiệp ở hậu phương cần phải phát triển lên một bước mới. Tháng 01/1975, trên địa bàn xã được hợp nhất thành một hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã thống nhất do ông Lê Tất Sử làm chủ nhiệm, ông Lê Ngọc Trạch làm phó chủ nhiệm.

Hợp tác xã với quy mô lớn gồm 12 đội sản xuất cơ bản và có các đội chuyên.

Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng phát triển. Đảng bộ và chính quyền xã Thọ Lộc có hướng đưa ngành chăn nuôi lên ngành chính, trong đó chú trọng chăn nuôi lợn thịt, lợn nái để tăng thu nhập trong gia đình, có hộ nuôi tới 5 con lợn.

Việc chăn nuôi trâu, bò chủ yếu là lấy sức cày, kéo và phân bón cho đồng ruộng do hợp tác xã quản lý và giao cho các hộ gia đình, hàng năm hợp tác xã có mở hội thi đua để xếp loại trâu, bò của các gia đình.

Từ năm 1965 các hợp tác xã nông nghiệp đều thành lập trại chăn nuôi tập thể.

Năm 1975, khi hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô lớn, toàn xã thành lập một trại chăn nuôi do ông Lê Văn Chỉ làm trại trưởng, bà Hoàng Thị Niêm làm trại phó. Trại chăn nuôi tập thể phát triển với quy mô lớn, có thời điểm lên tới 500 con lợn, trong đó có tới 100 - 120 lợn nái.

Hàng năm trại cử cán bộ đi học tập để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ để phát triển lĩnh vực chăn nuôi ở địa phương.

Nghề nuôi cá cũng được các hợp tác xã chú trọng đầu tư phát triển để tạo thêm nguồn thực phẩm cho nhân dân vào dịp các ngày lễ Tết.

Thọ Lộc có một  địa thế thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá, ở giữa khu dân cư có dãy ao hồ nằm suốt chiều dài của xã. Truớc năm 1959 đó là những ao thuộc quyền sở hữu của các hộ gia đình trong làng xã. Khi tiến hành tập thể hoá nông nghiệp những ao hồ đó thuộc quyền quản lý của các hợp tác xã. Khi thực hiện cơ chế khoán từ năm 1981, chính quyền xã chủ trương cho một số hộ gia đình giao nhận khoán theo định mức và nộp sản phẩm cho tập thể. Đến năm 2000, do nhu cầu đất ở diện tích ao hộ được các hộ gia đình đấu thầu dài hạn và chuyển đổi mục đích sang xây dựng công trình nhà ở vì vậy diện tích ao nuôi cá ngày càng thu hẹp lại.

Các nghề thủ công truyền thống ở địa phương được phát triển trong hoàn cảnh chiến tranh.

Nghề khâu nón lá vẫn tiếp tục phát triển ở các hộ gia đình trong lúc nông nhàn. Hợp tác xã mua bán cũ đã đi tìm mua vật liệu đáp ứng một phần cho nhân dân.

Nghề nấu gạch ngói thủ công được phát triển do các hợp tác xã sản xuất tổ chức và quản lý. Sản phẩm chủ yếu là phục vụ cho xây dựng tập thể và các gia đình trong xã.

Hợp tác xã mua bán vẫn tiếp tục duy trì và phát triển chủ yếu là phục vụ những mặt hàng thiết yếu trong đời sống nông thôn như muối ăn, dầu lửa, một số vật dụng gia đình.

Do hoàn cảnh đánh phá ác liệt của Mỹ nên lĩnh vực sản xuất và lưu thông hàng hoá có những thời kỳ rất khó khăn.

Về hợp tác xã tín dụng: để đáp ứng yêu cầu vốn phát triển kinh tế trong hoàn cảnh thời chiến, HTX tín dụng vẫn tiếp tục thực hiện phương châm phát động nhân dân tích kiệm ích nước lợi nhà đồng thời vay vốn của ngân hàng nhà nước để đầu tư cho sản xuất, trong đó chủ yếu là tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích phát triển kinh tế hầu phương và cung cấp cho tiền tuyến.

3. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội

Theo chủ truơng chính sách của Đảng và nhà nước ta trong hoàn cảnh mới cùng với sản xuất xã Thọ Lộc đã khẩn trương chuyển hướng hoạt động văn hoá sang hoàn cảnh thời chiến.

Đội thông tin văn hoá bám sát nhiệm vụ chính trị của xã để hàng tháng đội chiếu phim lưu động của Phòng Văn hoá huyện về phục vụ nhân dân từ 1 đến 2 lần. Cây trôi Làng Quả Hạ thường xuyên được chọn làm nơi chiếu phim phục vụ nhân dân trong thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá.

Hoạt động giáo dục được sơ tán, các lớp học được dựng bằng những lán tranh tre rải khắp địa bàn của xã. Xung quanh lán học đắp hầm hào trú ẩn.

Từ năm học 1969 – 1970, khi Mỹ ngừng ném bom đánh phá Miền Bắc lần thứ nhất được hợp nhất liên xã Thọ Lộc và Nam Giang được đặt vị trí ở vùng giáp ranh thôn 1 Thọ Lộc với làng Kim Bảng xã Nam Giang .

Ngày 15/10/1968 các thầy cô giáo và học sinh trên toàn xã cùng với ngành giáo dục cả nước đón nhận thư của Bác Hồ, đây là bức thư cuối cùng của Bác gửi cho ngành giáo dục. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác đội ngũ thầy cô giáo và học sinh nhà trường luôn luôn vượt mọi khó khăn để thực hiện dạy tốt - học tốt.

Ngày 02/9/1969 Bác Hồ đã vĩnh viễn đi xa để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng toàn quân và dân ta, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng khắp các thôn các tổ chức chính trị xã hội trường học đều tổ chức trọng thể lễ truy điệu Hồ Chủ tịch. Toàn Đảng, toàn quân và dân ta quyết biến đau thương thành hành động cách mạng giữ vững lời thề sắt đá dương cao ngon cờ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước tới đích cuối cùng thực hiện trọn vẹn di trúc thiêng liêng của Người.

Trạm Y tế xã hoạt động tích cực đáp ứng yêu cầu thời chiến. Thực hiện chỉ thị số 57 của Tỉnh, cán bộ, nhân viên trạm y tế thường xuyên vận động nhân dân phòng chống các dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh trong nhà ở và thôn xóm trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ. Vào đầu năm học, trạm y tế cử nhân viên đến các lớp học để hướng dẫn cho học sinh và giáo viên cách băng bó vết thương sơ cứu ban đầu.

4. Thọ Lộc là căn cứ địa vững chắc trong hai thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1964 -1968 và 1972)

Thọ Lộc là một địa phương ở gần những mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ như: Sân bay Sao Vàng, đập Bái thượng, Thủy điện Bàn thạch, nhưng Tỉnh ủy Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân vẫn chọn đây là một địa điểm thuận lợi để xây dựng căn cứ địa vững chắc của Tỉnh trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ.

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thọ Xuân, Đảng uỷ và chính quyền xã Thọ Lộc đã chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Giữa năm 1965, Thọ Lộc được Huyện chọn làm địa điểm để huấn luyện dân quân tự vệ và an ninh chủ chốt của các đơn vị xã, thị trấn trong toàn huyện để nhận thức rõ yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 1967 – 1968, cơ quan đầu não của Tỉnh sơ tán về Thọ Lộc. Đồng chí Ngô Thuyền - uỷ viên dự khuyết BCH trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ chọn Làng Quả Hạ làm nơi ở và làm việc.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chủ yếu sinh hoạt và làm việc ở nhà dân. Thọ Lộc đã huy động hơn 100 lao động cùng với một đơn vị bộ đội công binh khẩn trương làm lại cầu gỗ mới qua kênh Nam để phục vụ sự đi lại của cơ quan Tỉnh uỷ và nhân dân, đồng thời nhân dân cùng bộ đội xây dựng hầm của cơ quan Tỉnh uỷ để làm phòng họp khi có chiến sự ác liệt. Căn hầm được xây dựng rất kiên cố theo kiểu hầm chống bom của máy bày B52 Mỹ.

Cây cầu gỗ qua kênh Nam dân địa phương thường gọi là cầu Cây Trôi. Sau giải phóng Niềm Nam, nhân dân đã làm lại cầu, xây mới và khánh thành vào dịp đón xuân Mậu Ngọ 1978. Căn hầm của Tỉnh uỷ cách trường tiểu học Thọ Lộc hiện nay 300 mét về phía tây nam. Dân địa phương vẫn thường gọi một cách thân thuộc là hầm ông Ngô Thuyền. Sau năm 1975, chính quyền địa phương cho tháo bỏ căn hầm này để sử dụng vào công việc khác.

Một nhiệm vụ rất quan trọng trong thời chiến là bảo vệ nguồn hậu cần lương thực cung cấp cho quân đội do đó khu vực nhà máy, kho tàng trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân mỹ.

Do máy bay Mỹ bắn phá ngày càng ác liệt vào các khu vực nhà máy kho tàng, huyện chủ trương phân tán kho lương thực Đống Nải. Nhân dân Thọ Lộc đã huy động lực lượng hàng trăm lao động, chủ yếu là thanh niên, dân quân tự vệ vận chuyển hàng trăm tấn  lương thực của huyện về nơi sơ tán an toàn. Trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ, trên địa bàn xã Thọ Lộc được xây dựng hàng chục kho dã chiến (còn gọi là kho tròn) để bảo quản lương thực của nhà nước.

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Thọ Lộc đón trường Đảng Hoàng Văn Thụ sơ tán về tại đình Làng Quả Hạ. Từ mái trường nay đã đào tạo cho Tỉnh hàng nghìn cán bộ có trình độ chính trị để lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.

Cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ đối với miền Bắc ngày càng ác liệt, chính quyền Giôn Xơn đã huy động tối đa các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại để hủy diệt miền Bắc. Từ vĩ tuyến 20 trở vào Quảng Bình,Vĩnh Linh được gọi là vùng đất lửa. Từ giữa năm 1967 giặc Mỹ huy động không quân và hải quân đánh phá ác liệt vào Quảng Bình gây khó khăn lớn cho đời sống và sản xuất của nhân dân đặc biệt là việc học tập của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Để đảm bảo sự an toàn và tạo điều kiện cho việc học tập của các cháu đồng thời duy trì nguốn lực cho cuộc khàng chiến lâu dài, Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương đưa các cháu thiếu niên nhi đồng sơ tán ra các vùng nông thôn ở Thanh Hóa.

Nhân dân Thọ Lộc đón nhận 250 cháu thiếu niên K8 Quảng Bình về nuôi dưỡng, chăm sóc như con em ruột thịt của mình. Nhiều gia đình mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nhận nuôi 2 cháu. Bên cạnh việc chăm sóc và nuôi dưỡng nhân dân Thọ Lộc còn đóng góp thêm vật liệu tranh tre dựng lán làm phòng học cho các cháu K8 Quảng Bình. Các thầy giáo cô giáo cấp 1 và cấp 2 Thọ Lộc cùng kết hợp với một số thầy giáo từ Quảng Bình được điều động ra đã tích cực dạy dỗ thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình.

Cuối năm 1968 giặc Mỹ phải ngừng ném bom bắn phá Miền Bắc, tỉnh Thanh Hoá nói chung và chính quyền, nhân dân xã Thọ Lộc đưa các cháu trở về quê hương Quảng Bình sống với gia đình và tiếp tục học tập.

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968, sư đoàn 308 đã chọn Thọ Lộc làm địa điểm đóng quân để luyện tập, chỉnh đốn lực lượng chuẩn bị cho những chiến dịch mới chống lại  “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ được tiến hành từ năm 1969.

Những năm tiếp theo Thọ lộc là một địa điểm đóng quân của đơn vị an dưỡng đoàn 585 và một số cơ quan của nhà nước.

Có thể nói trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ mặc dù Thọ Lộc ở gần những vị trí mà giặc Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng tỉnh uỷ và huyện Thọ Xuân vẫn chọn xã Thọ Lộc là một địa điểm an toàn. Thọ Lộc xứng đáng là một căn cứ địa vững chắc của tỉnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

5. Chi viện cho chiến trường

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân xã Thọ Lộc nỗ lực cùng với quân dân trên cả Miền Bắc hướng về Miền Nam ruột thịt.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ 1965 – 1975, Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu 1 người”.

Hàng năm, Thọ Lộc đóng góp cho Nhà nước từ 250 tấn đến 400 tấn lương thực, từ 15 tấn đến 20 tấn thịt lợn và hàng ngìn con gà, vịt.

Hàng năm theo chỉ tiêu của huyện, xã Thọ Lộc huy động tuyển quân từ 2 đến 3 đợt. Riêng năm 1972 đã huy động 4 đợt tuyển quân với số lượng 65 thanh niên lên đường chi viện cho tiền tuyến. Tổng cộng suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nuớc, Thọ lộc huy động 690 thanh niên lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu (thời kỳ chống Pháp là 135 người nhập ngũ).

Bên cạnh lực lượng tham gia quân đội, Thọ Lộc còn huy động 103 thanh niên tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước cùng với hàng trăm lượt người tham gia dân công hoả tuyến vận tải lương thực hàng hoá ra chiến trường (thời kỳ kháng chiến chống Pháp có 49 Thanh niên xung phong).

Ngoài việc huy động lực lượng tham gia quân đội và thanh niên xung phong, Thọ Lộc còn huy động một lực lượng dân công rất hùng hậu phục vụ cho tiền tuyến.

- Tháng 5/1955 đoàn dân công làm đường tại Sầm Nưa giúp bạn Lào do ông Lê Khắc Minh phụ trách.

          - Đầu năm 1965 tỉnh Thanh Hóa mở thêm đường vận chuyển bằng thuyền nan gồm 5 nghìn chiếc, Thọ Lộc có 34 người tham gia do ông Lê Đình Cổn phụ trách xuất phát từ Bến Ngự - Thanh Hóa vào Đức Thọ - Hà Tỉnh. Trong đợt này có đồng chí Lê Sỹ Miêng huy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

          - Tháng 12/1965 đoàn dân công C42 phục vụ trên tuyến đường Cẩm Thủy miền tây Thanh Hóa do ông Hà Ngọc Hưng phục trách.

          - Tháng 12/1968 toàn tỉnh huy động 1500 dân công xe đạp thồ phục vụ tiền tuyết. Đoàn xe thồ của xã Thọ Lộc do ông Lê Trọng Túy phụ trách làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa vào Quảng Bình. Trong đợt này đồng chí Phạm Ngọc Cá đã huy sinh trên đường làm nhiệm vụ.

          - Từ năm 1969 đến năm 1972 xã còn huy động nhiều đợt dân công hỏa tuyến để phục vụ cho chiến trường.

          Có thể nói trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Thọ Lộc đã đóng góp một nguồn lực hùng hầu về sức người sức của góp phần cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.

Những người con của Thọ Lộc ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tô đẹp thêm truyền thống của quê hương, đất nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh. Trong số những người trở về có nhiều người mang trên mình thương tích, bệnh tật và nhiễm chất độc ở chiến trường.

Theo số liệu thống kê của xã, tính đến 30/4/2005, tổng số liệt sỹ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc bảo vệ Tổ quốc của Thọ Lộc là 106 (thời kỳ chống Pháp là 14, thời kỳ chống Mỹ là 82, bảo vệ Tổ quốc là 10).

Tổng số thương binh, bệnh binh của toàn xã là 134 (riêng thời kỳ chống Mỹ là 112).

Có 03 bà mẹ được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sự chi viện sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã đóng góp một phần cùng với hậu phương Miền Bắc để làm nên đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 


PHẦN THỨ BA

THỌ LỘC TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

(1975 - 2010)

I. THỜI KỲ 1975 - 1985

1. Tình hình chung của xã sau năm 1975

Đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đất nước đã thống nhất non sông được thu về một mối. Nhân dân xã Thọ Lộc cũng như khắp mọi miền trên đất nước vui mừng trong khí thế của một dân tộc chiến thắng. Nỗi vui buồn, niềm hạnh phúc và đau thương hòa quyện, những người con của quê nhà ra đi cứu nước đã lần lượt trở về, tuy có mất mát đau thương nhưng Tổ quốc còn nguyên vẹn. Qua 5 năm từ cuối 1975 đến 1980 gần 200 bộ đội và thanh niên xung phong xuất ngũ trở về địa phương trong đó có 76 Đảng viên trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào lao động sản xuất, xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Tuy nhiên trên địa bàn của xã Thọ Lộc cũng nằm trong hoàn cảnh chung của đất nước chúng ta không lường hết được những khó khăn và phức tạp sau thời chiến.

Đất đai sản xuất nông nghiệp hoang hóa nhiều, khai thác chưa có hiệu quả. Tình trạng sản xuất nông nghiệp lạc hậu năng suất lao động rất thấp. Cơ chế quản lý tập trung bao cấp kéo dài chi phối việc điều hành của chính quyền và HTX nông nghiệp có nhiều bất cập. Bên cạnh đó thiên tai rất khắc nghiệt tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Cơn bão số 6 vào tháng 8/1976 đã tràn vào khu vực Bắc trung bộ nói chung và Thanh Hóa nói riêng, xã Thọ Lộc bị thiệt hại rất lớn làm cho 51 ngôi nhà của nhân dân trong xã bị đổ, nhiều hoa màu cây cối bị hư hại, tài sản của nhiều hộ gia đình bị hư hỏng nặng nề.

Chiến sự  xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía  Bắc vào đầu  năm 1979 đã làm cho quân và dân ta phải đối phó với nhiều khó khăn thách thức.

Trong bối cảnh chung của cả nước, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thanh Hoá và Huyện uỷ Thọ Xuân, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã đã tổ chức họp vào cuối tháng 5/1975 đề ra nhiệm vụ khẩn  trương của xã là: Nhanh chóng ổn định tình kinh tế xã hội trên địa bàn xã, làm tốt chính sách hậu phưong quân đội, cũng cố kiện toàn các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và các hợp tác xã nông nghiệp, mua bán và tín dụng.

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội

Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã, các chi bộ đã tiến hành Đại hội, những đảng viên có năng lực, uy tín được bầu vào cấp uỷ và tăng cường hoạt động ở các tổ chức đoàn thể, kinh tế xã hội.

* Về tổ chức Đảng, chính quyền:

- Đồng chí Lê Văn Tiền - Bí thư Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Hữu Ngữ - Phó bí thư, chủ tịch UBND xã

* Về các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội:

- Mặt trận tổ quốc xã do ông Lê Tất Đảm làm chủ tịch

- Hội nông dân do ông Phạm Xuân Hới làm chủ tịch

- Hội phụ nữ do bà Lê Thị Lẫu làm chủ tịch

- Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do đồng chí Hà Văn Bồng làm bí thư

* Các tổ chức kinh tế:

- Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp: Ông Lê Tất Sử làm chủ nhiệm

- Hợp tác xã tín dụng do Ông Lê Văn Tư làm chủ nhiệm

- Hợp tác xã mua bán do Ông Lê Sỹ  Che làm chủ nhiệm.

3. Phát triển kinh tế

Trước hết Đảng uỷ và chính quyền xã thực hiện việc quy hoạch đất đai cho sản xuất nông nghiệp, vận động các hộ gia đình ở ven đồng làng về xây dựng nhà ở trong làng. Cơ cấu lại các đội sản xuất và toàn xã hình thành ba khu. Ngoài các đội sản xuất cơ bản, Uỷ ban nhân dân xã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp thành lập thêm một số đội chuyên sản xuất như: Đội thuỷ lợi 202, đội chăn nuôi (có chăn nuôi lợn và đội nuôi cá), đội kỹ thuật (đảm nhận về giống, phân bón và bảo vệ thực vật), đội ngành nghề sản xuất vật liệu như gạch ngói, nấu vôi, thợ mộc, thợ xây.

Các đội chuyên cũng như các đội sản xuất cơ bản đều hoạt động theo hình thức nhận khoán việc từ Ban quản lý hợp tác xã và được hưởng theo mức phân phối ăn chia theo chế độ công điểm.

Toàn xã phát động phong trào ra quân làm thuỷ lợi nội đồng. Đặc biệt, trong 2 năm 1976 – 1977, xã đã huy động 150 nhân lực tham gia công trình thuỷ lợi sông Hoàng, sông Lý của tỉnh Thanh Hoá.

Do sắp xếp lại tổ chức sản xuất nông nghiệp, hình thành các đội chuyên đã góp phần nâng cao hiệu quả trong lao động, cải thiện đời sống của xã viên. Từ năm 1976 đến năm 1980, mỗi năm xã Thọ Lộc làm nghĩa vụ giao nộp cho Nhà nước gần 300 tấn thóc và 15 tấn thực phẩm.

Một chặng đường 5 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 – 1980), nhân dân Thọ Lộc đã gắng sức vươn lên khắc phục mọi khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh và thiên tai địch họa gây ra để giữ vững đời sống và sản xuất.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh chung cả nước lúc đó và tình hình của tỉnh, của huyện nói chung, tình trạng sản xuất nông nghiệp vẫn hết sức khó khăn, việc điều hành sản xuất ở nhiều khâu kém hiệu quả, mô hình hợp tác xã nông nghiệp được hình thành từ năm 1959 đã đóng góp vai trò to lớn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, tạo ra một quan hệ sản xuất mới và huy động được nguồn lực của hậu phương để chi viện cho chiến trường. Đến nay đã qua 5 năm đất nước thống nhất, mô hình Hợp tác xã nông nghiệp không còn phù hợp nữa. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp nhằm: Đảm bảo phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng xuất lao động, sử dụng tốt đất đai và các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ yếu ở nông thôn; Không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống xã viên, tăng tích luỹ hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho nhà nước.

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh dấu sự chuyển đổi bước đầu về quản lý và phân phối sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo nên một luồng gió mới trên đồng ruộng và đời sống của người nông dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Thanh Hóa và Huyện uỷ Thọ Xuân,  Đảng bộ xã Thọ Lộc đã tập trung lãnh đạo quán triệt Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương và Thông tư số 10 của Bộ Nông nghiệp đến toàn thể các tổ chức kinh tế xã hội, các đoàn thể quần chúng và từng hộ nông dân trong toàn xã. Với cơ sở là các đội sản xuất rà soát lại tổng số diện tích đất canh tác, trên cơ sở đó giao cho từng hộ lao động, trong đó có ưu tiên các gia đình khó khăn, gia đình thuộc diện chính sách.

Với cách khoán theo Chỉ thị 100 “năm khâu ba việc” và theo định mức do Ban quản lý Hợp tác xã quy định đã tạo ra một tinh thần phấn khởi đối với người nông dân hăng hái sản xuất trên đồng ruộng.

(5 khâu do tập thể đảm nhiệm là thuỷ lợi; giống; làm đất; phân bón và bảo vệ thực vật. 3 việc do người lao động đảm nhiệm là gieo cấy; chăm bón và thu hoạch).

Với phương thức khoán đã làm tăng năng xuất lao động từ 28,16 tạ/ha năm 1979 đã tăng lên 32,5 tạ/ha vào năm 1981 và 35,0 tạ/ha năm 1982. Bình quân lương thực theo đầu nguời vào năm 1981 là 223 kg đã tăng lên 250kg năm 1982, xã hoàn thành chỉ tiêu lương thực cho Nhà nước và có tích luỹ được cho tập thể trên 100 tấn thóc.

Bên cạnh sản xuất lúa, từ năm 1981, Đảng uỷ và chính quyền xã Thọ Lộc đã vận động nhân dân phấn đấu đưa vụ đông lên thành vụ chính. Diện tích vụ đông không ngừng tăng lên nhanh chóng. Năm 1980 chỉ có 20 ha, đến năm 1983 tăng lên trên 120 ha, trong đó chủ yếu là khoai lang và sau  này có trồng thêm ngô lai, đậu tương.

Các đội chuyên do hợp tác xã điều hành vẫn hoạt động một cách thường xuyên đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

- Nghề sản xuất gạch ngói từ năm 1976 đến năm 1980 đạt khối lượng từ 1,2 đến 1,5 triệu viên / năm.

- Đội xây dựng cơ bản 201 đáp ứng yêu cầu trong việc xây dựng kiến thiết của tập thể và các hộ gia đình .

- Nghề sản xuất thủ công truyền thống chủ yếu là khâu nón lá vẫn được duy trì thường xuyên của các hộ gia đình để tăng thêm thu nhập chi tiêu hàng ngày.

Trong những năm khó khăn thời kỳ bao cấp, nghề khâu nón lá đã đóng góp một phần đắc lực đối với nhiều gia đình trong xã.

Hợp tác xã mua bán:

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn của thời bao cấp nhưng cán bộ nhân viên cử hàng vẫn cố gắng cung ứng số lượng hàng hoá thiết yếu để cung cấp cho nhân dân đặc biệt là trong những dịp lễ Tết.

Hợp tác xã tín dụng:

Hoạt động tích cực để huy động vốn nhàn rỗi  trong nhân dân và vay vốn ngân hàng nhà nước đảm bảo cho hợp tác xã mua bán, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói qua 10 năm sau ngày đất nước thống nhất 1975 - 1985 là một thời kỳ đầy khó khăn thử thách, nhân dân Thọ Lộc cùng với nhân dân các địa phương khác trong cả nước nỗ lực vươn lên để khôi phục và phát triển kinh tế.

4. Lĩnh vực Văn hoá, Giáo dục và Y tế

Hoạt động văn hoá vẫn được duy trì từ thời kháng chiến trước năm 1975. Đội văn nghệ của xã được tổ chức lại  gồm các nhân tố được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ quần chúng ở các cơ sở sản xuất với tính chất  “Cây nhà, lá vườn”.

Đội văn nghệ thực sự mang hơi thở của quê hương phục vụ công chúng trong những dịp lễ Tết, tổ chức mừng công sau những mùa thu hoạch.

Đội thông tin tuyên truyền vẫn hoạt động một cách thường xuyên, truyền đạt kịp thời những chủ trương chính sách của  Đảng và Nhà nước, thông báo những hoạt động kinh tế xã hội của địa phương.

Đời sống văn hoá của nhân dân cũng được nâng lên. Đến năm 1985, nhiều hộ nhà tranh đã xây lại được nhà ngói. Cũng trong thời gian trên, Đảng uỷ và chính quyền xã chỉ đạo cùng với hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng hoàn chỉnh 4 cầu kiên cố bắc qua kênh Nam đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân trong và ngoài xã.

Giáo dục trên địa bà xã được phát triển nhanh. Sau năm 1975, số lượng học sinh cấp 1 và cấp 2 tăng nhanh chóng, các cháu Nhà trẻ và Mầm Non ngày càng đi vào nề nếp đúng độ tuổi theo tinh thần cải cách giáo dục do Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ  IV đề ra.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới, chính quyền xã vận động nhiều hộ gia đình di dời mồ mả ở khu vực Cồn Trang để tập trung xây dựng khu trường học (khu trường học ngày nay).

Trạm y tế đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và làm nhiệm vụ sơ tuyển quân trong thời kỳ chống Mỹ trước đây. Bước sang thời kỳ mới, trong hoàn cảnh bao cấp, dụng cụ vật tư Y tế và thuốc men có gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ nhân viên trạm Y tế không ngừng vươn lên khắc phục mọi khó khăn, với phương châm đông tây y kết hợp, trạm đã xây dựng được vườn thuốc nam với nhiều cây dược liệu quý, tìm cách chế biến theo phương cách thủ công và ứng dụng có hiệu quả trong công tác điều trị bệnh.

Hưởng ứng cuộc vận động mua phiếu công trái của Chính phủ để xây dựng đất nước trong thời kỳ khó khăn, tháng 10/1989, nhiều gia đình trong xã đã hăng hái sử dụng tiền tiết kiệm của mình để mua phiếu công trái. Một số gia đình mua bằng vàng, bằng tiền, bằng lúa với số lượng cao.

Gia đình ông Lê Sỹ Hồng, gia đình ông Phạm Xuân Hương, gia đình ông Hà Ngọc Thắng được dự hội nghị tuyên dương của tỉnh về kết quả mua công trái.

5. Nhiệm vụ quốc phòng và an ninh

Trong điều kiện đất nước vừa có hoà bình vừa phải đối phó với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, vì vậy nhiệm vụ an ninh quốc phòng, giữ vững trật tự xã hội được Đảng bộ và nhân dân trong xã chú trọng, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện mọi yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên.

Từ năm 1976 đến 1985, xã Thọ Lộc tiếp tục động viên con em lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 10 năm (1976 – 1985), Thọ Lộc có 152 thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế đối với nước bạn Lào và Căm Pu Chia. Riêng tháng 9/1978, tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc rất phức tạp, 18 quân nhân phục viên xuất ngũ của xã đã tình nguyện tái ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1976 – 1985, có 10 người con của xã đã chiến đấu hy sinh ở biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Căm Pu Chia.

Lực lượng an ninh của xã cùng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ tài sản của hợp tác xã và của nhân dân. Lực lượng dân quân tự vệ động viên được huy động tham gia phòng chống bão lụt và ứng cứu trong mọi tình huống.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vươn lên, năm 1984 - 1985 Đảng bộ xã Thọ Lộc được nhận cờ luân lưu của Tỉnh uỷ Thanh Hoá và được công nhận là Đảng bộ vững mạnh.

Những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc đạt được từ 1976 - 1985 là rất quan trọng, góp phần ổn định và phát triển đời sống kinh tế - văn hoá của nhân dân. Bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế yếu kém như việc quy hoạch đất đai sản xuất và khu dân cư sau năm 1975 được thực hiện nóng vội, không tính đến những công trình mang giá trị Văn hoá - Lịch sử.

Năm 1976, chính quyền xã cho tháo dỡ đình chùa ở các làng trên phạm vi toàn xã và hầm của Thường vụ Tỉnh uỷ được xây dựng thời kỳ sơ tán. Những di tích Văn hoá - Lịch sử đó chỉ còn lại trong ký ức của lớp người sinh ra và lớn lên trước năm 1975.

II. THỜI KỲ  1986 - 2010

1. Tình hình kinh tế xã hội sau 10 năm đất nước thống nhất

Trải qua 10 năm đất nước thống nhất (1975 - 1985), nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế chính trị - xã hội, nổi bật là khôi phục kinh tế, ổn định đời sống xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trải qua 10 năm ấy đất nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém trong việc quản lý kinh tế do duy trì và thực hiện cơ chế bao cấp kéo dài. Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội nẩy sinh đã làm cho kinh tế  khủng hoảng, lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng giảm sút. Các thế lực thù địch tiến hành bao vây cấm vận, phá hoại về nhiều mặt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới. Tháng 12/1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới đất nước. Chủ trương của Đảng là đổi mới sâu sắc và toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế với những nội dung sau:

- Đổi mới cơ cấu kinh tế, có chính sách cải tạo, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế nhằm khai thác mọi khả năng của các thành phần kinh tế trong đó vai trò chủ đạo là kinh tế quốc doanh. Thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý.

- Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xác lập cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Cùng với sự phát triển khoa học khoa học kỹ thuật cần phải mở rộng và có hiệu quả kinh tế đối ngoại.

- Xác lập và vận hành cơ chế quản lý mới, cải cách bộ máy nhà nước. Đảng phải đổi mới nhiều mặt, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức - cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác.

- Những năm trước mắt cần phải tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn: Lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Tiếp theo các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X đã cụ thể hoá mục tiêu nhiệm vụ của từng chặng đường trong quá trình đổi mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới toàn Đảng, toàn quân và dân ta gặp nhiều khó khăn thách thức:

- Sự trì trệ bảo thủ của không ít cán bộ thời bao cấp.

- Giá lương tiền không ổn định, vật tư và hàng hoá khan hiếm tác động xấu đến đời sống của xã hội.

- Thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp: hạn hán và rét đậm kéo dài trên diện rộng. Cơn bão số 3 tháng 8/1987 tiếp đó là cơn bão số 6 tháng 9/1989 đã gây tổn hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

- Sự tan vỡ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, cùng với thuyết “đa nguyên, đa đảng” của các thế lực chống phá cách mạng thế giới đã làm cho không ít cán bộ đảng viên hoang mang tinh thần, tư tưởng. Nhiều cơ sở có đảng viên bỏ nhiệm vụ, xin ra ngoài Đảng.

Trước tình hình đó Trung ương Đảng đã xác định rõ, cách mạng Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, xác định lại niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong tình hình mới.

2. Củng cố và xây dựng hệ thống chính trị xã hội

Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XIX (nhiệm kỳ 1986 - 1989) và Đại hội lần thứ XX (nhiệm kỳ 1989 - 1991) đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới là: “Tập trung sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến hiệu quả 3 chương trình kinh tế lớn, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển, ổn định từng bước và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu dân giàu nước mạnh, mở rộng dân chủ công khai, công bằng xã hội”.

Được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Thọ Xuân, Đảng bộ xã Thọ Lộc thực hiện quy chế dân chủ, đoàn kết trong toàn Đảng và nhân dân, phát huy sức mạnh của hệ thống tổ chức chính trị xã hội.

Tháng 3/1988, Đại hội Đảng bộ xã khoá XXI đề ra chương trình mục tiêu cụ thể để thực hiện ba chương trình kinh tế lớn.

Đại hội Đảng bộ khoá XXI bầu 5 thường vụ Đảng uỷ:

- Đồng chí Lê Tất Dinh - Bí thư Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Sỹ Tư - Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã

- Đồng chí Lê  Sỹ Hành - uỷ viên trực Đảng uỷ

- Đồng chí Lê Trọng Tuỳ - Phó chủ tịch, Trưởng Công an xã

- Đồng chí Lê Hữu Dậy - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp.

Tháng 6/1994, Hội đồng nhân dân xã khoá XIV - cơ quan quyền lực ở địa phương - bắt đầu thực hiện chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch chuyên trách (thay cho thư ký hội đồng trước đây).

HĐND  xã khoá XIV bầu 20 đại biểu, trong đó:

- Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Bà Lê Thị Tấn - Phó chủ tịch HĐND

HĐND xã khoá XV bầu 21 đại biểu, trong đó:

- Bà Lê Thị Tấn - Bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Ông Lê Hữu Dậy - Phó chủ tịch HĐND

HĐND xã khoá XVI bầu 26 đại biểu, trong đó:

- Ông Lê Tất Thiệp - Phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND

- Ông Lê Bá Biểu - Phó chủ tịch HĐND

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được củng cố và mở rộng.

- Tháng 12/1989 Hội Cựu chiến binh xã được thành lập (Ông Lê Sỹ Đàm được cử làm chủ tịch).

- Tháng 4/1996 thành lập hội  Người cao tuổi (Ông Lê Tất Lân được cử làm chủ tịch).

- Tháng 4/2011 thành lập hội khuyến học (Ông Lê Bá Việt được cử làm chủ tịch).

Để đảm bảo sự ổn định nâng cao hiệu quả lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc xã, các tổ chức chính trị xã hội, từ năm 1994, thực hiện hiến pháp 1992 về nhiệm kỳ của HĐND - UBND, Đảng bộ khoá XX thực hiện nhiệm kỳ 5 năm, tiếp đó HĐND - MTTQ xã và các tổ chức chính trị xã hội của xã đều thực hiện theo luật định với nhiệm kỳ 5 năm.

3. Thành tựu phát triển về kinh tế

Ban Chấp hành Đảng bộ các khoá từ 1987 đến nay đã căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, dựa vào thực tế về nhân lực và nguồn lực của địa phương đã đề ra mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của xã.

Với phương châm đúng đắn, sự chỉ đạo kiên quyết của Đảng uỷ và chính quyền cùng với sự chung tay góp sức của các tổ chức chính trị xã hội, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, trải qua hơn 20 mươi năm đổi mới, xã Thọ Lộc đã đạt được những thành tựu nổi bật.

a. Trên lĩnh vực kinh tế

Về trồng trọt, trải qua 5 năm thực hiện chính sách khoán sản phẩm theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương, xã Thọ Lộc cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, người nông dân rất phấn khởi hăng hái lao động trên đồng ruộng, tạo ra một khối lượng sản phẩm nông nghiệp đáng kể. Tuy nhiên, cơ chế khoán theo Chỉ thị 100 ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế:

- Người nông dân chưa được thực sự làm chủ về đất đai và những tư liệu sản xuất khác.

- Mức khoán cao làm cho người lao động không còn phấn  khởi như những vụ đầu của cơ chế khoán sản.

- Cùng với thiên tai lũ lụt đã làm cho năng suất, sản lượng bị giảm sút, nhiều hộ gia đình khê đọng sản.

Trước tình hình đó, ngày 05 tháng 4 năm 1988 Bộ Chính trị ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành nghị quyết số 10-NQ/BTC về "đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" nhằm giải quyết nhu cầu bức bách trong nông nghiệp. Nghị quyết xác định mục tiêu chính là tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời đổi mới công tác quản lý nông nghiệp theo hướng xóa bỏ cơ chế tập trung quan lưu bao cấp, tạo điều kiện cho nông dân tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Nội dung nghị quyết 10 đề cập một cách toàn diện các khâu từ sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối lưu thông. Về tổ chức sản xuất chính thức thừa nhận khoán hộ cả về tư liệu sản xuất, về tổ chức phân công lao động và phân phối lưu thông sản phẩm.

Nghị quyết số 10-NQ/BTC của Bộ Chính trị thực sự giải phóng sức lao động cho nông dân, người nông dân có quyền lựa chọn cách tổ chức sản xuất và chủ động trong các khâu canh tác, đồng thời được quyền tự do đối với các sản phẩm làm ra sau khi làm nghĩa vụ đối với nhà nước và tập thể. Các quan hệ mua bán nông sản được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Nghị quyết số 10-NQ/BTC của Bộ Chính trị thực chất là một bước đột phá mới trên lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, làm tăng khối lượng lương thực thực phẩm góp phần thực hiện mục tiêu 3 chương trình kinh tế lớn.

Để khắc phục tình trạng trong sản xuất nông nghiệp, tháng 5/1988, Đảng bộ xã và Ủy ban nhân dân cùng các ban ngành của địa phương đã tổ chức quán triệt đến toàn thể nhân dân tinh thần nội dung Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 15 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (gọi là khoán 10) nhằm hoàn thiện chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Nếu trước đây thực hiện theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương là khoán định mức sản phẩm và chế độ công điểm trên đồng ruộng, chuyển sang khoán 10, khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là “khoán gọn” đến người lao động, bỏ chế độ công điểm. Người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất, có điều kiện mua sắm thêm công cụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng của mình.

Để thực hiện cơ chế khoán theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp kiện toàn lại với phương châm tinh giản và có hiệu quả.

Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp cùng các đội sản xuất xây dựng và hoàn thiện phương án khoán vụ vụ mùa năm 1988, lấy đơn giá đầu sào, xác định đơn giá chi tiết giao khoán đến hộ và người lao động.

Việc thực hiện khoán 10 được đông đảo nhân dân hưởng ứng, người nông dân thực sự làm chủ về tư liệu sản xuất, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, do vậy năng xuất lúa năm 1988 trong toàn xã đã tăng từ 1,2 lần đế 1,5 lần so với những năm trước đó.

Tổng thu nhập lương thực toàn xã năm 1989 đạt trên 2.000 tấn, bình quân lương thực theo đầu người 300 kg/năm.

Phong trào thâm canh được mở rộng. Đến năm 1989, có 50 ha từ một vụ lúa trở thành hai vụ lúa; hơn 100 ha từ hai vụ lúa trở thành ba vụ (có thêm một vụ màu thu đông); 25 ha cồn bãi, đầm lầy được khai hoang và đưa vào canh tác.

Cũng trong thời thời gian này, Đảng ủy và chính quyền xã vận động một số hộ thực hiện chính sách “giãn dân”, đi khai phá đất hoang lập thêm 2 xóm mới.

- Xóm Cồn Bún (giáp xã Xuân Sơn) do ông Lê Tất Sử phụ trách, sau này được nhập về thôn 1.

- Xóm Cầu Rào (giáp xã Thọ Ngọc - Triệu Sơn) do ông Nguyễn Văn Vĩ phụ trách, sau này được nhập về thôn 10.

Ngày 25/11/1992 Tỉnh ủy Thanh Hóa ra chỉ thị số 07 chỉ đạo các cấp các ngành tổ chức giao ruộng đất ổn định lâu dài cho các hộ nông dân để sản xuất kinh doanh. Với tinh thần của chỉ thị 07 hộ gia đình được xem là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông nghiệp nông thôn.

Thực hiện chỉ thị 07 của Tỉnh ủy Thanh Hóa và sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, đầu năm 1993 Đảng ủy và UBND xã Thọ Lộc đã chỉ đạo các ban, ngành, các thôn tiến hành kiểm tra lại đất sản xuất nông nghiệp và thực hiện giao đất ổn định lâu dài cho các hộ sản xuất. Việc thực hiện giao đất ổn định lâu dài đã tạo điều kiện cho các hộ đầu tư để sản xuất kinh doanh từ đó xuất hiện nhiều hộ gia đình nông dân sản xuất giỏi.

Năm 1999, Thọ Lộc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, kết quả bước đầu đã xóa được những mảnh ruộng manh mún và tạo điều kiện kinh tế phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ.

Năm 2002, xã đã kiên cố hóa được 3 km kênh mương nội đồng, xây mới và nâng cấp hệ thống tưới tiêu cả trong làng và ngoài đồng.

Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải năng động, do không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới, Hợp tác xã tín dụng và Hợp tác xã mua bán phải ngừng hoạt động.

Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn tồn tại, qua nhiều kỳ Đại hội đã trở thành Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với vai trò đảm nhiệm hai khâu chủ yếu là bảo vệ và tưới tiêu.

Năm 2003, Huyện ủy ra Nghị quyết số 05 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến năm 2010 và Nghị quyết số 06 về xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/ năm.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, Đảng bộ xã Thọ Lộc khóa XXI đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo hướng 7- 2- 1 (70% nông nghiệp - 20% tiểu thủ công nghiệp và 10% dịch vụ thương mại); đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân, từng bước đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đưa các giống lúa lai có chất lượng cao vào đồng ruộng (vụ chiêm xuân diện tích lúa lai chiếm 65%, vụ mùa đạt 70%). Vấn đề an ninh lương thực trong địa phương được đảm bảo và có lương thực bán ra thị trường.

Năm 2008, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân,  Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa lần 2 với tinh thần dân chủ công khai, kết quả là được đông đảo nhân dân đồng thuận, nhiều gia đình có từ 5 - 7  thửa ruộng  sau chuyển đổi chỉ còn 1 đến 2 thửa. Toàn xã trước chuyển đổi  có 8.094 thửa ruộng  nay chỉ còn 1.705 thửa bình quân 1,26 thửa/ hộ.

Từ kết quả của công việc dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hình thành cánh đồng mẫu lớn.

Kết quả về sản lượng lương thực năm 2005 đạt 3.116, 4 tấn, bình quân lương thực đầu người là 550 kg/năm.

Năm 2009 đạt 3.706 tấn, so với năm 2005 tăng 18,9%, bình quân lương thực đầu người là 651kg/năm, so với mục tiêu Đại hội đề ra là 3.500 tấn  tăng 5,9%.

Giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác năm 2005 đạt 24,4 triệu đồng.

Giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác năm 2009 đạt 51,0 triệu đồng, tăng so với năm 2005 là 109%, so với mục tiêu Đại hội khóa XXII đề ra là 39,8 triệu đồng tăng 28,1%.

Để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Đảng ủy và chính quyền xã đã vận động nhân dân đưa cây công nghiệp vào trồng ở những khu vực khó tưới nước, trong đó chủ yếu là cây mía.

Sản lượng mía nguyên liệu đạt bình quân 1.520 tấn/năm.

Năm 2006 đạt 480 tấn, đến năm 2009 đạt 1.600 tấn.

Giá trị sản xuất bình quân đạt 38,64 triệu đồng/ha, đạt 97,1% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ khóa XXII đề ra.

Kinh tế trang trại phát triển theo mô hình kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt. Trong toàn xã hình thành được 9 trang trại, trong đó 3 trang trại được huyện công nhận, có 2 trang trại thu nhập hàng năm đạt 70 triệu đồng trở lên.

Về chăn nuôi, thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hộ gia đình đã nhạy bén nắm bắt yêu cầu của xã hội, có kế hoạch chủ động vay vốn ngân hàng, huy động mọi khả năng về vốn của gia đình, đầu tư chăn nuôi theo mô hình sản xuất hàng hóa. Sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành chăn nuôi đã bắt đầu được quan tâm chú ý chính vì vậy ngành chăn nuôi được phát triển rất mạnh mẽ từ khi thực hiện nghị quyết số 06 của Huyện ủy Thọ Xuân. Kết quả của việc đầu tư phát triển chăn nuôi đã mang lại một nguồn thu nhập rất lớn trong xã.

Tổng số đàn trâu bò năm 2005 là 633 con, năm 2009 là 409 con giảm so với năm 2005 là 244 con, tỷ lệ giảm là 35,4%. So với mục tiêu Đại hội đề ra là 660 con giảm 251 con, tỷ lệ giảm 38%.

Tổng đàn lợn năm 2005 là 1.647 con, năm 2009 là 2.788 con, tăng so với năm 2005 là 1.141 con, tỷ lệ tăng là 69,2%. So vói mục tiêu đề ra là 3.450 con giảm 612 con, tỷ lệ giảm 18%.

Tổng đàn gia cầm năm 2005 là 14.000 con, năm 2009 là 30.000 con, tăng so với 2005 là 16.000 con, tỷ lệ tăng 114,2%.

Chăn nuôi cá năm 2009 đạt gần 52 tấn.

Nguyên nhân chưa đạt được mục tiêu về lĩnh vực chăn nuôi mà đại hội Đảng bộ đề ra là do thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho việc chăn nuôi, bệnh dịch diễn biến phức tạp (bệnh lở mồm long móng ở trâu bò, bệnh dịch tai xanh ở lợn, bệnh dịch cúm ở gia cầm). Công tác phòng bệnh dịch cho chăn nuôi chưa có kế hoạch chủ động.

Tuy nhiên, xét về giá trị kinh tế, ngành chăn nuôi thực sự là một ngành có thu nhập lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Tổng giá trị thu nhập về chăn nuôi năm 2005 là 8,6 tỷ đồng, năm 2009 là 12,3 tỷ đồng, so với năm 2005 tăng 3,7 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 43,0%).

Bên cạnh nghành trồng trọt và chăn nuôi phát triển thì ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng được phát triển nhanh chóng.

Nghề khâu nón lá vẫn được duy trì ở nhiều hộ gia đình. Từ năm 2000 đến nay, khi đất nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp được hình thành đã thu hút lực lượng lao động ở nông thôn, do đó nghề nón lá chủ yếu là các bà, các chị hết độ tuổi lao động duy trì. Do tính chất của nền kinh tế thị trường, mọi nguyên liệu và sản phẩm nghề nón lá đều được giao dịch tại khu dân cư.

Các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại được phát triển trên địa bàn của xã từ lâu. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang làm một số nghề như thợ mộc, thợ xây, đan lát và mở cửa hàng tạp hóa.

Kể từ năm 1993, khi xã có điện lưới quốc gia, các nghề tiểu thủ công và dịch vụ phát triển một cách rất mạnh mẽ. Do hoàn cảnh địa lý và hoàn cảnh lịch sử, địa bàn xã Thọ Lộc từ trước đến nay không có chợ nhưng các ngã ba, ngã tư trong làng, xóm đều trở thành nơi trao đổi hàng hóa tấp nập, phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống nhân dân.

Đến năm 2009 các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã lôi cuốn hơn 500 hộ gia đình với trên 1.000 lao động trong đó:

- Số hộ làm nón là 416 hộ

- Nghề xay xát có 15 hộ

- Nghề vận tải có 9 hộ

- Nghề thợ mộc, thợ xây có 26 hộ

- Nghề dịch vụ thương mại có 32 hộ

- Nghề cơ khí có 2 hộ.

Giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng không ngừng tăng lên. Năm 2005 đạt 5 tỷ đồng, năm 2009 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng so với năm 2005 là 62%.

Bước vào thiên niên kỷ mới, nước ta  đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, do đó ở khu vực nông thôn bắt đầu chuyển dịch lực lượng lao động về các khu công nghiệp, nhất là các thành phố công nghiệp ở phía Nam.

Từ năm 2000 đến nay, số người trong xã đi làm ăn kinh tế ở xa hàng năm khoảng từ 800 đến 1.000 lao động, trong đó có khoảng 40% số lao động mang tính chất thời vụ, còn lại phần lớn là lao động lâu dài. Thu nhập hàng tháng của lực lượng lao động này tính từ năm 2000 là 800.000đ đến 2.000.000đ/ người, cá biệt có một bộ phận lao động có tay nghề kỹ thuật đã thu nhập khá từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/ tháng.

Bên cạnh đó, một số người đi lao động ở nước ngoài do thực hiện chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ta, phần lớn họ là những người có nguồn thu nhập khá và ổn định.

Nguồn thu nhập của những người đi làm ăn xa và lao động ở nước ngoài gửi về trung bình hàng năm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng đã giải quyết được nhu cầu xã hội rất lớn là việc làm và tăng thêm nguồn thu của nhiều hộ gia đình trong xã tạo nên một diện mạo mới của nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ năm 2005 đạt 2,145 tỷ đồng, năm 2009 đạt 4,4 tỷ đồng, tăng so với năm 2005 là 105,1%.

Cùng với sự phát triển về kinh tế trên nhiều lĩnh vực, sự tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã làm đổi thay bộ mặt của Thọ Lộc.

Đối với các hộ dân trong toàn xã, từ năm 1981 đến năm 2000, số nhà tranh dần dần được thay bằng nhà ngói xây kiên cố và bán kiên cố, nhiều hộ đã xây nhà 2 đến 3 tầng. Về cơ bản, đến năm 2004, Thọ Lộc đã xóa hết nhà tranh tạm bợ.

Đối với tập thể, năm 1993, xã tập trung xây dựng trạm biến thế điện với công xuất 320 kw, trị giá trên 230 triệu đồng. Ánh điện đầu tiên được thắp sáng ở xã ngày 19/5/1993, từ đó tạo ra một bước ngoặt lớn trong đời sống kinh tế và văn hóa của nhân dân trong xã.

Năm 1997 khởi công xây dựng trường trung học cơ sở với trị giá 620 triệu đồng do Công ty xây dựng C2 thi công và được khánh thành vào dịp khai giảng năm học 2000 - 2001. Đến nay ngôi trường đang tiếp tục hoàn thiện các phòng chức năng, khuôn viên sân trường. Xã cũng đã đầu tư nâng cấp, xây dựng trường tiểu học, đồng thời hoàn chỉnh việc di chuyển xây dựng trường Mầm Non về khu trung tâm trường học.

Năm 2005, xã xây dựng nhà công sở với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.

Với tinh thần  tri ân những người con của xã đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, đầu năm 2005, xã đã khởi công xây dựng tượng đài liệt sỹ với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng và khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4- 2005).

Phát huy tinh thần dân chủ công khai, được sự đồng thuận cao của nhân dân, với phương châm tập thể và nhân dân cùng làm, xã đã hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đồng thời nâng cấp 3 trục đường đi lên khu vực nghĩa trang thuộc 3 khu. Hoàn thành hệ thống thủy lợi nội đồng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Riêng trong 5 năm 2005 - 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các công trình phúc lợi dân sinh là 15 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nhân dân đóng góp 11 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 4 tỷ đồng.

b.Trên lĩnh vực văn hóa xã hội

Trên lĩnh vực hoạt động văn hóa, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền xã, phong trào xây dựng cộng đồng khu dân cư văn hóa được đông đảo nhân dân ủng hộ. Phát huy tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Năm 2000, xã xây dựng điểm bưu điện văn hóa và đài truyền thanh xã. Điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhu cầu mượn đọc sách báo của công chúng, qua đó tìm hiểu về khoa học công nghệ, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Tính đến năm 2005, có 70% số hộ có máy thu hình, 60% số hộ có sử dụng máy điện thoại và 50% số hộ gia đình có xe máy. Đến năm 2010, máy thu hình chiếm tới 95% số hộ gia đình, 80% số gia đình có xe máy, sử dụng điện thoại thuê bao là phổ biến.

Phong trào xây dựng Làng văn hóa ngày càng lan tỏa trong đời sống của nhân dân. Cả 4 Làng Cẩm Long, Phúc Thọ, Quả Thượng và Quả Hạ đã tiến hành khai trương xây dựng Làng văn hóa. Năm 2004, làng Cẩm long được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Năm 2010, Thọ Lộc có 825 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 58,89%, trong đó có 347 gia đình đạt “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục. Trường THCS đạt danh hiệu “Cơ quan văn hóa” cấp huyện.

Hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân có từ lâu đời, nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên có thời gian bị lãng quên. Dưới ánh sáng văn hóa của Đảng theo tinh thần nghị quyết TW5 khóa VIII, hoạt động văn hóa tinh thần được nhân dân trong xã khôi phục lại, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và nét đặc trưng của vùng quê trong đó nổi bật là hội Làng.

Hàng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, làng Quả Thượng tổ chức hội làng. Nhân dân trong xã và các địa phương ngoài xã đến dự vừa là yếu tố văn hóa tâm linh vừa là truyền thống tốt đẹp. Hội làng đã thu hút được đông đảo con em sinh sống và làm việc ở xa quê hương về dự.

Các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên và tổ chức vào những dịp lễ lớn và Tết cổ truyền dân tộc.

Phong trào thể dục thể thao cũng đã thu hút nhiều người tham gia. Đến năm 2008, có 25% số dân tham gia, đó là cơ sở để tổ chức thành công đại hội thể dục thể thao đầu năm 2009.

Trường trung học cơ sở nhiều năm đạt giải nhất, nhì trong các lần thi chạy Việt dã do huyện tổ chức, qua đó đã đóng góp được nhiều vận động viên cho đội tuyển của huyện và tỉnh.

Trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, thực hiện Nghị quyết W5 khóa VIII, giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội đã quan tâm đến phong trào giáo dục ở địa phương, đặc biệt là hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học đã thường xuyên phối hợp với các nhà trường để có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt được duy trì cả 3 trường học Mầm Non, Tiểu học và Trung học cơ sở.

Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất, trường Mầm Non đã huy động được gần 100% số các cháu trong độ tuổi ra lớp và đã thực hiện chế độ bán trú. Hàng năm có tổ chức hội thi bé khỏe, bé ngoan, giáo viên thi làm đồ dùng, viết sáng kiến kinh nghiệm.

Trường tiểu học được đầu tư nâng cấp và mua sắm thêm các thiết bị dụng cụ dạy học, xóa bỏ tình trạng lớp học 3 ca, đưa các lớp lẻ tập trung về khu trường. Năm 1997, Thọ Lộc được công nhận hoàn thành phổ cập Tiểu học.

Trường THCS được đầu tư nâng cấp và phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt hàng năm đều đạt thành tích cao, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp và xét công nhận tốt nghiệp cơ sở nhiều năm đạt 100%. Nhiều giáo viên đã phấn đấu đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Năm 2004, xã được công nhận hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Đầu năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng bộ xã, Trường Trung học cơ sở được đón Bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia.

Số lượng học sinh thi trúng tuyển vào THPT hàng năm đạt trên 55%. Từ năm học 1998 – 1999, huyện  mở thêm trường THPT Bán công Lê Văn Linh, do vậy số học sinh của xã được trúng tuyển vào THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên trên 90%.

Tính đến năm 2005, Thọ Lộc có 276 cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học đang công tác trên khắp mọi miền của đất nước.

Riêng năm 2004, Thọ Lộc có 35 học sinh trúng tuyển đại học. Trong 5 năm xã có 252 học sinh, sinh viên tham gia học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề (trong đó đại học có 96, cao đẳng có 76, trung cấp nghề có 80).

Trường Mầm Non và trường THCS nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp huyện.

Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, công tác học tập cộng đồng được quan tâm phát triển. Trong thời gian 5 năm (2005 – 2010), chính quyền xã đã phối hợp với trung tâm dạy nghề Thọ Xuân mở 2 lớp thủ công mây giang xiên và 1 lớp sơ cấp tin học cho công chức, viên chức trong bộ máy làm việc của xã.

Lĩnh vực Y tế - Dân số và chăm sóc sức khỏe trẻ em có nhiều chuyển biến. Bước vào thời kỳ đổi mới, mạng lưới Y tế cơ sở ở vùng nông thôn nói chung và trạm Y tế của xã nằm trong tình trạng khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị Y tế và thuốc men thiếu thốn.

Được sự chỉ đạo của Phòng Y tế huyện, sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức ở địa phương, trạm Y tế của xã từng bước được nâng cấp và trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Năm 1997, trạm Y tế xã có bác sỹ về công tác. Năm 2000, xã đầu tư xây dựng nhà truyền thông dân số trị giá trên 50 triệu đồng.

Với phương châm giữ gìn vệ sinh khu cộng đồng dân cư, phòng bệnh là chính, cán bộ nhân viên trạm Y tế đã tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường.

Từ năm 2005 đến tháng 12/2009 đã vận động nhân dân xây được 45 nhà tiêu hợp vệ sinh, 150 giếng khoan, 172 nhà tắm. Đến năm 2010, toàn xã đã có 40% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 78,6% số hộ có giếng khoan, 47% số hộ có nhà tắm. Với những thành tựu về cơ sở vật chất, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, cán bộ nhân viên trạm Y tế đã góp phần xây dựng chuẩn Y tế giai đoạn 2.

Công tác dân số và chăm sóc trẻ em được chú trọng quan tâm. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, trạm y tế đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức hội phụ nữ thường xuyên tổ chức giao lưu, mở hội hạnh phúc để giúp chị em nhận thức ý nghĩa của phát triển dân số gắn với phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên trong xã tương đối ổn định. Từ năm 2005 đến nay dân số phát triển tự nhiên ở mức 0,3%.

Việc chăm sóc trẻ em có chuyển biến tốt, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2005 là 22%, đến năm 2009 là 19%  (giảm 3%). Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong xã, sự nổ lực cố gắng phấn đấu của cán bộ nhân viên trạm y tế tháng 01/2006 UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp bằng công nhận xã đạt chuẩn Y tế Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010.

Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trạmY tế xã Thọ Lộc phấn đấu được công nhận đạt chuẩn Y tế quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày "Thầy thuốc Việt Nam" 27/02/2015.

Về thực hiện chính sách xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đều quan tâm, thực hiện tốt chính sách người có công theo quy định của nhà nước. Hàng năm tổ chức thăm hỏi tặng quà đối tượng người có công vào ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và Tết cổ truyền của dân tộc.

Năm 2004, Đảng ủy và chính quyền xã đã cấp đất cho 01 thương binh nặng là ông Lê Bá Quế và xây dựng nhà tình nghĩa trị giá 10 triệu đồng cho Bà Lê Thị Điếm có 2 con liệt sỹ.

Thọ Lộc là một trong những xã được huyện đánh giá thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Ngoài ra, trong thực hiện các chế độ chính sách khác của nhà nước, được sự hướng dẫn của phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thọ Xuân, từ năm 2005 đến năm 2009, chính quyền và các ban ngành có liên quan đã đề nghị, làm thủ tục cho 378 người được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.

Công tác xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là một vấn đề quan trọng của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ngày 25/01/2008 Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị số 04/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo. Chỉ thị nhấn mạnh: tiếp túc nghiên cứu tạo thêm chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhất là các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo, người nghèo. Gắn kết thực hiện chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo. Đa dạng hóa các phương thức huy động nguồn lực và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình 135 giai đoạn II.

Ngày 27/8/2008 chính phủ ban hành nghị quyết số 30A-2008/NQ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Nghị quyết 30A của chính phủ nêu rõ quan điểm: Xóa đói giảm nghèo nhanh là chủ trương lớn nhất quán của Đảng, nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính phủ Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định mục tiêu giải pháp phát triển kinh tế đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương Đảng chính phủ, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và sự chỉ đạo của Huyện ủy Thọ Xuân, Đảng ủy và UBND xã Thọ Lộc đã có kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trong địa phương.

Hàng năm, Đảng ủy, chính quyền và MTTQ xã chỉ đạo các thôn rà soát hộ nghèo một cách công khai dân chủ. Thông qua chính sách vay vốn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ gia đình đã vươn lên và thoát nghèo. Kết quả là năm 2005 toàn xã có 214 hộ nghèo, chiếm 21,5%, đến năm 2009 còn 164 hộ, chiếm 11,2% (giảm 50 hộ). Cuối năm 2014,  tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 5%.

4. Nhiệm vụ  Quốc phòng- An ninh

Nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt trú trọng trong thời kỳ đổi mới đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, lợi dụng sự tan vỡ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô, các thế lực thù địch tập trung lực lượng chống phá các Đảng Cộng sản và các nước Xã hội chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, chúng đẩy mạnh các hoạt động “Diễn biến hòa bình”, đòi “Đa nguyên đa đảng” nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng còn dung túng cho các thế lực phản động trong và ngoài nước gây bạo loạn, lật đổ làm cho công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta đứng trước nhiều khó khăn phức tạp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Thanh Hóa, Huyện ủy Thọ Xuân đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ, toàn quân và dân ta tăng cường tiềm lực Quốc phòng - An ninh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XX nêu rõ 4 vấn đề cơ bản về nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh trong tình hình mới:

- Đảm bảo ổn định chính trị, củng cố vững chắc khối đại kết toàn dân, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng đập tan mọi hành động chống phá của các thế lực phản động và tội phạm.

- Xây  dựng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách vững mạnh toàn diện làm nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội, củng cố tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân. Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và thực hiện quy chế nông thôn.

- Củng cố khối nội chính vững mạnh về mọi mặt, có chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức giải quyết nhanh, gọn các vụ việc xảy ra trong mọi tình huống.

- Quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an cơ sở có chất lượng ngày càng cao. Có chính sách xây dựng quỹ Quốc phòng - An ninh trên cơ sở đóng góp của nhân dân và tập thể nhằm giải  quyết chế độ cho lực lượng Quốc phòng - An ninh làm nhiệm vụ.

*Về công tác Quốc phòng

Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, Đảng ủy và chính quyền xã Thọ Lộc đã củng cố lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng trung đội mạnh đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong mọi tình huống .

Quản lý tốt quân dự bị động viên, hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện dân quân tự vệ theo kế hoạch của ban chỉ huy quân sự huyện.

Thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, ban chỉ huy quân sự xã hàng năm rà soát đối tượng nam thanh niên từ 17 đến 27 tuổi chuẩn bị cho việc tuyển quân.

Từ năm 1991 đến năm 2010, Thọ lộc có 176 thanh niên nhập ngũ tham gia quân đội làm nhiệm vụ  bảo vệ Tổ quốc. Số thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự đã phát huy truyền thống của những lớp cha, anh đi trước nêu cao tinh thần ý thức kỷ luật và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tại ngũ .

*Về an ninh

Đảng và chính quyền xã đã kiện toàn lực lượng công an viên, thành lập chi bộ công an, phát động nhân dân tham gia phong trào giữ gìn trật tự an ninh trong thôn xóm. Các tổ hòa giải ở thôn được thành lập trong đó ban công tác mặt trận ở thôn và tổ chức hội phụ nữ đóng góp một vai trò rất quan trọng.

Với tinh thần đấu tranh kiên quyết của nhân dân, được sự giúp đỡ của lực lượng công an chuyên trách, năm 2009 chính quyền xã đã xóa bỏ các tụ điểm cờ bạc trên địa bàn xã. Nhìn chung, công tác an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn xã được giữ vững không còn các tệ nạn xã hội mà nhân dân phải bức xúc . Thành quả đó đã tạo nên 1 không khí yên bình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

III. NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Nguyên nhân thành công

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển quê hương, góp phần  cùng cả nước tham gia cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân xã Thọ Lộc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn là do những nguyên nhân sau:

- Nhân dân xã Thọ Lộc có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo đoàn kết và tin tưởng đối với Đảng và Bác Hồ.

- Kể từ khi thành lập chi bộ Đảng 1954 (đến năm 1962 là Đảng bộ), xã Thọ Lộc đã phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu đã tập hợp và lãnh đạo nhân dân trong xã vượt qua mọi khó khăn của những thời kỳ lịch sử, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao.

- Thọ Lộc hội tụ được các yếu tố Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa, với  truyền thống văn hoá tốt đẹp Đảng bộ và chính quyền đã phát huy thành sức mạnh của quê hương trong quá trình đi lên của lịch sử.

2. Bài học kinh nghiệm.

- Nêu cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư để tạo nên sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay tinh thần đoàn kết đang được Đảng bộ, chính quyền, MTTQ phát huy mạnh mẽ.

- Cấp uỷ Đảng chính quyền phải luôn luôn nắm bắt được những yêu cầu từ thực tiễn và đời sống của nhân dân, vận dụng sáng tạo đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước để đưa ra những mục tiêu nhiệm vụ sát thực với hoàn cảnh của địa phương.

- Nêu cao tính tự lực, tự cường, phát huy các yếu tố nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, chủ động đề ra những biện pháp phù hợp và tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.

*

*    *

Trải qua tiến trình hình thành và phát triển, Thọ Lộc là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa.

Nhân dân xã Thọ Lộc cần cù lao động sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương.

Kể từ khi Đảng CSVN ra đời đầu năm 1930, nhân dân xã Thọ Lộc đã đứng lên cùng với nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tiếp đó cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp bùng nổ, nhân dân Thọ Lộc đã hăng hái đứng lên theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc với tinh thần trường kỳ kháng chiến. Đầu năm 1954 Đảng bộ xã Thọ Lộc được thành lập đã phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân đóng góp sức người sức của cho tuyền tiến cùng với quân dân cả nước làm nên một Điện Biên Phủ trấn động địa cầu, kết thúc nền thống trị của Chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên đất nước ta.

Sau Hiệp định Giơ ne vơ tháng 7/1954 , nhân dân ta tiếp tục cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Hơn 20 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ Đảng bộ xã Thọ Lộc đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi khó khăn gian khổ làm tròn nghĩa vụ của một hậu phương góp phần cùng với quân dân Miền Bắc chi viện hết mình cho tuyền tiến để làm nên một bản thiên anh hùng ca của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.

Sau khi đất nước thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, cán bộ nhân dân Thọ Lộc đã vượt qua những khó khăn thử thách để khôi phục phát triển kinh tế và xây dựng quê hương trong thời kỳ mới.

Phát huy truyền thống của quê hương trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Thọ Lộc đang ra sức chung tay xây dựng Nông thôn mới làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.
 Hiện nay xã Thọ Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 -2020.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  
Từ khóa bài viết:

Công khai giải quyết TTHC

Địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về giải quyết TTHC
Địa chỉ: UBND Xã Thọ Lộc, Thôn 4, Xã Thọ Lộc, Huyện Thọ Xuân
SĐT: 02378930568
Email: hienthuc050586@gmail.com